Vợ chồng anh Tám bán cơm ven đường ở một miền quê tỉnh Bình Thuận. Lần đầu ghé quán, tôi ấn tượng vì sự mến khách khi anh cao hứng đãi tôi chén chè, lỏn lẻn khoe: “Bả nấu, cô ăn coi ngon hông?”.

Quá giờ trưa, chỉ còn mình tôi trong quán, anh Tám vẫn không chịu ăn cơm, cứ nhong nhóng nhìn ra đường, nhìn người quen đi ngang liền hỏi: “Thấy bả về chưa? Đi gì lâu lắc”. Rồi anh quay qua nói với tôi, như phân bua cho sự nhấp nhổm của mình: “Bả đi nấu cơm cho chùa. Người ta dzìa hết rồi, còn bả hổng thấy đâu”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa

Người đàn ông lam lũ, chai sạm như thể cảm xúc không cách nào len lỏi được ra ngoài, một tay chống nạnh, tay kia vò đầu gãi tai, bước ra bước vào, trông vợ như đứa trẻ trông mẹ đi chợ về. Tôi phì cười vì sự so sánh này. Thì người ta thường nói, đàn ông, về mặt nào đó là đứa trẻ to xác mà.

Lát sau chị Tám về, cầm cho anh mấy món chay, miệng cười toe toét: “Tui ở lại phụ dọn dẹp, xin lộc của chùa cho ông”. Nụ cười trên gương mặt đen nhẻm mà sao rạng ngời tươi thắm. Anh Tám, lúc thấy bóng vợ từ xa, lộ vẻ vui mừng, kêu lên: “Dzìa rồi”. Vậy mà gặp mặt vợ lại nhăn nhó: “Đi gì lâu dữ, chờ dzìa đói bụng thấy bà cố”.

Chị Tám cả ngày bận rộn, còn nhớ mang phần về cho chồng, lại bị cằn nhằn, trợn mắt: “Cơm đó sao không ăn, ai biểu chờ chi”. 2 người, mặt sưng mày sỉa, tình thương bị những lời lẽ cộc cằn làm cho trôi tuột kiểu vậy…

Lần thứ hai tôi ghé, cũng quá trưa. Quán vắng khách, chị Tám rảnh ngồi kể bâng quơ. Chuyện đồng áng, có mấy sào ruộng được giá mất mùa, được mùa mất giá, tới hồi chuyển qua làm thanh long thì bọt bèo, lấy công nhà cho đỡ tiền chăm bón. Chuyện con cái học hành, nói đến đây, mắt chị ánh lên niềm tự hào. 2 đứa lớn học đại học ở Sài Gòn, 2 đứa nhỏ học cấp III, đứa nào học cũng giỏi. “Cực mấy cũng ráng cho tụi nó đổi đời, không khổ như mình”. Rồi chị tỉ tê chuyện nhà cửa: “Tội, ổng làm không ngơi tay. Mần miết mà chưa cất nổi cái nhà cao ráo cho đỡ nóng. Ráng chịu cực để tiền cho tụi nhỏ ăn học, vài năm nữa hẳn hay”.

Chị vừa kể chuyện vừa dọn cơm: “Đợi ổng dzìa ăn, đi sáng giờ chắc đói lắm. Ổng đi ruộng từ sớm, rồi ghé qua chỗ bà Ba, coi cái đầu hụi ra sao. Chắt mót mấy đầu hụi để dành, chứ để là xài hết. Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống mà”.

Tôi ăn gần xong bữa cơm thì anh Tám đạp xe về, chưa kịp vô nhà đã khoe: “Tui hốt hụi rồi, được 8 triệu đồng”. Gương mặt anh hớn hở, chờ chị khen. Ngờ đâu chị nổi giận: “Ai kêu ông hốt? Tui để dành tới giữa năm, hốt luôn đầu hụi kia, đặng mua cho con Hai chiếc xe máy, nó nói đi thực tập. Tài lanh không hà!”. Chị tuôn một tràng làm anh chưng hửng, đứng xớ rớ vò đầu bứt tóc, rồi ra góc nhà ngồi chồm hổm, trông thật tội.

Anh buồn, nỗi buồn hằn trên gương mặt khắc khổ, nhìn càng rầu. Tôi đoán anh tiếc nuối vì làm lỡ bài toán của vợ, lo lắng chuyện mua xe cho con Hai không thành, trách mình sao tài lanh tài lẹt… Chị Tám cũng không màng cơm nước, giở sổ hí hoáy tính tới tính lui, vừa ngó sổ vừa cằn nhằn, nhưng lời nói đã không còn dấm dẳng. Nhìn qua anh thu lu trong góc, chị bưng mâm cơm tới: “Ăn cơm chứ bỏ sao? Cơm gì cơm bỏ”. 

Tôi nghĩ chắc chị đã nguôi giận, thương anh đói bụng mà không tiện nói ra. Ờ thì, vợ chồng mà, giận đó rồi thương đó. Thương để dành trong bụng, ra tới miệng thì bay đâu mất, thành ra câu chữ cứ cụt la cụt lủn vậy. Nhìn chị rồi nhìn anh, tôi thấy họ đúng là một đôi trời phú, bởi sự hao hao trên gương mặt xương xẩu, hằn bao nỗi lo; hao hao trong cách nói chuyện cụt ngủn không diễn đạt hết niềm thương trong lòng.

Tôi đâm ngưỡng mộ khi chiêm ngưỡng tình cảm dung dị, chân chất của họ. Nắng gió chỉ khiến họ sần sùi dáng vẻ bên ngoài, chứ tình cảm đâu bị khô cằn vì những nhọc nhằn mưu sinh. Cuộc sống cơ cực mà tình thương, sự quan tâm dành cho nhau vẫn dạt dào, dù cách biểu hiện không như người khác. 

Theo phụ nữ TPHCM