“Tôi nghĩ hiếu thảo đơn giản là làm tất cả để đến khi cha mẹ không còn, ta sẽ chỉ nhớ thương chứ không phải tiếc nuối: “Giá như…” - những lời chân thành và đơn giản của vợ chồng vị bác sĩ hiếu kính với cha mẹ có thể khiến nhiều người giật mình mà nhìn lại.

Bác sĩ Trần Thiện Trung là cái tên quen thuộc với nhiều bệnh nhân, đồng nghiệp bộ môn ngoại, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM cùng nhiều đồng nghiệp ở TPHCM và các tỉnh thành khác. Khi được hỏi về việc tự tay chăm sóc chu đáo người cha bị tai biến suốt 28 năm, ông nói ngay cần viết về kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc người bệnh hay điều gì.

leftcenterrightdel
 Gia đình bác sĩ Trần Thiện Trung sum vầy tết 2024 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nếu chỉ là kinh nghiệm chăm sóc, ông sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn, còn nếu viết về “tấm gương hay này kia thì thôi, chuyện chăm sóc cha mẹ là bình thường, nhiều người làm được mà ta chưa biết”. Tôi thuyết phục bác sĩ Trung rằng dù ai cũng yêu thương cha mẹ nhưng để làm được như vợ chồng ông là rất hiếm.

Nếu vị bác sĩ trông nghiêm nghị nhưng giàu tình cảm nhắc về những thiếu thốn mọi bề, từ các phương tiện chẩn đoán, điều trị… của những năm 1980-1990 thì vợ ông, đúng nghĩa là một hậu phương vững chắc cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Bà kể: “Tôi về làm dâu từ khi 23 tuổi. Sinh con, ba chồng bệnh, chồng vừa đi làm vừa tiếp tục học, tôi chỉ biết thương chồng bằng cách tập trung làm tốt nhất những gì có thể để anh ấy yên tâm công tác. Bác sĩ khám, điều trị bệnh, đi học cao lên, đi dạy… nhưng việc chính vẫn là khám, chữa bệnh cho mọi người. Ở bệnh viện hay trong gia đình, anh ấy cũng sẽ đảm trách việc đó. Có phải mình ông bà, vợ con cần được chăm sóc đâu! Còn họ hàng, bạn bè, người thân khác tuy không bệnh như ông nhưng cũng cần được tư vấn, thăm khám. Chồng tôi lo tất cả những việc đó. Sáng nào anh ấy cũng dậy sớm, trước khi đi làm thì lau mình nước ấm, làm vệ sinh cho ông. Chiều về, anh lại đo khám, kiểm tra… Chừng đó việc đặt lên vai anh ấy, tôi cũng chỉ biết thương mà lo những việc còn lại của gia đình”.

Những việc còn lại của gia đình?

Chỉ gói gọn trong chưa đến 10 từ nhưng những ai đã làm vợ, làm mẹ, làm dâu đều sẽ thấu hiểu. Những phụ nữ 9X, sau này là thế hệ Z, chỉ có thể hình dung “những việc còn lại” nhiều và vất vả ra sao qua lời kể của mẹ, của bà.

Những năm tháng ấy, tã không có, phải mua vải, cắt nhỏ cho vừa với tấm đệm bằng cao su tự chế, giặt đi giặt lại cả miếng túi ni lông. Cháo, thịt cá, rau củ cần nấu, xay, bột Bích Chi trộn thêm đổi bữa phải tính sao cho hợp lý, khoa học.

Việc chăm sóc cho một người già bị bệnh là cả một vấn đề vì tuy không đi lại vận động nhưng bệnh nhân vẫn cần nhận dinh dưỡng, cần tiêu hóa một cách thụ động, vẫn sốt, tiêu chảy, răng miệng vẫn cần được chăm sóc, vệ sinh. Giờ đây, khi hàng hóa thị trường phong phú, chỉ cần có tiền là có hết, công việc ấy vẫn được coi là một việc nặng trong nhóm việc lương cao mà khó kiếm người nhất.

28 năm, thời gian đủ để trẻ sơ sinh thành người lớn với biết bao biến cố trong đời. Dẫu người cha không thể tham gia, trực tiếp chứng kiến “nhưng chúng tôi vẫn thấy ấm áp khi ông nằm đó, vẫn hiện diện trong cuộc sống, con cháu vẫn biết mình còn có ông, ông ra đi vẫn là mất mát” - bác sĩ Trung rưng rưng khi nhắc đến cha.

Vợ ông cũng bùi ngùi: “Có ngày bận quá, các em đút cháo cho ông, ông không ăn; tôi bưng tô cháo lên rồi thủ thỉ, ba thương con, thương anh Trung thì ăn thêm, con hâm nóng lại rồi, ba ăn được mới cùng tụi con chứng kiến ngày cháu đích tôn của ba trưởng thành.

