Bà Hai giúp mẹ ngoáy trầu
Bà Hai là người con duy nhất của cụ Lót. Năm 1968, cha bà đổ bệnh mất. Mới xong lớp 3 bà phải nghỉ học, lớn hơn một chút thì theo mẹ mưu sinh. Cụ Lót đi làm thuê, cấy lúa hết vùng này sang vùng khác. Thương cụ Lót đơn chiếc nuôi con, người thân khuyên đi thêm bước nữa nhưng cụ từ chối.
Bà Hai hái rau, bắt ốc kiếm tiền nuôi mẹ già
THANH DUY
Khi bà Hai đến tuổi lấy chồng, nhiều trai tráng ngỏ lời. Cụ Lót cũng muốn con gái yên bề gia thất, không lẻ bóng như mình, nhưng thuyết phục mấy bà Hai cũng không chịu.
Cụ Lót kể: "Nó khóc hỏi tôi 'má gả con rồi má ở với ai, con bỏ má được sao'. Nó lo tôi một thân một mình, tuổi xế chiều không ai cận kề chăm sóc nên gạt bỏ hạnh phúc bản thân để sống cùng mẹ".
Cụ Lót đã 95 tuổi, mắt yếu, tay run
THANH DUY
Thiếu thốn nhưng thấy vui vì có mẹ
Trước đây, mẹ con bà Hai được bên ngoại cho 3 công đất. Một phần làm ruộng, một phần trồng rau kiếm sống qua ngày. Rồi khu đất vào diện quy hoạch phải giải tỏa, bà được bồi thường 500 triệu đồng, vừa đủ để mua lại đất, cất lại nhà. Không còn kế sinh nhai, hằng ngày, bà Hai đi hái rau, bắt ốc kiếm tiền nuôi mẹ.
Bà Hai lo cho mẹ ngủ rồi tranh thủ đi hái rau, bắt ốc
THANH DUY
"Nó khóc hỏi tôi 'má gả con rồi má ở với ai, con bỏ má được sao'. Nó lo tôi một thân một mình, tuổi xế chiều không ai cận kề chăm sóc nên gạt bỏ hạnh phúc bản thân để sống cùng mẹ".
Cụ Nguyễn Thị Lót
|
Hồi bà Hai còn khỏe, giá mỗi bó rau, mỗi ký chỉ có vài ngàn đồng nhưng một ngày bà có thể bỏ túi khoảng 100.000 đồng. Bây giờ, lưng còng, sức yếu nên số tiền kiếm được chẳng là bao. Với vài chục ngàn đồng, bà Hai mua ít đồ ăn, phần còn lại dành dụm lo thuốc thang cho mẹ già lúc đau ốm.
"Bà cụ ăn ít lắm, 10.000 đồng thịt ăn mấy ngày mới hết. Cụ dễ tính, không đòi hỏi này kia. Gần đây mưa gió, tôi không đi hái rau bán được, cụ bảo chỉ thích ăn cơm với muối tiêu, xoài chín", bà Hai tâm sự.
Bà Hai không lấy chồng để phụng dưỡng mẹ già
THANH DUY
Hằng ngày, bà Hai dọn dẹp nhà cửa, lau dọn phần mộ ông bà trước sân. Cụ Lót thức thì bà vào pha sữa, tắm rửa cho mẹ, nấu cơm, giặt giũ quần áo.
Buổi trưa, bà Hai dìu mẹ đi nghỉ ở chiếc giường sau nhà, ngồi trò chuyện và quạt mát đến khi cụ Lót chìm vào giấc ngủ mới thôi. Khi mẹ ngủ say, bà Hai cắp nón lá, xách rổ đi bắt ốc, hái rau. Mỗi ngày, bà đều ngồi ngoáy trầu cùng mẹ, nghe kể những chuyện xưa. Buổi tối, bà Hai khẽ khàng đắp chăn cho cụ Lót như một thói quen khó bỏ suốt 20 năm qua.
Hai mẹ con chỉ biết nương tựa nhau
THANH DUY
Cuộc sống giản dị, bình yên cứ thế trôi đi trong căn nhà nhỏ. Bữa cơm với hai mẹ con bà Hai dù thiếu thốn song vẫn thấy vui. Theo bà Hai, bà không màng vất vả, chỉ sợ không lo chu toàn cho mẹ như cách mẹ đã từng lo cho mình.
Thỉnh thoảng, những người cháu tề tựu về nhà bà Hai thăm hỏi, vui chơi và cho ít tiền. Gần đây, cũng có người gợi ý đưa hai mẹ con vào nhà chung nuôi dưỡng nhưng bà Hai từ chối. "Ngoài hái rau, mỗi tháng tôi còn bán dừa, nhận tiền người cao tuổi của mẹ. Chúng tôi đâu có tiêu xài nhiều, chỉ mua thuốc thang với cơm gạo. Tôi chỉ cần mẹ con có nhau, mỗi ngày nhang khói cho ông bà để căn nhà luôn ấm cúng là niềm vui lúc già rồi", bà Hai bộc bạch.
Ngày mưa, cuộc sống của hai mẹ con thiếu thốn hơn khi không thể bán cọng rau, con ốc
THANH DUY
Cùng đến thăm nhà bà Hai, anh Huỳnh Ngọc Bảo, Bí thư Xã đoàn Mỹ Khánh, cho biết hoàn cảnh mẹ con cụ Lót khó khăn, thường được mọi người quan tâm, giúp đỡ. Mặc dù tuổi cao nhưng cách bà Hai chăm sóc từng li từng tí cho mẹ già 95 tuổi khiến bà con trong xóm trân trọng, cảm phục. Bà là tấm gương để mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, nghĩ nhiều về tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả.
Theo Thanh niên