Mẹ ướm hỏi, con gái xụ mặt bảo giận nhau rồi. Khơi mãi con mới chịu tiết lộ lý do: con rể dạo này đổi tính, không còn như thuở vợ chồng son. Bây giờ, bạn điện thoại rủ nhậu là con rể hào hứng đẩy xe ra đường một mình, bỏ 3 mẹ con ở nhà buồn thiu.

Thì ra trước đây chồng đi nhậu với bạn luôn có vợ kè kè một bên, dù vợ chẳng uống giọt nào. Mẹ không hài lòng: “Chỗ đàn ông con trai bia rượu với nhau, có gì vui đâu, con đi theo chi. Ở nhà làm những việc mình yêu thích hoặc hẹn mấy đứa bạn thân đi mua sắm, đi chơi. Đâu phải lấy chồng rồi thì bỏ hết bạn, lúc nào cũng bám riết vào chồng. Bây giờ có con, chẳng lẽ còn muốn bế cả 2 đứa nhỏ vào quán nhậu?”.

Con gái không thích lời mẹ khuyên. Thế hệ của con sống khác rồi. Ở nhà một mình con không vui, hẹn bạn đi chơi cũng không có gì hào hứng như lúc còn độc thân. Con gái yêu chồng, thích làm gì cũng có đôi có cặp. Nhất là mỗi khi được dịp ra ngoài. Con thích vợ chồng mặc thật đẹp rồi sánh bước bên nhau trước sự trầm trồ của những người xung quanh.

Ban đầu chồng lấy đó làm điều hãnh diện, sau bảo phiền nhưng vẫn chiều lòng vợ. Để khỏi bơ vơ, con kết bạn với vợ các “chiến hữu” của chồng. Từ đó, “hội chồng” nâng ly, hội vợ “phá mồi”, đi đâu cũng ồn ào đông vui. Nhưng từ khi có bọn trẻ, chồng bỗng khác hẳn. Mỗi lần ra ngoài chơi, chồng chặn ngay ý nghĩ “tháp tùng” của vợ bằng câu cộc lốc: “Đi tí xíu về liền, đừng theo chi mất công”. “Tí xíu” của chồng là tắt điện thoại rồi mất hút nửa buổi hoặc cả ngày. 

Con rể gọi điện hỏi 3 mẹ con về ngoại chơi đã chưa, ông bà nội nhớ cháu rồi, giục sang rước. Vẫn còn giận dỗi, con gái hỏi vặn: “Cả tuần nay rảnh tay rảnh chân chắc đi nhậu suốt luôn ha?”.

“Nhậu đâu? Ở nhà hì hục dọn phòng chơi mới cho con nè. Làm gỗ, sơn tường xong hết rồi”. Ba chồng đang ngồi gần đó, nói thật lớn cho con dâu nghe: “Ba bắt nó ở nhà sơn sửa đó. Làm cha rồi mà không nên thân, đi làm về rảnh là la cà rong chơi”.

Theo dõi cuộc điện thoại, mẹ phân tích cho con gái thấy rõ sự không hài lòng của ba chồng. Có lẽ chồng từ chối đưa vợ con theo những cuộc vui vì có sự răn đe của cha mẹ.

Thử tưởng tượng, làm sao ông bà không lo khi 2 vợ chồng chuẩn bị lỉnh kỉnh tã, sữa, bình nước nóng, quần áo, xe tập đi… rồi đưa 2 đứa trẻ đến nơi ồn ào đầy mùi bia, mùi thuốc lá? Lúc son rỗi, 2 đứa sống sao cũng được. Nay có con cái rồi, mọi thứ phải ưu tiên cho bọn trẻ. Đáng lẽ con gái nên khuyên chồng giảm bù khú bạn bè, dành thời gian ở nhà chơi với con. Ai đời lại muốn ôm 2 đứa trẻ song sinh mới tròn tuổi theo chồng ra quán nhậu. Đúng là vợ chồng mỗi đứa một kiểu ham chơi và thiếu suy nghĩ như nhau.

Con gái cúi mặt im lặng vì không tìm được lý do nào để biện minh. Cuối cùng đành thành thật: “Chân con là cái chân đi quen rồi. Bây giờ quanh năm suốt tháng ở nhà, con tù túng không chịu được”. Mẹ an ủi, làm cha mẹ là như thế - phải biết nghĩ cho con. Muốn rong chơi thì gắng dành dụm, đợi con lớn thêm chút nữa, cả nhà tha hồ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 Hôm nay con rể sang đón vợ con về. Mẹ để ý, suốt ngày không thấy hắn đốt thuốc. Kêu con gái vào phòng, mẹ nói nhỏ: “Thấy không, chồng con đang cai thuốc lá vì sợ ảnh hưởng 2 đứa nhỏ đó. Chắc anh chị sui khuyên nó. Con sống bên nhà chồng phải biết để ý thái độ của cha mẹ. Có những điều họ không tiện sai bảo hay rầy la con dâu. Đừng chuyện gì cũng vô tư ham chơi rồi chỉ biết làm theo ý mình”. 

Theo phụ nữ TPHCM