Cứ rỉ rả vậy mà ông ăn hết tô cháo, nên tôi tin rằng dù không trò chuyện được nhưng ông vẫn cảm nhận, vẫn hiểu con cháu thật tâm mong ông bà ở bên để được chăm sóc chứ không coi việc chăm ông bà là gánh nặng”.

Không coi là gánh nặng

Lại một cách nói nhẹ tênh! Ông ra đi đã 9 năm nhưng hiện tại vợ chồng bác sĩ vẫn chăm sóc 2 người mẹ. Mỗi đêm, người con dâu hiếu thảo vẫn thức dậy 2 lần để xoay người cho mẹ chồng đã 94 tuổi, sang kiểm tra giấc ngủ của mẹ đẻ 85 tuổi. Bà vẫn ghi nhật ký trong ngày, lên thực đơn, kiểm tra chế độ dinh dưỡng và trực tiếp cân, đo 3 lần lượng nước, các chỉ số… cho 2 cụ.

Lo lắng quán xuyến chu toàn tất cả nhưng bà Xanh, giờ cũng đã là bà nội, vẫn nhanh nhẹn, xinh đẹp dù đã ngoài 60. Hỏi làm sao để khỏe mạnh, tươi tắn, không cảm thấy áp lực từ những công việc không thể xem là nhẹ, bà chia sẻ: “Tôi phải giữ sức khỏe để 2 bà đều không nghĩ mình đang là gánh nặng cho con cháu. Có những cụ già không muốn ăn uống, điều trị khi có bệnh, nằm xuống là muốn đi cho con cái khỏi phải chăm. Ông bà không chịu ăn thì con cái muốn chăm cũng không níu được nên có mệt, có bực, có lo lắng gì cũng chỉ mình tôi biết. Phải để 2 bà ở 2 phòng, mình chăm 1 bà thì bà kia không chạnh lòng bởi ai chẳng là mẹ, ai chẳng cần được vỗ về an ủi, dỗ dành, y như trẻ con!”.

Khi được hỏi có ý giáo dục, làm gương cho con khi chăm sóc cha mẹ không, bà Xanh bất ngờ cho biết: “Con trai tôi từng nói với ba, sau này chúng con sẽ chăm ba như ba chăm ông nội. Chúng tôi biết con cái nhìn cách cha mẹ đối xử với ông bà rồi sau này sẽ thực hiện y vậy là một bài học giáo dục nhiều người vẫn tâm niệm. Nhưng thực ra trong thâm tâm, tôi và anh Trung chỉ nghĩ, con chăm cha mẹ là đương nhiên. Cứ nhớ rằng hồi xưa, cha mẹ cũng thay tã, giặt tã cho mình, cũng lo khi mình nóng sốt, khóc quấy. Vợ chồng tôi chẳng biết còn được chăm mẹ mấy ngày nữa… Chúng tôi cũng chỉ mong mình khỏe mạnh, chứ không mong con cái nhìn gương mà đền đáp. Rất hiếm hoi vợ chồng tôi mới được đi cùng nhau vì anh Trung đi thì tôi phải ở nhà và ngược lại…”.

Và thương quý...

“Chúng tôi và gia đình, các anh chị em đồng lòng chăm sóc cha mẹ nên được các con, gia đình, họ mạc, đồng nghiệp thương quý. “Thầy để chúng em qua chăm ông” là đề nghị của rất nhiều điều dưỡng nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng mình còn chưa chăm sóc được cha mình thì làm sao đi dạy, đi khám cho người bệnh. Thế nên trừ phi đi công tác thì nhờ anh em đồng nghiệp sang đo khám nếu ông bà có gì bất thường, chúng tôi cứ tự chăm sóc ông bà” - bác sĩ Trung kể.

Ông cho biết thêm: “Hồi xưa thiếu thiết bị, đời sống khó khăn thì mới vậy, chứ hiện giờ, những bệnh như bố mẹ chúng tôi đã có những phương pháp điều trị chăm sóc kịp thời hơn. Một bác sĩ biết chuyên môn có thể thao tác chăm sóc bố mẹ khéo léo hơn người khác nhưng để chăm sóc người già, cần được cả gia đình đồng lòng, được mọi người cùng chia sẻ. Chúng tôi nghĩ đơn giản, cha mẹ đã hy sinh và tận tâm với mình, giờ mình được đền đáp là may mắn. Ông bà ở được lâu, sống cùng con cháu ngày nào để mình chăm sóc ngày ấy là niềm hạnh phúc; khi nào ông bà đi thì mình cũng không phải nói “Giá như…”. 28 năm trôi qua, tôi rút ra một điều: việc chăm sóc cha mẹ nếu xem là điều bình thường thì ai cũng sẽ làm được”.

Ai cũng có định nghĩa của riêng mình về sự hiếu thảo nhưng thực hiện đúng khái niệm ấy chưa bao giờ là việc dễ dàng.

Theo phụ nữ TPHCM