Bên trong ngôi nhà, có rất nhiều ngóc ngách được tôi chăm chút. Thế nhưng, khoảng sân trống trước hiên nhà mới chính là không gian mang đến cho tôi nhiều cảm xúc và nguồn năng lượng tích cực nhất. Chiều chiều, ở đó, tôi ngây ngất trong yên lặng ngắm cảnh chồng mình gội đầu cho con.

leftcenterrightdel
 Chồng tác giả đang gội đầu cho con gái

Sau 10 năm kết hôn, vợ chồng tôi có 1 bé trai lên 4, 1 bé gái lên 8. Trước đây, mọi việc trong nhà đều do tôi quán xuyến. Những lúc quá tải, tôi cũng san sẻ việc cho chồng. Tuy nhiên, những việc trực tiếp liên quan đến con, tôi không đủ tự tin chồng có thể hoàn thành tốt nên lại tiếp tục ôm đồm. 

Cho đến một hôm, con gái về quê chơi với bà ngoại được bà dắt đi bấm lỗ tai. Khi trở về, con nhất quyết không chịu gội đầu và tắm vì sợ nước dính vào sẽ gây sưng tấy, rỉ sét khuyên tai. Những ngày ấy, không may tôi cũng đang cảm sốt, viêm phổi dẫn đến ho kéo dài. Theo lời bác sĩ dặn thì tôi phải hạn chế dầm nước, dãi nắng tối đa. 

Vài ngày trôi qua, mái tóc dài của con gái dần bết lại, bắt đầu tỏa mùi mồ hôi. Chồng tôi chợt nghĩ ra cách “gội đầu ở nhà mà như ở tiệm”. Đầu tiên, anh vào bếp lấy ra mấy chiếc ghế, xếp thành dãy dài. Anh lấy khăn lót xuống mép ghế ngoài cùng rồi đặt con nằm xuống, bắt đầu dội nước lên tóc. Đứng trong nhà trông ra, tôi nghe con bật cười khanh khách vì nhột…

Bây giờ, đã 3 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên chồng tôi gội đầu cho con gái. Những ngón tay thô ráp, vụng về ngày nào chưa biết cách cào tóc, tách lọn đã trở nên khéo léo, mềm dẻo hơn. Không những lưu tâm để chọn loại dầu gội không gây nhờn ngứa, ít rụng tóc, lưu hương thư thái cho con nhất, chồng tôi còn thuần thục kỹ năng gợi chuyện để con gái tin tưởng thổ lộ những bí mật. 

Các tài liệu đã chỉ ra rằng một người đàn ông có thể khô khan, kiệm lời, thậm chí cục súc với cả thế giới nhưng với cô con gái nhỏ của mình thì không. Anh thường kéo dài thời gian dội nước, chải tóc, ủ dầu xả chỉ để nghe con kể nhiều hơn về những tình huống va chạm, tương tác ở lớp học. Anh cũng có thể khéo léo hùa về cùng phe để khai thác bằng hết những cảm nhận thật lòng của con về cô giáo mới chuyển đến, về bà lão bán sữa chua có mái tóc bạc phơ trước cổng trường… 

Nhìn chồng chăm chút và thủ thỉ, tôi lục lại cảm xúc và phương pháp những lúc mình đồng hành với con. Cũng là gội đầu nhưng số lần tôi hét ầm, la quát nhiều không đếm xuể. Vì một lúc ôm đồm nhiều việc, phải chạy đua với thời gian nên hầu như rất ít điều tôi có thể hoàn thành trong ân cần, thư thái. 

Có nhiều lần quay cuồng trong mệt nhoài, áp lực con cái, tôi tự hỏi sao thế hệ ông bà, cha mẹ mình ngày xưa có thể bình tĩnh, nhẫn nại khi phải nuôi dạy đến 6, 7 người con. Không phải tuổi thơ gian khó thiếu cơm ngon, áo đẹp mà chính không khí gia đình lúc nào cũng hài hòa, vui vẻ mới là điều theo tôi mãi đến bây giờ. 

Hồi ấy, cũng trên sân nhà, chiều chiều, sau giờ học, mấy anh chị em tôi lục tục trở về rồi cùng trò chuyện, trêu chọc, ca hát, cười vang. 

Có những hôm, mẹ khệ nệ bê ra sân một thau bồ kết thơm lừng hương chanh rồi bế tôi nằm ngửa, một tay đỡ đầu, tay còn lại mẹ vuốt vuốt vào tóc. Hương thơm ấy, bóng nắng buổi chiều hôm ấy, những ngón tay dịu dàng của mẹ… vẫn tiếp tục trở đi trở lại trong tôi rất nhiều lần.

Trong vòng quay của thời gian, tôi tin những người biết cách trao đi yêu thương thực sự sẽ luôn cùng nhau “dừng lại” ở một điều nhắn nhủ nào đó. Như mẹ tôi và chồng tôi, sự nhẫn nại của họ khiến tôi hiểu ra: chúng ta hãy cố gắng dịu dàng, hãy đối xử với bọn trẻ tốt một chút, hãy khiến chúng trưởng thành trong hạnh phúc. Để khi lớn lên, dù có lúc vấp ngã, thất bại nhưng những niềm vui lúc bé vẫn trở thành phần đời đẹp nhất. 

Theo phụ nữ TPHCM