Nhiều người ở chỗ làm không lạ mỗi khi thấy Duy tay xách nách mang, khi thì quà, khi thì hoa, bánh, có hôm là mấy món ăn vặt: xoài, me, cóc ngâm để… rinh về cho vợ. Đã nhiều năm, chẳng dịp nào anh thiếu quà.

Bạn bè, đồng nghiệp nữ ganh tị ra mặt với vợ của Duy. Có hôm, thấy mấy món ăn vặt lạ, cả đám ùa đến ghẹo, xin chia phần, anh nằng nặc nói phải vất vả lắm mới đi ngược đường mua đúng quán vợ thích, nên quyết không chia. Chị Hà - trưởng phòng lâu lâu lại nhắc: “Sao tò mò nhan sắc vợ em Duy ghê bay, lúc nào ra mắt cho mấy chị em xem nào”.

Thế rồi cả phòng nhao nhao hùa vào đoán tiếp năm nay anh sẽ tặng vợ cái gì. Người đoán túi, người đoán giày, có người lại nói là trang sức hoặc nội y…

Duy chào thua trước những trêu đùa của đồng nghiệp. Vợ anh kín tiếng, nhan sắc tầm trung, học hết cao đẳng thì ra làm một nhân viên bình thường, phụ trách kiểm soát, thống kê cho một công ty mỹ phẩm. Cô ấy chưa từng đòi hỏi ở chồng một món quà gì, càng không thích đăng hình sống ảo. Mọi thứ ở vợ cứ yên ả, ngày ngày trôi qua như mọi ngày, nhưng cảm giác ấy khiến Duy dễ chịu.
20/10 là dịp cánh đàn ông có thêm chăm chút tình cảm cho người thương của mình (Ảnh minh họa)

Những ngày lễ, kỷ niệm là dịp cánh đàn ông có thêm chăm chút tình cảm cho người thương của mình (Ảnh minh họa)

Duy học được cách quan tâm, chăm sóc người khác từ vợ. Cô ấy hay tặng quà cho mẹ chồng, chẳng có gì to tát. Lâu lâu nhắc chồng chạy từ quận Tân Bình qua Gò Vấp chỉ để gửi mẹ hộp bánh, có khi tặng em chồng cái áo mới mua, cho đứa cháu vài quyển sách mới.

Còn với chồng con, cô ấy tặng quà kiểu rất riêng. Hôm thì nhét cho chồng thêm hộp chè ngọt, vài trái quýt, hôm thì cho con món đồ chơi bất ngờ. Đôi khi cô ấy nhắn nhủ rất thẳng thắn: “Em mới lấy lương, chiều chở em đi mua cái váy”. Câu ấy không hề đòi hỏi, chỉ là đề nghị giúp chuyện chở đi.

Từ những cái rất nhỏ, Duy để ý đến vợ nhiều hơn. Anh biết vợ thích cái này, không thích cái nọ. Anh biết vợ sẽ vui khi những ngày lễ có quà, và càng biết chăm chút tình cảm gia đình từ những dịp đặc biệt.

Hôm nay tan làm, anh về sớm, đi đón con rồi tạt ngang qua chợ. Dọc đường, hai cha con tíu tít một hồi, quyết định mua thêm chiếc bánh ngọt và một con cá về nấu riêu – món mẹ rất thích.

Trên đường về, anh nhớ lời chị Giang – đồng nghiệp cùng phòng: “Nhiều người đàn ông cứ nghĩ 8/3, 20/10... mua đại gì cho xong, họ coi như làm tròn trách nhiệm, sau ngày ấy thì thấy nhẹ nhõm. Nhưng cái chính là họ chưa chăm chút”.

Duy nghĩ lại mình của mấy năm về trước, mỗi lần đến lễ là lại “đau đầu” vì phải nghĩ xem mua quà gì tặng vợ. Nhưng bây giờ thì mọi thứ nhẹ nhàng, vì anh đã quan sát đủ nhiều để nhận ra sở thích, niềm vui nơi vợ. Mấy món quà cũng không quá to tát, bởi tài chính của anh chưa thể mua đồ hiệu, quà lớn như những gì người khác khoe. Đôi khi ngày lễ vui, đơn giản vì có thêm một món ngon trên bàn, một chai nước hoa nhỏ trên góc tủ trang điểm, hay "chiếc" email anh gửi, hứa hẹn một chuyến đi chơi kèm hình chụp vé máy bay giá rẻ đã đặt trước…

Mãi sau này, anh mới hiểu ra tầm quan trọng của những thứ gọi là kỷ niệm, dấu mốc (Ảnh minh họa)

Mãi sau này, anh mới hiểu ra tầm quan trọng của những thứ gọi là kỷ niệm, dấu mốc (Ảnh minh họa)

Anh tin vợ chồng sống cùng nhau, không thể che giấu những sở thích, niềm vui bình dị. Nhiều năm trước, chính anh từng suy nghĩ những ngày lễ cũng như ngày thường. Mãi sau này, trong một lần tặng vợ chiếc túi, khi túi hỏng, vợ không nỡ bỏ vì là món quà đầu tiên, anh mới thật sự hiểu ra tầm quan trọng của những thứ gọi là kỷ niệm, dấu mốc.

Trên đường về hôm nay, có túi quà trong ba – lô anh, có bánh kem con gái tự chọn, có niềm vui khấp khởi dọc cả con đường. Hôm nay, cả nhà sẽ cùng mang niềm vui về cho người phụ nữ họ yêu.

Theo phụ nữ TPHCM