Danu Stinson, tác giả chính của nghiên cứu trên và là Phó giáo sư tâm lý học tại ĐH Victoria ở British Columbia (Canada), đã nghiên cứu về sự khởi đầu của các mối quan hệ trong suốt 20 năm.
Phó giáo sư nhận thấy nhiều người hình thành mối quan hệ lãng mạn với đối tượng mà họ đã quen biết trong một khoảng thời gian.
Từ đó, bà bắt đầu đặt ra câu hỏi trong những nghiên cứu của mình: “Liệu anh/chị có kết bạn với đối phương trước khi phát triển quan hệ tình cảm không?”
Phó giáo sư Stinson cho biết: “Rất ít nghiên cứu thực sự xem xét việc làm bạn trước khi yêu, dù chúng tôi đánh giá rằng đó là hình thức bắt đầu mối quan hệ phổ biến nhất cho đến nay”.
Tình bạn là hình thức bắt đầu mối quan hệ lãng mạn phổ biến nhất. Ảnh: Stringer.
Ít tồn tại "tình yêu sét đánh"
Nghiên cứu trên được công bố vào tuần trước trên tạp chí Khoa học Nhân cách và Tâm lý Xã hội (SAGE), bao gồm 4 nghiên cứu nhỏ khác nói về cách khởi đầu mối quan hệ, CNN đưa tin.
Hai nghiên cứu nhỏ đầu tiên nhận thấy rằng các tài liệu văn học tập trung chủ yếu vào “tình yêu sét đánh giữa 2 người xa lạ” và phần lớn bỏ qua “sự lãng mạn phát triển giữa những người bạn”.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích dựa trên 1.900 người ở Canada và Mỹ, bao gồm sinh viên đại học và người trưởng thành ở mọi độ tuổi, kéo dài từ năm 2002 đến năm 2020.
Phân tích cho thấy 66% các đôi uyên ương xuất phát từ tình bạn. Nhiều người trong số đó là bạn bè vài tháng hoặc lâu năm.
Khi phân tích mối quan hệ của 300 sinh viên đại học, giai đoạn “làm bạn” của họ kéo dài trung bình gần 22 tháng trước khi chuyển sang giai đoạn “lãng mạn”.
Gần 1/2 trong số mẫu này nói rằng tình yêu phát sinh từ tình bạn là phương pháp ưa thích của họ để bắt đầu một mối quan hệ. Tuy nhiên, phần lớn cũng cho biết họ không kết bạn chỉ với ý định yêu đương.
Tỷ lệ các cặp LGBT xuất phát từ tình bạn cao hơn các cặp dị tính. Ảnh: Gottman.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ những người thuộc cộng đồng LGBT làm bạn trước khi yêu cao hơn so với những người dị tính, mặc dù các tác giả lưu ý rằng số người LGBT tham gia nghiên cứu ít hơn.
Những phát hiện này sẽ khiến mọi người suy nghĩ lại về định kiến xung quanh mối quan hệ tình cảm vốn xuất phát từ “kịch bản hẹn hò chủ đạo trong nền văn hóa chúng ta”, Phó giáo sư Stinson cho biết.
“Kịch bản hẹn hò thường cho rằng bạn sẽ gặp một ai đó lạ mặt, rồi trúng tiếng sét ái tình. Cá nhân tôi nghĩ nếu bạn thực sự tin vào điều đó, thật khó để tưởng tượng ra tình huống khác, chẳng hạn bạn thân thiết hơn với một người quen và nảy sinh tình cảm”, bà nói thêm.
Ranh giới giữa tình bạn và tình yêu
Ngoài ra, một phát hiện bổ sung cũng được tìm thấy trong quá trình nghiên cứu. Đó là ranh giới giữa tình yêu và tình bạn không rõ ràng như một số người vẫn nghĩ.
Trong số các cặp vợ chồng tham gia nghiên cứu, 66% cho biết họ là bạn trước khi trở thành một đôi. Nhưng đồng thời, nhiều cặp cũng cho biết họ chỉ là bạn tình, gặp gỡ nhau vì nhu cầu tình dục mà không có tình yêu, trước khi bước vào hôn nhân - một mối quan hệ cam kết hoàn toàn.
Nghiên cứu cho thấy thực chất ranh giới giữa tình bạn và tình yêu khá "mù mờ". Ảnh: John Howard.
Bà Stinson cho biết nhiều người tham gia nghiên cứu từng có hành vi thân mật, thường được coi là lãng mạn với bạn bè họ.
“Họ ôm ấp, đi du lịch cùng nhau, giới thiệu bạn bè với gia đình, song họ rất rõ ràng rằng đấy chỉ là tình bạn. Nó thực sự khiến tôi nghĩ về định nghĩa mà chúng ta gán cho ‘tình bạn’ và ‘tình yêu’, cùng ranh giới giữa chúng”, bà chia sẻ.
Nghiên cứu của Phó giáo sư Stinson nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu thêm về con đường phát triển từ tình bạn tới tình yêu, theo đánh giá của Joanne Davila, Giáo sư tâm lý học lâm sàng và Giám đốc Trung tâm Phát triển Mối quan hệ tại khoa tâm lý của ĐH Stony Brook (New York, Mỹ).
Trong khi đó, Phó giáo sư Stinson cho biết bà có kế hoạch thực hiện các nghiên cứu dài hạn. Trong đó, bà và nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi các cặp bạn bè trong vài năm để quan sát xem liệu họ có nảy sinh tình cảm không, và trường hợp nào có thể dẫn đến mối quan hệ lãng mạn giữa những người bạn.
Theo Zing