Ở vùng nông thôn trước đây, một trong những tiêu chí quan trọng để chọn dâu là phải giỏi bếp núc. Thế nhưng, với chị Võ Thị Thanh Tuyền, dù rất “vụng” khoản nấu ăn, quán xuyến nhà cửa, chị vẫn trở thành dâu cưng của bà Văng Thị Bích Vân.
Chị Tuyền nói: “Số tôi may mắn nên mới gặp được mẹ Vân. Tôi mất mẹ nên đã được bù đắp bằng việc có mẹ chồng chẳng khác gì mẹ ruột”. Bà Vân cũng dùng chữ “bù đắp” khi nhắc con dâu: “Tôi chỉ có 2 con trai nên được bù đắp cho cô con gái cưng này”.
|
Ngày cưới, bên cạnh chồng và ba mẹ chồng, trong lòng cô dâu Thanh Tuyền ngổn ngang bao nỗi lo về chuyện làm dâu |
19 năm trước, ở tuổi 22, một hôm, người thân của Tuyền thông báo: “Ngày mai có mối ở Long Xuyên qua coi mắt con”. Tuyền còn ngơ ngác thì đã đến “giờ G”. Gia đình anh Cường - chồng Tuyền - gần chục người đến nhà.
Nấp trong bức màn, Tuyền thấy “chú rể” đẹp trai, phong độ rất ổn, và đặc biệt mẹ anh nhìn rất hiền từ, phúc hậu. Chị vén màn, bưng trà bước ra; vẻ đẹp trong sáng, e ấp, ngượng ngùng của cô gái và hoàn cảnh mồ côi mẹ của Tuyền làm bà Vân dâng lên cảm xúc “muốn bảo bọc Tuyền”.
Vài tháng sau, Tuyền - Cường chính thức nên vợ chồng bằng một đám cưới rộn rã. Ngày cưới, dù miệng cười, lòng Tuyền đầy nỗi lo: có phải thức dậy từ 4 - 5g sáng nấu nước, pha trà; có phải dậy đi chợ sớm rồi nấu cơm nước, giặt giũ…
Chiều đó, khi tiệc xong, trong lúc dọn dẹp, mẹ chồng ngồi kế bên Tuyền kể: “Ngày xưa mẹ cũng bỡ ngỡ về nhà chồng như con bây giờ. Ba chồng của mẹ, tức ông nội con, rất khó; nhà nhiều việc quá, ban ngày không kịp quét sân là buổi tối ông bắt mẹ đốt đèn dầu lượm từng chiếc lá (buổi tối ông kiêng không cho quét sân). Mẹ tủi thân lắm, vì ở nhà là con gái cưng chẳng phải đụng tay việc gì.
May mà có mẹ chồng của mẹ, là bà nội chồng con, an ủi mẹ, luôn bênh vực mẹ; bà phụ mẹ, làm cùng mẹ, nói chuyện cho mẹ vui. Nhờ có mẹ chồng bên cạnh mà mẹ có được cuộc sống hạnh phúc như hiện nay. Bởi vậy, mẹ tâm niệm, khi có con dâu là sẽ yêu thương, cưng con dâu như con gái. Con yên tâm, trong nhà này lúc nào con cũng có mẹ là đồng minh”. Nghe mẹ chồng nói, Tuyền cảm thấy thật gần gũi.
Sáng hôm sau, Tuyền dậy sớm, định quét sân, pha trà thì mẹ chồng đã làm xong những việc đó. Bà dọn ăn sáng và việc của Tuyền chỉ là vào gọi cả nhà dậy cùng ăn. Mỗi ngày, bà đều vào bếp với Tuyền, chỉ dạy con dâu từ cách lựa cá sao cho tươi, làm cá, rửa cá và kho cá sao cho ngon. Bà dặn con dâu: “Mẹ dạy cho con biết cách quán xuyến bếp núc, tổ chức cuộc sống gia đình, chứ không phải để con làm dâu. Có mẹ ở nhà, để mẹ nấu, con cứ tập trung đi dạy”.
