Theo ước tính của Liên hiệp quốc, Ấn Độ có số cô dâu trẻ em lớn nhất thế giới, khoảng 223 triệu người. Trong báo cáo năm 2020, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho biết, mỗi năm ở Ấn Độ có gần 1,5 triệu bé gái vị thành niên kết hôn. Kết quả khảo sát toàn quốc giai đoạn 2019-2021 cho thấy có 6,8% trẻ em gái từ 15-19 tuổi đang mang thai.

Ấn Độ là nước có số cô dâu trẻ em lớn nhất thế giới - khoảng 223 triệu người - ẢNH: REUTERS
Ấn Độ là nước có số cô dâu trẻ em lớn nhất thế giới - khoảng 223 triệu người - ẢNH: REUTERS

 

Nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn, gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện chiến dịch truy quét các cuộc tảo hôn và bắt giữ hơn 4.000 nam giới vì kết hôn với trẻ em gái dưới 18 tuổi. Thế nhưng, động thái này cũng gây ra những hệ lụy lớn, khiến hàng ngàn gia đình rơi vào cảnh ly tán, gánh nặng cuộc sống càng đè nặng lên đôi vai của những phụ nữ trẻ sau khi chồng họ bị bắt giữ.

Thủ hiến bang Assam - ông Himanta Biswa Sarma - cho biết, từ khi cảnh sát bắt những người đàn ông kết hôn với phụ nữ chưa đủ tuổi, không có trường hợp tảo hôn mới nào được báo cáo. "Tảo hôn là nguyên nhân chính của việc mang thai ở trẻ em, từ đó gây ra tỉ lệ tử vong cao ở người mẹ và trẻ sơ sinh" - ông Sarma nói.

Đứng thẫn thờ bên ngoài đồn cảnh sát địa phương tại một ngôi làng ở bang Assam, Nureja Khatun (19 tuổi) bế đứa con 6 tháng tuổi trong tay, chờ được gặp chồng khi anh này bị đưa tới tòa án. Chồng cô bị bắt trong chiến dịch truy quét nạn tảo hôn hồi tháng Hai. Họ kết hôn khi Nureja Khatun mới 17 tuổi. Với thu nhập khoảng 5 USD/ngày, chồng cô là lao động chính trong nhà. Giờ đây, Nureja Khatun không biết tương lai gia đình rồi sẽ ra sao. “Tôi có một đứa con gái, trong nhà còn có mẹ già. Giờ thì chúng tôi lấy đâu ra tiền? Chúng tôi không còn cái ăn. Không biết liệu có thể sống sót hay không"  - Khatun nói.

Pinku Das Sarkar năm nay 15 tuổi và đã có thai sau khi kết hôn vào năm ngoái. Chồng cô bị bắt vào ngày 2/2.  “Tôi thực sự không biết phải làm gì khi bụng lớn và nhà không có một xu” - cô gái trẻ sống dựa vào khoản thu nhập ít ỏi mà người chồng 26 tuổi kiếm được từ việc bán nước mía bằng xe đẩy cho biết.

Cách nhà Sarkar vài cây số, Gulsona Begum kể chồng cô đã bị bắt giam chỉ 2 tuần sau khi họ kết hôn. Việc anh bị bắt đã khiến gia đình không còn một xu dính túi và đối mặt với một tương lai bấp bênh. “Cha chồng tôi tàn tật và chúng tôi không có nguồn thu nhập nào khi chồng tôi đang ở trong tù” - Begum thẫn thờ nói.

Tại Ấn Độ, sự nghèo đói, trình độ dân trí chưa cao và tập quán xã hội, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, được coi là những nguyên nhân dẫn đến tảo hôn. Trong khi cảnh sát Assam cho rằng những vụ bắt giữ là cần thiết thì các chuyên gia pháp lý lẫn các nhà hoạt động vì phụ nữ và chống đói nghèo cho rằng điều đó đang gây hại nhiều hơn lợi.

Lý do là phần lớn người vợ bị ảnh hưởng đều ít học, thất nghiệp và xuất thân từ những gia đình nghèo khó. “Hình sự hóa những người vốn đã nghèo không phải là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề xã hội. Những cô gái trẻ đang mang thai hay nuôi con này không có bất kỳ sự giúp đỡ nào, với sự hỗ trợ chính của họ đã biến mất" -  Enakshi Ganguly, đồng sáng lập HAQ - một tổ chức phi lợi nhuận ở Ấn Độ - cho biết.

Tiến sĩ Abdul Azad tại Đại học Vrije (Amsterdam, Hà Lan) cho biết: "Tảo hôn là một vấn đề xã hội, bắt nguồn từ nghèo đói và chế độ gia trưởng. Chỉ thông qua nâng cao kinh tế và xã hội bằng cách cải thiện tiếp cận giáo dục và thông tin về sức khỏe sinh sản, tình dục của trẻ em gái nhằm giúp ngăn chặn nạn tảo hôn thì mới mong hủ tục này có thể bị xóa bỏ". 

Theo phụ nữ TPHCM