Chiều nay, chúng tôi về nhà mẹ ăn cơm. Em gái tôi từ ngày chuyển ra ở riêng, cả tháng mới về thăm nhà 1 lần. Em đang bận ôn thi vào đại học y, cũng mới có người yêu nên hôm nay em dẫn người yêu về ra mắt.
|
|
Mẹ của tác giả rất yêu cái bếp - nơi bà nấu những món ngon dành cho các con |
Từ tối qua, mẹ tôi đã lo ngâm bột, chắt nước. Sáng sớm, mẹ rửa mộc nhĩ, nấm hương rồi ra chợ chọn miếng thịt tươi nhất về tỉ mẩn lọc, thái, băm. Tôi hay nói: “Nhà chẳng đứa nào cầu kỳ, mẹ mua thịt xay sẵn cho đỡ mệt”. Nhưng mẹ chê: “Thịt đấy chất lượng không cao. Hỏng cả mẻ bánh cuốn”.
Đối với chuyện ăn uống, mẹ tôi lúc nào cũng chú ý đến từng chi tiết như vậy. Mẹ tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc về hương vị truyền thống: chả mực phải có thì là, nhưng chỉ được phép thoang thoảng thôi, không được cho nhiều; canh khoai sọ phải có rau ngổ hoặc rau nhút, nhưng có lần tôi đã bị mắng nguyên buổi vì lỡ cho cả hai thứ ấy vào cùng nhau. Tuy vậy, mẹ cũng bất quy tắc theo cách riêng của mẹ: riêu cá không bao giờ xào cà chua, phải để miếng bổ cau cho tròn và đẹp, nước mới trong và thanh.
Mẹ có thể dành hàng giờ trong bếp hí hoáy nấu hết món mặn tới món ngọt. Khi thì mẹt bún đậu mắm tôm đầy đặn với điểm nhấn là những miếng đậu béo mềm, thơm phức do tự tay mẹ làm từ khâu ngâm đậu, xát vỏ tới nấu, lọc mà thành. Lúc là tô bún riêu cua thanh mát hay nồi phở đậm đà thơm nồng hương quế. Rồi xôi chè, tàu hũ đủ cả. Xa quê hương đất nước, nhưng ở bên mẹ, vị giác của chị em tôi không thiếu thốn thứ gì.
Người ta nói tình yêu có 5 ngôn ngữ: lời nói yêu thương, hành động chu đáo, thời gian chất lượng bên nhau, quà tặng và sự gần gũi cơ thể.
Cũng là yêu thương nhưng đôi khi những người yêu nhau không cảm nhận được tình cảm của đối phương và ngược lại - những điều mình gắng sức thể hiện, người kia lại chẳng hiểu cho. Điều này có lẽ đúng không chỉ trong tình yêu đôi lứa mà cả ở nhiều mối quan hệ khác.
Từ ngày hiểu được điều ấy, chúng tôi đã thôi thắc mắc: “Hình như mẹ yêu nấu ăn, yêu gói bánh chưng, làm giò chả hơn chị em mình”. Tuần trước, em gái tôi kể nó nhắn tin cho mẹ, hỏi cuối tuần mẹ có rảnh không để nó dẫn người yêu về ra mắt. Mẹ đọc tin mà không nói gì. Nếu là trước kia, em chắc đã dỗi vì mẹ hờ hững, không quan tâm. Nhưng giờ thì khác, nó bảo chắc mẹ bận nên quên trả lời. Chờ tới tối, em gọi điện cho mẹ rồi hí hửng khoe: “Mẹ vui, nhưng hình như mẹ xấu hổ”.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok |
Ừ tránh sao được khi mẹ “chưa bao giờ nói lời yêu ai cả”, khi mẹ “thích gì thì tự mua chứ hòng gì ai tặng”. Trong tình yêu, mẹ không dùng những thứ ngôn ngữ màu mè, ướt át ấy. Mẹ bối rối. Mẹ ngượng ngập. Mẹ không được là chính mình.
Cuối cùng, chúng tôi cũng bắt đầu hiểu được ngôn ngữ tình yêu của mẹ - thứ ngôn ngữ thơm lừng mùi hành, tỏi, chua ngọt nơi đầu lưỡi và căng đầy cái dạ dày. Không phải ngày một ngày hai, cũng chẳng phải hiểu rồi là thành thạo ngay. Nhưng chúng tôi chấp nhận nhau và từng bước học hỏi thêm mỗi ngày để hiểu và yêu gia đình của mình nhiều hơn.
Theo phụ nữ TPHCM