Mỗi khi thấy vợ chồng đi cạnh nhau, anh Hoàng Ngân (nhân viên một công ty bất động sản, ở quận 8, TPHCM) thường chọc: “Ủa, sao tui nhớ hôm trước anh dắt cô khác?”. Vậy mà câu đùa với nội dung “thay bạn đời như thay áo” kia lại là chuyện có thật ở không ít người quen, khách hàng của anh.

Có dịp đến nhà bác Tam - một ông khách quen - để tư vấn thủ tục nhà đất, anh Hoàng Ngân tá hỏa khi thấy bác cứ có “vợ” khác. Quen biết bác Tam mới 7 năm, anh hân hạnh diện kiến 4 bà đều được bác giới thiệu là vợ. Mà vợ mới ngày thêm trẻ đẹp, mô-đen khiến anh gọi “bác gái” mà lưỡi cứ xoắn tít.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

 

Chẳng biết ngẫu nhiên hay là hệ lụy của “bộ sưu tập bác gái” đa dạng, phong phú này mà hồi trước bác Tam toàn mua thêm nhà đất, cho thuê nhà, mở sổ tiết kiệm còn vài năm gần đây, bác toàn lo chuyện bán bớt nhà, thế chấp nhà đất vay ngân hàng… 

Anh Hoàng Ngân ấn tượng nhất với bác gái đầu tiên tên Hương vì bác xởi lởi, hiếu khách, nấu ăn rất ngon và thường mời anh dùng bữa. Bác Hương không phải là vợ chính thức của bác Tam nhưng có con chung. Bác Tam đã ly hôn, vợ cũ của bác bệnh nặng đã qua đời, nên bác Hương về chung sống không đăng ký kết hôn cũng không có gì trái luật, trái đạo. Đó cũng thuận theo sự sắp đặt của vợ cũ và các con bác Tam. 

Một ngày, anh Ngân đến y hẹn, bác Tam nói qua loa vài câu rồi xin khất lại, vội vã phóng lên lầu. Bác Hương mời anh ngồi lại tâm sự và ăn với bác “bữa cơm cuối”. Cơm vừa bới ra chén, nước mắt bác Hương đã ràn rụa. Chỉ về hướng bác Tam đi, bác Hương nghèn nghẹn nói: “Giờ ổng lên lầu nhắn tin, gọi điện cho cô kia để hẹn hò đó cháu.

Ổng mới đuổi tôi ra khỏi nhà để rước cô ta về trong tháng này. Cô đó ở dưới quê, 39 tuổi, đã thôi chồng, có 1 đứa con. Để coi ở với ổng được bao lâu, có hầu hạ ổng nổi như tôi không hay nhào vô hốt của rồi dông như mấy cô hồi trước”.

Anh Ngân ghé lại lần sau, bác Hương nhu mì, đảm đang đâu mất; đổi lại là cô gái mặc áo thun bó, đang karaoke nhảy nhót, hú hét inh ỏi khiến 2 bác cháu phải lên lầu đóng cửa để bàn công việc cho yên tĩnh. Giả vờ vô tư, anh Ngân hỏi bác Tam: “Bác Hương về Bắc hay đi đâu vắng hả bác?”. 

Bác Tam thú thật: “Tôi mới cưới vợ khác là cô đang karaoke đó. Cháu nghĩ mà xem. Vợ chồng già đều trên 70 tuổi thì sau này bệnh tật chăm nhau thế nào được? Khi tôi rước vợ trẻ về, bà Hương hụt hẫng lắm, cũng tội, nhưng lỡ bà ấy chết trước tôi thì ai sẽ chăm sóc tôi? Con cháu đông thế nhưng tụi nó đâu thèm đoái hoài tới. Tôi thử đòi dọn qua nhà chúng ở, chúng liền từ chối: “Con với bố không hạp tuổi, ở chung thì con sẽ làm ăn sa sút”. Ông bà xưa nói “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Mà “bà” phải trẻ mới có sức để chăm.

Người đàn ông khôn ngoan phải biết “tích cốc phòng cơ, cưới vợ trẻ để dưỡng già”. Vợ hiện tại của tôi có gặp khó khăn kinh tế thì mới chấp nhận cho cưới chứ ai đang còn trẻ, qua mai mối mà yêu được một ông già như mình. Thì mình phải bù đắp một chút. Tôi đắn đo mãi nhưng cuối cùng cũng phải quyết cháu à”. 

Lần ghé sau là vào đợt dịch COVID-19, anh Ngân bất ngờ gặp lại bác Hương. Thì ra bác gái chưa kịp biết tên, 39 tuổi karaoke ì đùng mấy tháng trước đã biến mất. Bác Tam năn nỉ bác Hương “nối lại tình xưa”. “Một ngày cũng nghĩa, huống chi mình có với nhau 2 mặt con… Giờ anh đã ngộ ra chỉ có em là chân tình với anh thôi” - bác Tam dỗ ngọt khiến bác Hương mềm lòng. 

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

 

Trước dự tính bán miếng đất, bác Tam cho biết nguyên nhân là chi tiêu quá nhiều và thu nhập sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh, người thuê nhà đồng loạt trả nhà. Tuy nhiên, bác Hương kề tai anh Ngân bỏ nhỏ: “Bị con nhỏ đó lừa tình lừa tiền, ẵm đi 300 triệu đồng với 2 cây vàng. Lớp nào tiền nợ tổ chức cưới nữa. Toàn là thuê người đóng vai họ hàng để rước dâu chứ họ hàng ruột chẳng ai đi. Các con xấu hổ với bên vợ bên chồng nên lặn hết. Rồi ổng còn rước con nhỏ 35 tuổi, chưa một lần đò nữa. Rước về ở được 1 tuần… Tôi chấp nhận trở về đây chẳng qua vì không nỡ bỏ rơi một người già như mình chứ tình nghĩa vợ chồng đã sứt mẻ lắm rồi”.

Tuy vậy, sau nhiều phen “tích cốc phòng cơ, “tậu” gái trẻ dưỡng già”, bác Tam đã ngấm đòn và đã coi trọng hơn 2 chữ tào khang với bác Hương. Phận lão 12 bến nước, bác Tam dần chấp nhận bến trong là đây chứ không mong cầu duyên thắm với các cô-trẻ-phiên-bản-vợ và ngược lại.

Mỗi bình minh, 2 bác rủ nhau dậy, tíu tít nói cười trên đường ra công viên tập thể dục dưỡng sinh rồi bận về ghé siêu thị mua thực phẩm cùng nấu đồ ăn sáng… 

Theo phụ nữ TPHCM