Dì Tư tôi độc thân, sống một mình ở quê. Vào độ tuổi xưa nay hiếm, trong khi nhiều ông bà lão đã mắt yếu, chân run thì dì vẫn còn rất năng động, dù bị ung thư cổ tử cung, đã tái phát 3 lần và hóa, xạ trị mấy chục lần.

Sống một mình nên dì rất ham giao tiếp với người xung quanh. Hằng ngày, đều đặn mỗi sáng và tối, đám em, cháu ở khắp nơi sẽ nhận được thiệp chúc mừng ngày mới, thiệp chúc ngủ ngon từ dì qua ứng dụng Messenger hay Zalo.

Trong rất nhiều tin nhắn gửi tới điện thoại của tôi: các nhóm công việc, bạn bè, đồng nghiệp, sếp trực tiếp, sếp gián tiếp, khách hàng, đối tác… tin nhắn của dì lọt thỏm và hầu như rất ít khi được chúng tôi hồi âm.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ban đầu, tôi còn nhắn lại hỏi dì dăm ba câu, rồi dần dần, những câu thăm hỏi rút gọn thành cái “like” hay động tác thả tim xác nhận đã xem tin. Rồi sau đó, ngay cả đến khâu bấm like, thả tim chúng tôi cũng lười. Có khi tin dì gửi vài ngày, tôi mới trả lời ngắn gọn lấy lệ. Cũng có những tin nhắn từ dì không bao giờ có hồi âm.

Không phải tôi ít thương dì hơn, mà đơn giản chỉ vì dẫu có không trả lời tin của dì, cũng chẳng có hậu quả gì xảy ra: không bị phê bình, kiểm điểm (như với sếp), không bị phàn nàn (như với khách hàng), không bị hờn giận (như với bạn bè, đồng nghiệp). Lúc nào, trong danh sách ưu tiên giải quyết của tôi, dì cũng luôn bị đẩy xuống vị trí sau cùng. Tôi nhủ thầm “hôm nay không nhắn thì mai nhắn, mốt nhắn, dì vẫn ở đó chứ đi đâu, mà cũng có gì gấp gáp đâu”.

Bẵng đi ít lâu, không thấy tin nhắn của dì Tư nữa. Phải đến khoảng 2 tuần, tôi mới nhận ra. Đó là vào một ngày tôi giận chồng, cãi nhau với khách hàng, bị sếp quở trách, còn hội bạn thân thì bỗng dưng chẳng còn ai rảnh rỗi để nghe tôi trút nỗi lòng.

Buổi sáng của tôi trôi qua trong lặng lẽ. Tôi thức dậy, vệ sinh cá nhân, tự nấu cho mình tô mì gói và lòng thì trống rỗng. Chợt thèm một chút ấm áp, một lời hỏi thăm thật lòng. Và tôi nhớ tới dì. Lục tìm tin nhắn trong Facebook, Zalo, tôi thấy tấm thiệp điện tử có hình đóa hoa hồng và lời chúc ngủ ngon gần nhất mà dì gửi cho tôi đã là cách đó 14 ngày, còn sau đó là những khoảng trắng im lặng.

Tôi gõ mấy dòng vào cửa sổ chat. Tin nhắn hiện trạng thái đã gửi, nhưng chờ mãi không thấy báo “đã xem” - chuyện rất ít khi xảy ra với dì vì hầu như bao giờ dì cũng hồi âm chúng tôi rất nhanh, như sợ chúng tôi rời đi và quên mất dì như rất nhiều lần khác.

Tôi bấm máy gọi, cũng không nghe dì trả lời. Một linh cảm chẳng lành, tôi liền gọi về cho mẹ. Mẹ nói dì lại tái phát chỗ vết mổ, đang nhập viện vô hóa chất, nhưng lần này tuổi cao, sức yếu, bị hành dữ hơn, ăn uống không được, dì yếu hẳn nên mẹ không cho xài điện thoại nữa.

Tôi lặng người. Không kịp nghĩ nhiều, tôi nhắn tin xin nghỉ phép, rồi vội bắt chuyến xe đò về quê, vào thẳng viện thăm dì. Nhìn dì thiêm thiếp trên giường, lòng tôi trào dâng sự hối hận. Nghe tiếng tôi gọi, dì mở mắt, ánh lên tia nhìn ngạc nhiên lẫn mừng rỡ. Hôm đó, dì ráng ăn được nhiều hơn, kêu tôi cứ về Sài Gòn đi làm, vài bữa dì khỏe rồi dì nhắn.

Ơn trời, dì tôi đã khỏe lại. Những cánh thiệp điện tử lại hiện trong hộp thư của tôi mỗi sáng và mỗi tối. Mỗi tin nhắn, dù sớm hay muộn, tôi đều hồi âm cẩn trọng và nâng niu.

Tất cả sự dịu dàng trong đời, hãy luôn dành một phần đáng kể cho những người thân yêu của bạn. Chân lý đó thật giản dị mà sao bây giờ tôi mới thấm. Hơn nửa cuộc đời đã trôi qua, giờ đây, ở nửa phần đời còn lại, tôi sẽ biết quý trọng từng phút giây kết nối với ba, mẹ và người thân.

Theo phụ nữ TPHCM