Cách đây 7 năm, tôi đã trải qua một biến cố đầy đau đớn. Cú té định mệnh lấy đi khả năng di chuyển của tôi và đặt ra trước mắt một viễn cảnh không thể u ám hơn. Mất đi đôi chân, tôi thấy như mất cả cuộc sống.
Mọi khả năng, ước mơ và hy vọng đều biến mất. Những ngày sau đó, tôi nằm bất lực nhìn mọi thứ quen thuộc trở nên xa lạ. Trong kiệt cùng nỗi đau, tôi đã rơi chạm đáy của sự tuyệt vọng.
Không chấp nhận mình là người khuyết tật, nhiều lần tôi ẩn ức gào khóc: “Định mệnh đáng nguyền rủa! Tôi đã cố gắng đủ nhiều, sao đời cho mình ít vậy?”. Cha tôi là người kiệm lời, ít bày tỏ tình cảm, nhưng trong những thời điểm tăm tối nhất, cha luôn hiện diện. Cha không chỉ dành tình yêu thương cho tôi qua cử chỉ, hành động mà dần mở lời nhiều hơn.
|
Cha bồng bế đưa tác giả đi chữa trị khắp nơi |
Tôi biết hành trình của mình không dễ dàng. Một lần, cơn co giật bất ngờ tấn công tôi khiến 2 hàm răng đánh vào nhau cành cạch, ngón tay co rúm lại. Cha cố giữ để tôi không cắn lưỡi và nghẹn ngào nói: “Có cha ở đây, con đừng sợ. Cố gắng lên con trai!”.
Lúc ấy, tôi không thể nào kiểm soát được cơ thể, nhưng trong tâm trí, những lời của cha vang vọng, thấm sâu vào tận tâm can. Nó như liều vắc xin tiếp thêm tinh thần, giúp tôi vượt qua cửa tử.
Không khuất phục trước số phận nghiệt ngã của con mình và bằng niềm tin mãnh liệt “phước chủ may thầy”, cha đã đưa tôi đi chữa trị khắp nơi. Có lần, cha ẵm tôi từ nhà một thầy thuốc ở Vĩnh Long men theo cánh đồng để về. Được nâng trên đôi tay cha, tôi cảm nhận rất rõ từng hơi thở nặng nề và những giọt mồ hôi khẽ rơi chạm vào da thịt mình.
Có lẽ cha đã kiệt sức sau chuỗi ngày dài chiến đấu cùng tôi, nhưng không ngừng khích lệ: “Chỉ cần con còn sống, cha nguyện suốt đời này làm đôi chân cho con. Thầy này không chữa được, mình tìm thầy khác”.
Trong lúc mọi thứ hóa tuyệt vọng, tôi nhận thêm tin từ nơi tôi giảng dạy - “Rất mong em thu xếp lên trường để làm thủ tục và nhận quyết định thôi việc”. Tại phòng tổ chức - hành chính, tôi ngồi nhỏ thó, ôm vào lòng tấm bằng thạc sĩ và tờ quyết định thôi việc.
Đôi mắt tôi dừng lại trên khuôn mặt cha và thấy được sự đượm buồn được viết rõ trong đó. Lam lũ bốn mùa, cha chỉ mong con mình có một mùa tươi sáng. Ngờ đâu, cuộc đời trớ trêu...
Sau khi tất cả được giải quyết, cha đưa tôi về. Lúc bế tôi lên taxi, cha bị hụt chân. May mắn thay, cha không ngã. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra rằng cha không còn trẻ nữa. Tôi biết mình không thể là gánh nặng của cha mãi.
Hết thảy những khát vọng lành lặn, mong muốn thoát khỏi sự phụ thuộc hoàn toàn vào cha đã giúp tôi chuyển hóa thành sự bằng lòng và chấp nhận mượn bánh xe kim khí thay cho đôi chân, để lăn tròn theo dòng thời gian.
Tôi bắt đầu xây dựng lại từ những mảnh vụn của cuộc sống. Ban đầu, cha tập cho tôi làm quen với việc ngồi và di chuyển trên “đôi chân tròn”. Hằng ngày, cha đều đặn giúp tôi tập vật lý trị liệu để có thể lấy lại phần nào sự tự chủ cho cơ thể. Dần dần, tôi không còn bị ràng buộc bởi những hạn chế về di chuyển, mà biết cách trân trọng từng niềm vui nhỏ bé và biết nhìn đời bằng đôi mắt biết cười.
Thế rồi thời gian, lòng kiên nhẫn và nghị lực đã hoán đảo tất cả. Tôi quay trở lại giảng đường với một số chuyên đề cho sinh viên.
Mỗi lần lên lớp, tôi không chỉ trao truyền kiến thức mà dùng câu chuyện của chính mình chuyển thành “học liệu” truyền tải đến các bạn. Trên mỗi hành trình đi gieo kiến thức, khơi dậy khát vọng sống cho thế hệ trẻ, đằng sau tôi luôn có hình ảnh của cha.
|
Khi tác giả dự những cuộc giao lưu “vượt khó”, vẫn luôn có cha bên cạnh |
Sau này, khi tôi bén duyên với công tác xã hội, giúp đỡ những người đồng cảnh. Thoạt đầu, cha phản đối, nhưng khi nhận ra sự quyết tâm trong tôi, cha đã ủng hộ và đồng hành. Từ đó, hành trình nhân ái của tôi luôn có sự tiếp sức từ cha.
Hôm nay, tôi không chỉ là người khuyết tật sống sót qua biến cố mà còn mạnh mẽ và khát sống. Nhìn lại quá khứ, tôi không thể không cảm kích và biết ơn gia đình, đặc biệt là cha. Nhờ có sự ủng hộ và đồng hành của cha, tôi mới có thể vượt qua mọi khó khăn và tạo nên cuộc sống đáng sống.
Tôi hiểu rằng không có cách nào để bù đắp hết những gì cha dành cho mình. Nhưng tôi sẽ cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của chính tôi, bằng cách sống một cuộc đời ý nghĩa, để những gì cha đã trao cho tôi không trở nên vô nghĩa.
Dẫu rằng một phần thân thể đã khuyết nhược đau đớn, tôi vẫn đang dẻo dai tiến về phía trước theo cách riêng của mình; bởi tôi luôn tin rằng mình có thể vượt qua mọi khó khăn vì có cha bên cạnh.
Cảm ơn cha vì luôn bên con.
Theo phụ nữ TPHCM