Mẹ ruột mất khi Tuyền đang học cấp III, Tuyền chưa một ngày thôi nhớ mẹ và trong những giấc mơ, Tuyền vẫn luôn khát khao được mẹ dạy làm bếp, được mẹ nấu cho món ngon, được mua cho quần áo đẹp, mẹ con tâm sự vui buồn… Tất cả đều đã được mẹ Vân bù đắp đủ đầy.
Tuyền kể: “Mẹ hay rủ tôi đi mua sắm. Mỗi lần thấy tôi tần ngần bên những quần áo gam màu tối, mẹ bày: “Con trẻ đẹp, nên chọn màu sáng, dọn lên cho chồng nó mê”. Tôi luôn tin tưởng và làm theo mẹ Vân, nhưng riêng khoản cười khi chụp hình là tôi không làm được, vì không tự tin về răng, cái này thì mẹ Vân cũng chịu thua tôi (cười)”.
Bà Vân rất hiểu sở thích, gu ẩm thực của con dâu. Khi Tuyền mới vừa chớm thèm món vịt nấu măng là sáng hôm sau mẹ chồng mua về nấu ngay. Hay cứ cuối tuần là mẹ chồng “sưu tầm” nhiều loại đầu cá hồi, cá lóc… là những món Tuyền thích nhất. Bà chế biến đủ món kho, chiên, nấu canh chua… cho con dâu.
Những khi vợ chồng Tuyền sắp cãi nhau, mẹ chồng đã xuất hiện. Bà luôn nhắc con trai “vợ là để yêu thương, chở che”. Bà Vân chia sẻ: “Tôi coi Tuyền như con ruột, mà là con thì mình phải bảo vệ, yêu thương. Mẹ con sống với nhau gần 20 năm nên giờ chỉ nhìn là đã hiểu ý nhau rồi”.
Qua mẹ chồng, Tuyền cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng mà cô thiếu vắng. Ngược lại, qua con dâu, bà Vân cũng hạnh phúc khi có con gái hiếu thảo. Những khi bà Vân bệnh hay nhập viện, Tuyền đi làm về là chạy ngay vào chăm mẹ, xoa bóp khi mẹ đau nhức, tỉ tê đủ chuyện cho mẹ vui. Chuyện vệ sinh, tắm rửa cho mẹ, Tuyền giành làm hết.
|
Suốt gần 20 năm, chị Tuyền là con gái cưng của mẹ chồng |
Những khi gia đình đi du lịch, Tuyền nhất định “phải có mẹ đi cùng”, mẹ bận không đi thì Tuyền chọn ở nhà với mẹ. Có chồng yêu thương, mẹ chồng “bảo kê”, cùng các con ngoan ngoãn nên Tuyền khá thong dong.
Mỗi sáng, Tuyền đi từ TP Long Xuyên qua Trường mẫu giáo xã Long Kiến (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) - nơi chị đang làm hiệu phó. Khi chị về nhà, mẹ chồng luôn đón đợi, hỏi thăm: “Hôm nay con đi làm có vui không? Công việc thuận lợi không?”. Còn Tuyền cũng muốn biết: “Hôm nay mẹ ở nhà có gì vui không? Mẹ có đi gặp bạn không?”. Cả nhà xúm xít chuyện trò rôm rả.
Tuyền kể: “Tôi với mẹ hợp nhau từ ăn uống, ăn mặc, đến cả cách chăm sóc con. Cũng có lần tôi bị mẹ la. Khi đó, tôi chỉ lắng nghe mẹ nói. Đến khi mẹ nguôi giận tôi mới giải thích cho mẹ hiểu. Mẹ cũng luôn lắng nghe tôi nói, nên có bất cứ chuyện gì thì mẹ con tôi đều hóa giải trong vài nốt nhạc”.
Hỏi Tuyền bí kíp từ cô gái “vụng” trở thành dâu cưng của mẹ chồng, chị cười: “Tôi sống sao thì cứ thể hiện vậy thôi. Mẹ thương tôi, tôi thương mẹ. Tôi làm gì cũng nghĩ cho mẹ trước, luôn dành điều tốt nhất cho mẹ, thương mẹ như mẹ ruột”.
Theo phụ nữ TPHCM