Trong cái rủi có cái may

Gần 3 năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, rất nhiều thứ đã bị đảo lộn. Nhìn lại hành trình chống dịch đầy gian nan vừa qua, dễ dàng nhận thấy đại dịch đã phá vỡ truyền thống, khiến không ít người bỏ lỡ những mục tiêu quan trọng của bản thân.

Alex Morton và Stacie Pawlicki nên duyên trong thời gian bùng phát dịch COVID-19 ẢNH: CHICAGO TRIBUNE
Alex Morton và Stacie Pawlicki nên duyên trong thời gian bùng phát dịch COVID-19 Ảnh: Chicago Tribune

 

Tuy nhiên, ngoài những mất mát, đại dịch cũng mang lại cho chúng ta những giá trị tích cực. Chính khoảng lặng trong giai đoạn dịch bùng phát dữ dội, không thể ra ngoài, mỗi người có cơ hội tự nhìn lại bản thân, tìm lại những thói quen cũ đã bỏ mất từ lâu. Họ bắt đầu chơi nhạc trở lại, trân trọng những hoạt động ngoài trời… Thay vì quá chú trọng vẻ bề ngoài và xây những mộng ước viển vông, mọi người trân trọng hơn những giá trị đích thực của cuộc sống từ những điều nhỏ nhặt.

Trong thời kỳ đại dịch bùng phát, Bob Dorobis ở Middletown (New Jersey, Mỹ) đã tập luyện chăm chỉ để cải thiện khả năng chơi đàn guitar của mình sau một thời gian dài bỏ quên sở thích này. Giờ đây, nhà phát triển phần mềm 70 tuổi mong muốn có nhiều thời gian hơn để thực hành chơi đàn. Ông nói: “Cuối cùng, tôi nhận ra cách duy nhất để tôi thích đàn hơn là học nó thật tốt”.

Suốt bao năm qua, mặc dù cây đàn luôn được cất giữ trong nhà nhưng hiếm khi Bob Dorobis lấy nó ra chơi. Có lúc, ông đã lãng quên nó vì những bộn bề của cuộc sống thường nhật. Phải đến giai đoạn giãn cách, ông mới có thời gian dành cho sở thích tưởng chừng đã chìm vào quên lãng sau hàng chục năm. Dù không cố gắng để trở thành nghệ sĩ nhưng việc chơi nhạc đã giúp ông xoa dịu tâm hồn, như một cách để ông khám phá bản thân, quên đi những nỗi mất mát, đau thương.

Trải qua gần 3 năm với COVID-19, mỗi người càng quý trọng sức khỏe, nhất là học được cách yêu bản thân nhiều hơn, không để guồng quay của công việc, áp lực kinh tế ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của mình. Phần lớn mọi người đã không tập luyện thể dục thể thao trong nhiều năm cho đến khi dịch bùng phát. Khi mọi thứ tạm lắng, họ quyết tâm chạy bộ, tập luyện ở cự ly bán marathon… để vừa cải thiện thể chất vừa tạo niềm vui gắn kết gia đình.

Trong thời kỳ đại dịch, Beth Lehman, một bảo mẫu ở Greenville (New York, Mỹ) đã đạp xe lần đầu tiên sau nhiều năm. Bây giờ, cô còn tích cực vận động mọi thành viên trong gia đình, cả người ông ngoài 80 tuổi, cùng học cưỡi ngựa.

Bà Susan trân trọng cuộc sống và quan tâm đến sức khỏe của bản thân nhiều hơn sau khi mắc COVID-19 - ẢNH: WHO
Bà Susan trân trọng cuộc sống và quan tâm đến sức khỏe của bản thân nhiều hơn sau khi mắc COVID-19 - Ảnh: WHO

 

Susan (Mỹ), một nhà tư vấn chính sách y tế, luôn tự cho rằng mình khỏe mạnh trước khi mắc COVID-19 (tháng 4/2020). Cả Susan và chồng bà đều nhiễm bệnh cùng lúc nhưng chồng bà đã khỏi bệnh chỉ sau khoảng 1 tuần. Trong khi đó, Susan không may mắn như vậy. Bà tiếp tục mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ bắp và cơn ho khó chịu kéo dài đến 2 tuần sau đó. 2 tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2, Susan vẫn phải đối mặt với những cơn đau đầu và gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin. Những triệu chứng này cuối cùng đã hết nhưng bà lại tiếp tục chống chọi với tình trạng khó thở.

2 năm kể từ khi mắc COVID-19, Susan vẫn còn bị mệt mỏi nhưng đã thích nghi và chấp nhận thực tế của cuộc sống mới. “Tôi thường lên cơn mệt vào đầu giờ tối nên phải lên kế hoạch trong ngày của mình sao cho phù hợp. Tôi nhận thấy việc tập yoga - kết hợp chuyển động và tập thở - thực sự hữu ích. Cuộc sống hằng ngày của tôi đã chậm lại nhưng về mặt nào đó, tôi thấy nó khá tốt. Tôi quan tâm và trân trọng hơn nhiều thứ xung quanh mình. Khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra” - bà chia sẻ.

