Trong một lần họp mặt bạn bè, anh nói nửa đùa nửa thật: “Điều may mắn nhất của tôi là cưới được một người vợ nấu ăn ngon”.
Lời nói của anh làm bạn bè xuýt xoa và chị thấy vui âm ỉ ở trong lòng. Từ lúc yêu nhau, chị đã biết anh kén ăn và biết chồng yêu mình một phần vì tài nấu nướng. Hồi mới cưới, chị chịu khó tìm hiểu món này món kia nấu cho chồng. Việc anh khó ăn không trở thành vấn đề.
|
Thời bão giá, bữa cơm nhà thành nguyên nhân tranh cãi của vợ chồng chị (ảnh minh họa) |
Nhưng đến khi có con, công việc bận rộn, không có thời gian vào bếp, chị mới thấm thía chuyện lấy một người kén ăn sẽ khổ sở thế nào. Nhà người ta, nếu bận rộn quá thì có thể làm mì gói hay ăn cơm bụi cũng qua bữa, nhưng nhà chị thì không thể.
Mỗi ngày anh đều ăn 3 bữa cơm nhà, bữa nào cũng phải có 3 món canh - xào - mặn, và phải đổi thực đơn liên tục mới vừa ý. Chị biết công việc của chồng căng thẳng, anh lại không ăn được cơm quán nên cố gắng chiều chồng, nhưng càng ngày chị càng thấy kiệt sức. Có những bữa cơm, bận việc về muộn, chị nấu vài món qua loa, anh lại dằn đũa bực dọc.
Lúc kinh tế còn vững, nếu quá bận hay đi công tác, chị giải quyết bằng cách đặt cơm nhà hàng thay thế. Một năm trở lại đây, thu nhập gia đình giảm sâu do công ty anh phá sản, chị phải tăng ca làm thêm để có tiền chi tiêu dùng, việc tính toán chi phí sinh hoạt luôn khiến chị đau đầu. Vì vậy chẳng phải chị muốn mua gì thì mua, muốn đặt món nào thì đặt như trước. Nhưng anh vẫn duy trì nếp ăn uống như xưa, vẫn phải đổi thực đơn liên tục với những món cầu kỳ.
Có lần, chị vừa dọn dĩa đậu chiên sả ra bàn, anh hỏi ngay: “Không còn thứ gì ăn hay sao mà em cho ăn cái này?”. Chị dằn giọng tức tối: “Anh thử đi chợ mà xem, giá cả tăng từng ngày mà cứ đòi món này món kia”. Anh đổi giọng: “Ý em chê anh không làm ra tiền mà đòi hỏi nhiều phải không?”. Chị biết mình không có ý gì nhưng do dồn nén lâu ngày, chị mới bùng phát như vậy.
|
Lần đầu tiên chị đi công tác mà để chồng lo chuyện bếp núc (ảnh minh họa) |
Chuyện xảy ra 3 ngày thì chị có lịch đi công tác tỉnh 2 tuần. Lần đầu tiên chị vắng nhà mà để tủ lạnh trống rỗng, không lên chi tiết thực đơn mỗi ngày cho chồng con. Những lần vắng nhà trước, chị phải tất tả đi mua thực phẩm, sơ chế, phân loại, kèm công thức nấu nướng cho mấy cha con ở nhà. Nhưng lần này, chị không làm gì cả, chỉ thông báo và để lại tiền chợ cho anh rồi xách va li ra sân bay.
Anh giận vợ nên ngày đầu không gọi điện hỏi han, nhưng qua Facebook, chị thấy anh khoe mâm cơm tự nấu với số thực phẩm còn sót lại trong tủ lạnh. Đến ngày thứ ba, khi anh bắt đầu tự đi chợ nấu cơm, anh trở nên bối rối phải gọi cho vợ hỏi chỗ mua thực phẩm, cách nấu món này món kia. Chị vừa thương vừa buồn cười, không biết sau lần “chuyển giao” này, anh có thay đổi cách nhìn về việc bếp núc hay không nhưng chắc chắn sẽ bớt càm ràm xét nét việc nấu nướng của vợ.
Theo phụ nữ TPHCM