Bà nội tôi là vợ lẽ của ông tôi. Bà cả không sinh được con, còn bà sinh cho nhà chồng 1 người con trai, là ba tôi. Sau khi ra đời, ba tôi sống cùng ông và bà cả trong gian nhà lớn. Còn bà tôi được xếp ở gian nhà nhỏ cạnh khu vườn.
Khi ba tôi lấy vợ và sinh tôi thì ông nội không còn nữa. Tôi vẫn thấy gia đình mình sống chung với bà nội cả, còn bà nội ruột ở gian đầu hồi nối vào ngôi nhà mới đã được xây vững chãi hơn.
|
|
Ngoài 90 tuổi, bà nội tác giả vẫn luôn thích được tự làm mọi việc như xới cỏ, trồng rau |
Thuở nhỏ, hồn nhiên, tôi hiếm khi thắc mắc vì sao ba mẹ và mình lại sống chung, gắn bó nhiều hơn với bà cả mà không phải bà ruột? Tại sao bà ruột lại ăn riêng? Tại sao trong gia đình, bà ruột lại ít khi có tiếng nói?… Chỉ nghe giải thích đại khái sau khi sinh, bà tôi không đủ sức khỏe, khó có thể chăm con.
Sau này, khi ông nội tôi mất, bà cả “bước lên”, bảo vệ gia đình chống đỡ với gió giông. Bà cả nhiều hơn bà ruột tôi gần 20 tuổi. Trong chuyện lớn, bà rất nghiêm khắc dạy dỗ ba tôi, nhưng những điều nhỏ bé thường ngày, bà luôn dành cho ba sự nâng niu, chiều chuộng. Bà biết ba tôi thích uống nước chè xanh, ăn chè đậu ván, bà nấu cho ba những xoong canh khoai đặc củ đúng sở thích.
Sau này, với 4 đứa cháu, bà tôi cũng luôn dành trọn những ưu tiên, ân cần như thế. Tôi nhớ mùi trầu và dầu gió quen thuộc nơi căn buồng chỉ để vừa 1 chiếc giường của bà; nhớ những chiếc bánh gai, bánh ít, những viên chả, nắm xôi còn nóng hổi bọc vào lá chuối bà mang về cho chị em tôi mỗi lần bà ăn giỗ.
Bà ruột có cuộc sống riêng, tự chủ hoàn toàn. Bà nấu ăn riêng, dựng chuồng để nuôi vịt, nuôi gà, nuôi heo riêng. Bà lập vườn để trồng mít, trồng chuối. Bà cũng tự tay chăm sóc những luống đậu, luống cà. Mấy mươi năm lớn lên bên bà, tôi nhận ra, sự độc lập khiến bà tôi trẻ, khỏe vì được tự do. Bà chẳng giống bà cả hay âm ỉ đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Bà cũng chẳng bận lòng mấy chuyện cỏn con vì phải chung sống với con dâu. Bà thích ăn giờ nào thì ăn, thích đi đâu chơi bà tự do sắp xếp.
Trong 4 chị em, tôi là đứa cháu đặc biệt nhất khi thường xuyên nhận được sự chăm lo, cưng chiều, gần gũi từ cả 2 bà. Bà cả nấu cho tôi những bữa cơm ngon, bà ruột cho tôi nhiều kẹo ngọt. Bà cả mua cho tôi chiếc xe đạp, bà ruột dấm dúi cho mẹ tiền sắm cho tôi thêm mấy bộ đầm. Tôi ở nhà lớn với bà cả, nhưng ngày nào cũng chạy xuống phòng nhỏ để mân mê, nhổ tóc sâu cho bà ruột. Tôi ăn bánh ké ở phòng bà ruột rồi đêm đến lại tót lên ngủ chung giường bà cả, gác chân lên cái bụng mỡ mát rượi của bà.
Sau này, 2 bà đến ngưỡng tuổi già đều trở nên khó tính. Tôi nhớ những lần 2 bà cãi nhau, ba tôi rất mệt mỏi, ức chế, không biết giải quyết thế nào, đành vác dao ra chặt sạch đám chuối đang trổ ngọn xanh mướt trước nhà.
|
|
Khuôn mặt đầy vết chân chim của nội |
Lần khác, khuyên ngăn 2 bà không được, ba tôi múc xô nước đầy đổ lênh láng ra chỗ 2 người đang đứng. 2 bà tìm cách tránh ướt nên “hạ hỏa”.
Thời gian trôi, gia đình tôi không tránh khỏi thăng, trầm và lạ lùng là càng những lúc sóng gió thì mọi thành viên lại càng dễ bỏ qua hờn giận, trở nên gắn bó, bao dung với nhau hơn.
Lần ba tôi bệnh, cơm không ăn, thuốc tây không uống, ba cũng không chịu đi bệnh viện; 2 bà bỏ qua mọi khúc mắc, cùng lo hỏi han, mời bằng được những thầy thuốc nam thật giỏi về chạy chữa, bốc thuốc cho ba. Có lần, bà cả bị vấp té gãy xương, phải nằm một chỗ gần tháng trời.
Bà lúc đó gần trăm tuổi, vị trí xương gãy ở chỗ hiểm yếu nên không thể liền, bác sĩ khuyên chỉ nên để bà nằm ở nhà rồi cố công kéo dài, phụng dưỡng. Bà ruột tôi có gì ngon, dễ ăn đều dặn dò, phụ giúp mẹ tôi nấu nướng, tẩm bổ cho chị. Bà nhường chai dầu nóng Mỹ mà bà quý nhất để chị xức vào chỗ đau. Bà siêng lên nhà trên hơn, bà cố tình đi qua đi lại trước giường để lỡ chị có mỏi, có buồn, kêu bà ghé vào giúp vuốt tay, xoa ngực, lấy thêm ngụm nước…
Rồi bà cả mất. Mấy năm sau bà ruột cũng theo mây trắng về trời. Tôi bây giờ và sau này sẽ mãi bâng khuâng, tiếc nhớ về khoảng thời gian thơ ấu mình từng được chung sống dưới một mái nhà với 2 bà.
Theo phụ nữ TPHCM