Suy nghĩ tích cực và sự quan tâm của mọi người đã góp phần quan trọng giúp chúng ta vượt qua đại dịch COVID-19. Những sự quan tâm tưởng chừng nhỏ nhoi ấy hóa ra lại có giá trị vô cùng to lớn. Lisa và Larry Neula (vũ công và ca sĩ) ở Sacramento, California (Mỹ) đã làm dịu không khí căng thẳng bằng những ca khúc và điệu nhảy. Họ đã cùng xây dựng các buổi biểu diễn miễn phí với khán giả là hàng xóm xung quanh và đến giờ vẫn duy trì nó như một thói quen. “Nếu trong nhóm bạn có một người thể hiện rằng họ muốn hòa đồng, những người khác sẽ bắt nhịp. Tinh thần tích cực sẽ dễ dàng lan truyền” - Lisa nói. 

Những người hàng xóm của Lisa và Larry Neula đang xem họ biểu diễn trên đường ở Sacramento, California - ẢNH: AP
Những người hàng xóm của Lisa và Larry Neula đang xem họ biểu diễn trên đường ở Sacramento, California - Ảnh: AP

 

Lisa và Larry Neula cùng những người hàng xóm dần trở nên gắn kết hơn. Bên nhau, họ tạo ra không ít khoảnh khắc dễ thương trên bãi cỏ, vỉa hè… hay quan tâm đến nhau bằng việc chia sẻ các món ăn “nhà làm” đến hàng xóm, giúp đỡ và thăm hỏi những người già sống một mình.

Khởi đầu cuộc sống mới

3 năm chung sống với đại dịch, trải qua không ít giây phút sinh tử, nhiều người đã tìm được mục tiêu mới cho bản thân. Trong số đó, không ít cặp đôi cạnh nhà cũng nảy sinh tình cảm và nguyện thề gắn kết trọn đời.

Alex Morton và Stacie Pawlicki dường như không quên ngày kỷ niệm 21/3/2020 của họ - ngày bang Illinois (Mỹ) bị phong tỏa. COVID-19 đã đưa họ đến với nhau. Kể từ năm 2019, dù sống cùng tầng trong tòa nhà chung cư nhưng cả hai chưa bao giờ thực sự giao tiếp với nhau.

Cho đến khi biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được ban hành, mọi người phải ở nhà gần như toàn bộ thời gian, họ mới bắt đầu có thêm nhiều cơ hội chạm mặt. Trong một lần đi lấy món hàng đã đặt, Pawlicki tình cờ gặp Morton khi anh chuẩn bị ra ngoài chạy bộ. Cô hỏi tên anh và để ý thấy anh nhớ tên mình. Thậm chí, Morton còn không ngần ngại gọi Pawlicki là “cô gái dễ thương sống cùng tầng”. 

Sự tình cờ ấy như sợi dây kết nối hai con người. Tối đó, cô rủ anh qua nhà chơi. Cả hai đã nói chuyện suốt 5 giờ và dần nảy sinh tình cảm, trở thành một cặp đôi cho đến hiện tại. Tháng 8/2020, họ quyết định tìm một căn hộ rộng rãi hơn trong cùng tòa nhà để chuyển đến sống  cùng nhau.

Morton nói, đại dịch đã giúp họ xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, cả hai cũng cố gắng tạo ra các không gian riêng tư dành cho nhau để tránh cảm giác nhàn chán.

Hậu COVID-19, cuộc sống và sinh hoạt của mọi người đã bình thường trở lại khiến ứng dụng Zoom không còn được phổ biến. Dẫu vậy, vẫn còn không ít người phải mượn Zoom và WhatsApp để thăm hỏi người thân, bạn bè ở quê nhà.

Samantha Martin, người thường xuyên phải di chuyển giữa New York và Florida (Mỹ) để làm việc, đã duy trì “những câu chuyện ngày Chủ nhật” qua Zoom cùng gia đình đang sống ở Hồng Kông (Trung Quốc) - một hoạt động cô vẫn thực hiện đều đặn từ lúc dịch bệnh cho đến nay. “Mỗi tối Chủ nhật, tôi ăn tối hoặc ăn sáng (tùy thuộc vào chênh lệch múi giờ) với một người bạn hoặc thành viên gia đình trên khắp thế giới” - Samantha Martin nói về cách cô duy trì tình cảm, sự gắn kết với gia đình và bạn bè thân thiết từ những ngày dịch bệnh mới bùng phát đến hiện tại. 

Theo phụ nữ TPHCM