Đỗ Thị Ngọc Diệp (sinh năm 1997), điều dưỡng tại khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), từng tưởng tượng nhiều lần về đám cưới của mình.

Nhưng cô chưa bao giờ nghĩ trong ngày vui nhất, cô và chồng sẽ trao lời ước hẹn qua màn hình vô tuyến và ứng dụng gọi video.

leftcenterrightdel
 Hôn lễ diễn ra trong giờ nghỉ, tại phòng hành chính thuộc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến số 16.

Trước đó, chiều 29/9, lễ cưới của Ngọc Diệp và chồng, anh Lê Quang Huy (sinh năm 1990), được tổ chức online, khi cô dâu đang đi chống dịch tại Sài Gòn, chú rể vẫn ở Hà Nội.

Hôn lễ của hai người diễn ra trong giờ nghỉ, tại phòng hành chính thuộc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7, TP.HCM). Bữa tiệc nhỏ được ban lãnh đạo, đồng nghiệp tổ chức. Các khâu chuẩn bị từ hoa, bánh kem, chữ hỷ, khai trầu, bàn cưới, trang phục mất 2 ngày để sửa soạn.

Cô dâu cũng chỉ nhận được thông báo từ tối hôm trước.

Trong ngày trọng đại, tạm gác công việc bộn bề và cất chiếc áo xanh của nhân viên y tế, Ngọc Diệp vấn tóc duyên dáng, mặc tà áo dài màu trắng.

Buổi lễ cử hành khá gấp rút, nhỏ gọn, chỉ có khoảng 10 người tham dự nhưng vẫn đầy đủ nghi thức và sự trang trọng.

Dù không đứng bên nhau, đôi vợ chồng mới cưới vẫn khiến họ hàng, người thân, đồng nghiệp xúc động khi chứng kiến khoảnh khắc cả hai trao nhẫn cưới, nói lời hẹn thề.

Cô dâu cũng nhiều lần rưng rưng khi lắng nghe chồng chia sẻ cảm xúc về ngày vui đặc biệt.

Qua màn hình, cả hai hứa sẽ yêu thương, che chở, gắn bó với nhau, đồng thời gửi lời cảm ơn tới gia đình, đồng nghiệp đã thu xếp, giúp đỡ Ngọc Diệp tổ chức một lễ cưới ấm áp.

leftcenterrightdel
 Ngọc Diệp xúc động trong lễ cưới online của mình.

Nói với Zing, cô dâu cho biết cả hai quen nhau nhờ sự mai mối của người quen. Sau một năm yêu, Quang Huy ngỏ lời cầu hôn.

"Chồng mình hiền lành, chân thật và rất tôn trọng vợ. Thời gian yêu không quá dài nhưng cảm giác đúng người, đúng thời điểm", Ngọc Diệp nhỡ lại.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, gia đình 2 bên đã chọn ngày 26/9 để tổ chức lễ cưới.

Thế rồi, TP.HCM trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước, Diệp cùng 800 y, bác sĩ vào miền Nam để “chia lửa” với lực lượng tuyến đầu.

"Trước hôm đi, mình nghĩ cùng lắm sẽ đi hơn 1 tháng. Còn hẹn chồng sẽ về tổ chức lễ cưới. Nhưng dịch bệnh căng thẳng, tới nay, mình đã xa nhà khoảng 2 tháng".

Thấu hiểu công việc của vợ, Quang Huy chọn cách động viên, cổ vũ cô tiếp tục nhiệm vụ. Ở nhà, anh cũng lo lắng chu toàn mọi chuyện với gia đình để cô yên tâm công tác.

"Hàng ngày, sau khi kết thúc ca trực, mình có một niềm vui là gọi điện với chồng để tâm sự. Những mệt mỏi trong công việc đều được giải tỏa nhờ giây phút như vậy. Ở xa nhau nhưng anh luôn là điểm tựa, động lực để vợ tham gia chống dịch", Ngọc Diệp kể.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Buổi lễ được diễn ra trong không khí ấm cúng thông qua ứng dụng gọi trực tuyến.

Sau khi dịch bệnh kết thúc, tùy theo tình hình, hai vợ chồng dự định tổ chức thêm một lễ cưới để bù lại.

"Khi đó, các đồng nghiệp ở bệnh viện sẽ được dự đám cưới đúng nghĩa. Còn mình và chồng cũng được trao lại lời thề hôn nhân khi được đứng cạnh nhau".

Hiện, công việc của Ngọc Diệp tại Sài Gòn đang dần ổn định. Mong muốn lớn nhất của cô lúc này là hoàn thành thật tốt nhiệm vụ và sớm được đoàn tụ với gia đình.

“Lúc nhận được thông báo về lễ cưới, mình vừa hồi hộp, vừa cảm thấy biết ơn. Đây sẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của mình. Vợ chồng mình gửi cảm ơn chân thành nhất đến tất cả thầy cô, đồng nghiệp đã tạo điều kiện để buổi lễ đặc biệt này được diễn ra”, cô dâu tâm sự.

leftcenterrightdel
 Lễ cưới ngắn gọn, chỉ diễn ra khoảng 1 tiếng để các y, bác sĩ tiếp tục trở lại công việc.

 Theo Zing