leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chồng tôi kiên nhẫn ngồi nghe cô con gái mới học lớp Hai làu bàu về bà ngoại: “Bà ngoại chỉ bệnh có tí xíu thôi ba, vậy mà cứ phải gọi mẹ về để đưa đi bệnh viện”.

Khi nghe ba hỏi tại sao biết bà ngoại chỉ bệnh có tí xíu, con thản nhiên đáp: “Vì bà có mệt đâu, cứ làu bàu suốt chuyện ông ngoại không quan tâm bà”.

Ngày mới cưới nhau, chồng thường cùng tôi về để giảng hòa những tranh cãi rất vô chừng của ba mẹ. Anh vẫn hay thắc mắc tại sao tôi lúc nào cũng đứng về phía mẹ. Đôi lúc mẹ rất ngang ngược và khó chiều mà tôi vẫn cứ theo bên cạnh để dỗ dành. Anh trai, chị gái chẳng ai chiều ý mẹ như tôi cả, lại còn hay trêu, có khi nào về già tôi cũng sẽ giống mẹ nên đồng cảm hay không. Tôi lại bắt đầu kể những câu chuyện đã rất lâu, về việc ba tôi rất gia trưởng, khó tính và mẹ luôn chịu thiệt thòi; về sự nghiêm khắc của ba không chỉ đối với đám anh chị em tôi mà còn với cả mẹ.

Những câu chuyện ấy, chồng tôi đã nghe tôi kể nhiều lần lắm. Nhưng đối với tôi, có là lần thứ bao nhiêu thì tôi vẫn muốn anh hiểu được lý do tôi luôn sẵn lòng chiều theo những vô lý của mẹ.

Anh chị em tôi đều là những đứa trẻ nghịch ngợm nên ngoài những cáu kỉnh, khó tính ba tôi dành cho mẹ, mẹ còn phải gồng gánh thay cả những nghiêm khắc và giận dữ ba dành cho chúng tôi. Mẹ nơm nớp lo sợ khi chúng tôi phạm lỗi. Nếu không thể xí xóa được việc chịu phạt, mẹ có thể sẽ khóc vì có đứa chịu đòn hoặc cãi nhau với ba tới lở đất long trời. Mẹ có thể mặc kệ chính mình, hoặc đúng hơn là vì gia đình mà nhẫn nhịn, nhưng lại không thể mặc kệ chúng tôi. Ba là nỗi lo sợ của cả nhà chỉ bằng một ánh mắt không vui. Mẹ lại là lá chắn che chở chúng tôi qua cơn giận dữ của ba một cách nhẹ nhàng nhất.

Dần khôn lớn, các anh chị tôi lần lượt đến những chân trời mới, không còn sự quản thúc nghiêm ngặt của ba. Mẹ ở lại với nỗi nhớ và lo lắng cho mấy đứa con vắng nhà. Tôi ở lại nép nhìn bóng dáng ba mẹ trong căn nhà nhỏ. Ba vẫn cứ gia trưởng, khó chiều. Mẹ vẫn cứ âm thầm nhẫn nhịn.

Tôi tưởng chừng mẹ sẽ nhẫn nhịn ba cho đến hết cuộc đời. Mãi cho đến khi anh chị và tôi đều đã có gia đình của riêng mình, ở tuổi xế chiều, mẹ lại gọi đám chúng tôi về để thông báo: ba mẹ sẽ ly hôn. Mẹ đã đến giới hạn và muốn được giải thoát.

Ba cho rằng mẹ thật nông cạn và ấu trĩ. Anh chị đều cảm thấy mẹ đang làm quá vấn đề. Chỉ có tôi biết, mẹ đã chịu đựng nhiều đến chừng nào. Tôi biết mẹ cam chịu những tủi thân và đau lòng ấy chỉ để chúng tôi được sống trong một mái nhà như bao người. Tôi cũng biết mẹ chờ đợi bao lâu để quyết định.

Tôi là đứa duy nhất đồng ý. Nhìn ánh mắt mẹ, tôi hiểu được phải có một ai đó cho mẹ thêm tự tin và can đảm. Mặc kệ gương mặt sa sầm của ba và anh chị, tôi đồng ý mọi lựa chọn của mẹ. Tôi chỉ cần năm tháng sau này mẹ không thấy hối hận, hãy cứ theo cách mà mẹ muốn. Mẹ hãy sống cho chính mình suốt năm tháng sau này, không cần vì đàn con mà e ngại sắc mặt của ba, không cần đè nén ấm ức tủi hờn.

Bao nhiêu năm qua, mẹ đã luôn là điểm tựa cho tôi, giờ hãy để tôi được làm chỗ dựa cho mẹ.

Theo phụ nữ TPHCM