Lá thư viết tay ố vàng màu thời gian, rách nhiều đường theo những nếp gấp đã khiến dân mạng xúc động. Chỉ sau 12 giờ đăng tải trên một fanpage, hình ảnh lá thư đã nhận về 43.000 lượt yêu thích và hơn 2.200 lượt chia sẻ.
|
Lá thư của bạn Trần Hoài Thu được cất giữ nhiều năm |
Lá thư được viết vào năm 2009, mẹ bạn Trần Hoài Thu gửi cho con gái đi học xa: “Mẹ gửi cho con 800.000đ (tám trăm ngàn). Mẹ gửi luôn cả tiền nửa tháng 4 nữa nhé! Dạo này mẹ ở nhà bận lắm, hơn nữa có 1 mình mẹ xoay xở nuôi cả nhà nên cũng khó khăn lắm. Con chi tiêu tiết kiệm vừa đủ nhé. Sinh nhật mẹ không phải mua gì gửi về đâu lãng phí lắm nhé! Mẹ chỉ cần các con cố gắng học thật tốt để lo cho sau này là mẹ mừng vui lắm rồi. Đừng phụ lòng mẹ”.
Thư của người mẹ nghèo cách đây 15 năm khiến người đọc rưng rưng. Dưới bài đăng, có phân tích cho rằng số tiền 800 ngàn mỗi tháng gửi cho con đi học xa ở thời điểm 2009 là ít, hẳn người mẹ đã bị nỗi lo tiền bạc bủa vây. Bà mong con hiểu chuyện mà đừng lãng phí và gắng học hành nên người, để có tương lai tươi sáng.
|
Bạn Hà Phương đăng lá thư mẹ nhắn khi gửi kèm đồ ăn |
|
Tài khoản Bình Đức đăng hình lá thư bố viết |
Nhân lá thư cũ kỹ này, nhiều người bộc bạch những suy nghĩ chưa từng một lần nói ra. Tài khoản Facebook Nguyễn Hồng Ngọc (34 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: Năm 2008, Ngọc từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để học trường Đại học Văn hóa. Nhà làm nông, đến mùa vụ phải bán lúa mới có tiền, mỗi tháng, mẹ bạn đều đi vay tiền hết nhà nọ đến nhà khác để gửi cho Ngọc.
“Mẹ tôi luôn nói, ở nhà khó khăn sao cũng lo được, con cứ chuyên tâm học hành, đừng nghĩ gì đến chuyện tiền bạc mà lao vào đi làm thêm. Đó là động lực để tôi cố gắng đến tận ngày hôm nay”, Ngọc viết.
|
Thư của mẹ được tài khoản Lê Diệu Quỳnh chia sẻ |
|
Tài khoản Ngô Trường Vũ khoe bài thơ luôn nằm trong ví |
Cùng tâm tư, tài khoản Cô Bống viết: “Giống chữ mẹ tui quá. Hơn 10 năm trước đi học, bố mẹ cũng vất vả nuôi thế này mà là 2 triệu/ tháng. Có lúc thực tập, tui dùng 1 triệu/1 tuần. Xót ruột luôn! Người làm ra tiền thì dễ nhưng với người nông dân thì cực nhọc vô cùng”.
Tài khoản Diệu Nga bình luận: “Nét chữ này rất giống nét chữ của mẹ mình. Giờ thì mẹ hay nhắn cho mình bằng những tin nhắn dài và cảm giác mình cũng giống như nhận được bức thư thân thương vậy”. Cô gái tên Thanh Lam chia sẻ: “Mẹ tôi cũng hay viết những lời nhắn nhủ cho tôi mỗi khi gửi tiền ra Hà Nội. Mỗi khi tôi ốm, mẹ gửi từng viên thuốc, viết giấy dặn dò cách uống thuốc, chăm sóc bản thân”…
Nhiều người chia sẻ những câu chuyện xúc động của mình về lòng mẹ, tình mẹ. Bạn Lê Khả Hưng viết: “Năm 2007, mình đi nhập học, mang của mẹ 800 ngàn và một hộp muối lạc. Ngày đó ở kí túc xá, mình ăn uống dè xẻn, sau 1 tháng về quê, mình còn cầm về được hơn 400 ngàn. Từ đó, mẹ không rang muối lạc cho mang đi nữa vì sợ con trai gầy, không học được”.
Đồng cảm với bạn Lê Hưng, nhiều người cũng kể chuyện từng chứng kiến mẹ nhịn ăn, nhịn mặc nhưng không bao giờ để cho con mình ăn ít đi. Bạn Trần Duy Đức lại ngậm ngùi: “Bạn nào còn mẹ là còn may mắn hơn tôi và rất nhiều người rồi”.
|
Một tài khoản khoe chuyện ông nội mỗi tháng đều viết thư cho cháu gái |
|
Tài khoản Quỳnh Giao khoe lá thư đáng yêu của em nhỏ học lớp 1 |
Chia sẻ nhiều hơn, anh Trần Hoàng Hiệp cho biết, 18 năm trước anh khăn gói từ Thanh Hóa vào TPHCM học trường Đại học Bách Khoa. Trước đó, anh trai của anh từng thi trượt đại học 3 năm liên tiếp nên quyết định không thi đại học nữa. Anh trai gửi gắm ước mơ cho cậu em. Mỗi ngày, anh đi làm bốc vác từ sáng sớm đến tối mịt, có bao nhiêu tiền đưa hết cho mẹ để gom góp nuôi anh Hiệp ăn học.
“Một lần, anh viết đúng 1 câu “Cố gắng học nhé!” gửi kèm phong bì đựng tiền cho tôi. Dù tôi là sinh viên năm nhất hay bây giờ đã 40 tuổi, câu đó vẫn khiến tôi rơi nước mắt. Mừng là anh tôi sau này học tiếp cao đẳng, cũng trở thành một kỹ thuật viên yêu nghề”, anh Hiệp bộc bạch.
Những lá thư, những dòng chia sẻ không chỉ nhắc nhớ sự hi sinh của gia đình với đứa con xa mà còn thể hiện quyết tâm “sống sao cho xứng đáng” với sự hi sinh ấy. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng lá thư của mẹ được đăng dịp 20/10 rất thích hợp để những người con tri ân mẹ.
Theo phụ nữ TPHCM