leftcenterrightdel
 Những năm cuối đời trí nhớ lẫn lộn, bất cứ cậu trai trẻ trẻ nào, dù là cháu trong nhà hay hàng xóm ghé thăm, ngoại đều hỏi: “Tư hả con?” (ảnh minh họa)

Sáng sớm, mẹ tôi gọi: “Hôm nay là Ngày Thương binh liệt sĩ, con!”. Giọng mẹ thật nhẹ. Không hỏi gì thêm, tôi vẫn tưởng tượng ra khuôn mặt rười rượi của mẹ suốt bao năm, bất cứ khi nào bà nhắc đến cậu Tư - một liệt sĩ đã ra đi không để lại gì, dẫu một tấm ảnh.

Trên bàn thờ nhà ngoại, hơn 50 năm nay, các cháu chỉ có thể biết đến cậu qua lời kể và tấm bằng lồng kính trang trọng nằm kề bên ông bà có mấy chữ màu đỏ: Tổ quốc ghi công.

Phía bên nội tôi, bác thứ ba - anh ruột của ba - cũng là liệt sĩ. Ngày bác ra trận rồi hy sinh, bác gái tôi đã kịp sinh anh Hai và chị Út. Mỗi lần giỗ bác hay nhắc về bác, tôi có cảm giác nhà nội hình như không giống nhà ngoại khi nhắc về cậu.

Bà nội luôn thấy bác qua hình ảnh của anh Hai tôi. Chúng tôi khi có dịp đứng trước phần mộ của bác vẫn hình dung người đã khuất qua tấm ảnh nho nhỏ ngày còn đi học được phóng to trên bàn thờ và qua lời ba: “Anh Hai y hệt bác vậy đó!”.

Còn cậu Tư tôi, 17 tuổi, xương thịt đã ở lại vùng chiến địa mênh mông nào đó, không tìm được. Không vợ không con, không hình ảnh, không xác thân. Ngôi mộ nơi nghĩa trang chỉ có dòng tên đơn côi cùng với năm hy sinh của cậu: một ngôi mộ gió!

Các dì, các cậu lớn, đặc biệt là bà ngoại tôi lúc sinh thời chưa bao giờ nhắc đến cậu Tư mà thôi nghẹn ngào quay mặt đi. Mẹ tôi cũng thường lén giấu dòng nước mắt. Thương nhất là ngoại tôi. Những năm cuối đời trí nhớ lẫn lộn, bất cứ cậu trai trẻ trẻ nào, dù là cháu trong nhà hay hàng xóm ghé thăm, bà đều nắm tay vuốt níu mãi không rời cùng câu hỏi: “Tư hả con?”.

leftcenterrightdel
 Thành cổ Quảng Trị 50 năm trước - Ảnh tư liệu: Đoàn Công Tính

Tôi vẫn còn nhớ như in hồi tôi học tiểu học, mỗi tháng 1 lần, ngoại thay đồ đẹp, lấy dầu dừa thoa lên tóc láng bóng, đội cái nón lá hớn hở đi ra xã từ tờ mờ sáng chưa tỏ mặt người, ngoại nhận tiền liệt sĩ. Số tiền ấy ngoại cầm về săm soi ngắm vuốt, mua cho đứa này cái bánh, cho đứa kia đồng tiền mới mua sách đọc, còn bao nhiêu gói vào 2-3 lần giấy báo, cất cẩn thận trong tủ gần như không xài cho mình cái gì. Ngoại nói: “Tiền của cậu!”.

Bà ngoại tôi có 11 người con. Sau cậu Tư còn đến 5 cậu nhỏ, có cậu chỉ lớn hơn tôi 2 - 3 tuổi. Thương ngoại có lẽ các cậu đều thương, nhưng không phải cậu nào cũng có điều kiện để chăm ngoại, nhất là khi ngoại tôi gần như mất trí nhớ.

Mới đây, trong đám giỗ ngoại, cậu Út tôi cất giọng khàn khàn trong cơn say: “Cậu sống mà không lo đầy đủ cho ngoại đâu tụi con. Cậu Tư mất rồi lại là người lo ngoại nhiều nhất!”.

Chị em tôi không ai biết mặt cậu Tư. Không ai được được cậu dẫn ra vườn hái mít, hái ổi, hái xoài, cho xuống xuồng đi bắt rạm vào mùa mưa, hay cùng nhau tắm đục ngầu khúc sông nhà ngoại. Không được chơi với cậu Tư như chơi với cậu Út. Chúng tôi không có kỷ niệm với người đã khuất, nhưng chưa bao giờ, trong lòng chúng tôi thiếu vắng hình ảnh cậu.

Đã có nhiều lần, vào dịp giỗ tết, đứng thắp nhang lên bàn thờ ông bà ngoại rồi cậu Tư, hay đi đâu đó, nhìn thấy một nghĩa trang, một sắc áo xanh, một lá cờ đỏ, một tấm bằng Tổ quốc ghi công, một khúc quân hành, không hiểu sao tôi lại cảm thấy cậu tôi ở đó. Cậu tôi thanh xuân mãi mãi!

Theo phụ nữ TPHCM