Một cô bạn của Hạnh Dung từng nói muốn bỏ đi đến một nơi thật xa, dứt hết tất cả mọi kết nối, để suy nghĩ, để một mình gặm nhấm nỗi đau. Nhưng giờ bạn sợ, vì đã biết sự đơn độc có thể khủng khiếp đến thế nào. Bạn bảo biết đâu mình có thể đã như cô gái ấy - không ai biết bạn ở đâu, trong khi bạn nằm chết trong cô độc và lạnh lẽo.

Chúng ta mong manh hơn ta tưởng hay chúng ta đang ảo tưởng về chính mình? Nhiều người trẻ ngày nay muốn dứt khỏi gia đình, sống một mình. Cách chúng ta kết nối với bạn bè cũng đã thay đổi.

Quá nhiều kết nối dễ dàng bên ngoài cho con người cảm giác rằng họ luôn có và chỉ cần bước ra là có “500 anh em” bạn bè mạng xã hội, rằng họ không cần lắm những mối quan hệ cũ kỹ, quen thuộc của gia đình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 

Có bao nhiêu người trong danh sách bạn bè, ta nghĩ đó là bạn rất thân, chia sẻ cùng nhau mọi thứ, biết mọi điều về nhau; thế rồi sau một lần tài khoản mạng xã hội bị hack hay sim điện thoại bị hư, chúng ta nhận ra mình chẳng thuộc số của họ, chẳng biết nhà của họ.

Điện thoại thông minh, mạng xã hội mang lại ảo giác rằng chúng ta kết nối với cả thế giới, nhưng phải chăng đó là một cú lừa? Đến lúc ốm đau bệnh tật, bỗng nhiên ta vắng mặt giữa cuộc đời này, liệu có ai trong số bạn online sẽ lặn lội đi tìm?

Hay chỉ cần một thông báo kiểu “Phây của chị X. bị hack, mọi người lưu ý để tránh bị lừa đảo mượn tiền” là chúng ta sẵn sàng ngưng liên lạc, rồi quên bẵng, rồi không còn để ý xem X. có tồn tại trên đời…

Kết nối gia đình là một kết nối máu thịt. Cho dẫu bao nhiêu lời thảo mai ngon ngọt bên ngoài, nhưng khi mình bệnh tật ốm đau, không nơi nương tựa, chỉ có gia đình là bảo bọc yêu thương lấy mình vô điều kiện, không quên, không nguôi.

Đó là những người sẽ lo lắng, tìm kiếm, liên lạc bằng mọi giá cho đến khi tìm được mình, cho dù điện thoại đã ò í e, phây đã khóa, bạn bè đã lâu không nhận được tin.

Kết nối gia đình Việt vốn vô cùng mạnh mẽ. Nhưng càng ngày, nhiều người trẻ chọn cách khép mình, xa cách khỏi cha mẹ ngay khi đang sống trong cùng một nhà. Nhiều người cảm thấy những mối quan hệ khác bên ngoài là quan trọng hơn. Hiện tượng mất kết nối dần được khoác chiếc áo thời thượng mang tên tự lập, công nghệ, khiến cha mẹ cũng không biết bạn bè, người yêu của con mình là ai, ở đâu, tính tình gia cảnh thế nào.

Những bạn đọc viết thư cho Hạnh Dung, nhiều người thấy mình không hạnh phúc, thiếu thốn tình cảm vì chồng, vợ, cha mẹ, con cái họ không yêu thương, không lãng mạn, không chia sẻ công việc nhà. Chuẩn của họ là bạn bè trên mạng. Khi nhìn thấy hình ảnh của người ta, câu chuyện của người ta, họ cảm thấy mình bất hạnh.

Những lúc ấy, Hạnh Dung nghĩ, nếu không có những kết nối bạn bè ảo kia, liệu nỗi bất hạnh ấy có xuất hiện? Liệu họ có chịu ngồi lại nhìn ngắm kỹ hơn bạn đời của mình, chịu khó đào sâu hơn vào cuộc sống thực của mình, sống với những điều có thật ngay cạnh mình chứ không phải chỉ là những gì trên màn hình?

Đôi khi nhận ra được đã là quá muộn. Để sinh tồn, nhân loại đã chọn đời sống bầy đàn, đời sống xã hội, để có thể canh giữ cho nhau, bảo bọc lẫn nhau tránh khỏi những hiểm nguy rình rập xung quanh.

Ý nghĩa thực sự của mấy chữ “gia đình là nguồn cội” thực sự là vậy đó. Khi mất đi kết nối cơ bản nhất là gia đình, ta có thể mất tất cả.

Chỉ trong khoảnh khắc, thế giới có thể dễ dàng quên bạn, vì hàng tỉ thứ chuyện đang xảy ra bên ngoài. Mối dây gia đình là đầu mối duy nhất mà từ đó bạn đến với thế giới này, cho dù có những lúc nản lòng, khó khăn, đừng buông tay những người thân yêu.

Theo phụ nữ TPHCM