Rời quê năm lên 18, như bao bạn bè ở tỉnh lẻ, tôi đến TPHCM. Lao vào học, làm, kết hôn, sinh con. Gói ghém hơn 13 năm ở thành phố này là chừng ấy vui buồn có đủ.

Ngỡ mình đã dạn dày “sương gió”, nhưng phải đến 2023 khi sinh con đầu lòng, tôi mới hiểu thế nào là tình thương của đấng sinh thành. Em bé của tôi dạy tôi cách làm má, và cũng nhắc tôi cách yêu thương má của mình.

leftcenterrightdel
 Mâm cơm má nấu đậm vị miền Trung

Nhiều năm liền, giữa tôi và gia đình có những đứt gãy khó hàn gắn. Nói nôm na thì giống như 1 cái ly bể vậy, có dán lại thì vết sẹo vẫn còn đó thôi. Vậy mà rồi khi tôi sinh con đã phải nhờ má từ miền Trung vào chăm sóc. Ngày qua ngày, từng bữa cơm, giấc ngủ, quần áo, chăm sóc trẻ, má tôi đều làm. Má chăm cả con, cả cháu của má. 

Rồi tỉ tê, giãi bày vài lần trong khoảng 4 tháng, những hờn giận năm xưa giữa hai má con cũng nguội. Tôi là đứa ưa tâm sự, lại tính dễ bỏ qua nên chuyện to cỡ nào với tôi theo thời gian cũng hóa nhỏ, chỉ cần có lời giải thích và chúng đừng trầm trọng hơn. Rồi nửa năm qua đi, tôi trở lại văn phòng làm việc, chồng vẫn xuôi ngược lo cái ăn cho cả nhà.

Má tôi vẫn ở cùng nhưng tháng Chạp đã qua được vài ngày và sắp đến ngày bà phải về quê lo tết nhất. Càng gần đến ngày má về, và chắc rằng bà không còn vào để chăm cháu nữa, tôi càng thấy nghèn nghẹn trong lòng. à thì ra, chỉ khi nào sắp mất đi một điều gì đó thân quen, người ta mới thấy quý trọng những phút giây đã từng có nó trong đời.

leftcenterrightdel
 Má nấu ăn ngon đến mức ai ăn rồi cũng nhớ hoài mâm cơm của má


Đêm nay chạy xe về khuya nhưng biết ở nhà có má đợi, tôi thấy mình giàu có nhất thế gian. Bởi với những người tha hương nơi đất khách, mỗi năm về quê được 1 lần như tôi, về nhà được gặp má là hạnh phúc trên cả con đường về. Tôi biết khi tôi vừa đặt chân vào nhà, má sẽ đi hâm lại canh, kho lại cá để tôi được ăn nóng. Má biết thừa nếu bà không làm, tôi sẽ ăn qua loa để nhanh vào ngủ cùng con. Mỗi lần tôi ăn khuya, má ngồi đối diện, bà uống nước lá vối ấm và kể ngày hôm nay, đứa cháu bà ẵm bồng đã làm được những gì. 

- Mệt không má? Cháu nay có hư không má? - tôi hỏi. 

- Nó biết nhiều lắm rồi! Làm tranh thủ về đừng để cháu trông, tội nó lắm nghe! - má nói.

- Nhưng con cũng phải làm để kiếm tiền, nay chi phí nuôi 1 đứa nhỏ tốn kém quá!

- Má không cho được gì, có chăm phụ được mà tết rồi, về cúng bà nội mâm cơm, ba tụi bay không làm một mình được.

Kết lại câu chuyện lần nào cũng thường liên quan đến cha tôi. Cả cuộc đời má không vì con thì vì chồng, hết chồng đến cháu. Má là điển hình của phụ nữ cam chịu, hy sinh vì chồng con. Đẩy vô thế khó thì bà đủ sức vượt qua, nhưng người cũng mau nước mắt, sợ điều tiếng không hay, sợ con mình đám cưới thiếu cha người ta dị nghị, nên rồi chẳng dám ký vào đơn ly hôn năm nào đó.

Má rồi cũng phải về. Những ngày thức dậy thấy má ngồi ngoài ban công, có khi lựa đậu xanh, có khi may lại cái áo rách vai không còn nữa. Tối tối, chúng tôi cũng không còn nghe tiếng bà gọi cho bạn bè ở quê hỏi thăm ruộng vườn dạo này thế nào.

Nay tôi ăn cơm má nấu, chưa xa mà đã thấy nhớ má, người mềm xèo như con mèo ướt mưa, lạnh run run muốn được má ôm vào lòng.

Năm 31 tuổi, lần đầu làm má, tôi mới biết thương má của mình nhiều hơn…

Theo phụ nữ TPHCM