leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tối nọ, sau một hồi tôi năn nỉ, mắng mỏ và đe dọa, cô con gái lên 6 của tôi vừa thút thít khóc vừa bảo: “Con không muốn học với bố”. Vừa bực vừa thương con nhưng tôi hết cách, không làm sao bảo được con gái ngồi vào bàn hoàn thành bài tập cô giáo giao. Lỗi này nếu truy xuất ngọn ngành thì xuất phát từ cái tính đoảng của tôi.

***
Tối về nhà theo lệ thường, sau giờ ăn cơm là con ngồi vào bàn học. Bài cô giao về nhà hôm ấy nhẹ nhàng hơn mọi hôm. Chỉ cần đọc 1 bài đánh vần và làm 1 bài viết. Khi đó, con gái tôi mới nói: “Bố quên soạn vở cho con nên cô không viết mẫu vào bài được. Con không biết viết”. Tôi bảo sẽ lên mượn vở của bạn Đan tầng trên học cùng lớp con để chép lại bài học. Phụng phịu một lúc, con gái cũng theo bố lên tầng trên.

Thế nhưng có vở viết rồi mà con vẫn mải chơi với quả bóng bay có nước bên trong lồng vào vỏ một quả bóng bay khác. Trò này con học được trên YouTube. Con nít tuổi này thường bắt chước bạn và các video xem được. Cấm cản thì không được, thế nên quản lý cháu xem gì, xem bao lâu cũng là vấn đề đau đầu chung của các bậc phụ huynh. Nói nhẹ không nghe, thế là tôi nói nặng. Nói nặng không nghe, thế là tôi lấy roi ra. Con gái hậm hực khóc rồi vùng vằng: “Con chỉ muốn học với mẹ thôi. Bố toàn quát mắng. Bố chẳng yêu con”.

Con gái tôi thút thít một hồi rồi vẫn phải ngồi vào bàn học. May thay nó còn biết sợ cô giáo. Nếu ngày mai không có bài nộp cho cô thì sẽ bị phạt. Tôi lúc này mới nhẹ nhàng ngồi bên. Viết được ít chữ, con bé lại quay ra tìm cái gọt bút chì, tỉ mẩn gọt cho đầu bút sắc nhọn, tìm cục tẩy hì hục sửa đi sửa lại. Tôi bảo: “Con tập trung viết bài cho xong, rồi muốn chơi gì cũng được”. Đó là bố nghĩ thế, chứ con gái vẫn mải miết tìm cái này cái nọ để có thể trì hoãn lâu nhất việc học.

Nhưng tôi bất chợt nhận ra một điều, khi cháu viết bài thì thỉnh thoảng lại kể chuyện. Tôi bắt theo nhịp trò chuyện ấy như một người bạn của con. Được đà, con kể thêm hết chuyện này tới chuyện khác. Nào là bạn Bun hôm trước lấy bút chì chọc vào tay con đau lắm, con mách cô mà bạn chẳng sợ. Rồi lại chuyện bố bạn Nastya (trên YouTube) dạy bạn ấy làm khoa học, trộn hoa quả với nhau để tạo ra rất nhiều màu sắc... Tôi tranh thủ trò chuyện rồi lại nhắc nhở con viết bài thì cháu có vẻ chịu nghe hơn. Rồi con cũng hoàn thành trang viết.

***
Hôm trước là sinh nhật con. Các bạn tới mừng sinh nhật với rất nhiều quà tặng. Con rất thích mấy hộp bút tô màu. Học trên YouTube, con lấy băng dính ghép các màu thành hàng rồi viết lên trang vở như dải cầu vồng. Tối đó, vợ tôi đưa con món quà là một chiếc xước cài tóc có gắn dải khăn voan bồng bềnh như khăn voan cô dâu. Nhìn con vừa đeo chiếc khăn voan vừa cúi đầu cặm cụi viết, nét mặt thật đáng yêu, tôi bất giác giật mình: nếu mai này con gái thành cô dâu gả cho người ta thì chắc tôi… khóc hết nước mắt.

Trong các giai đoạn của cuộc đời, việc học là không ngừng. Tuổi đến trường thì học theo thầy cô, bạn bè. Lớn lên, những va vấp trong “trường đời” giúp con trưởng thành hơn. Riêng tôi, hôm nay, tôi học làm bố. Học làm bố là phải biết biến mình thành một người bạn để trò chuyện với con, để hiểu con hơn. Con mở lòng thì mới có thể tiếp thu những điều mình khuyên giải. Và sau những bực tức đầu buổi tối con học bài, tôi lại cảm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc dâng trào khi con khép lại trang vở.

Theo phụ nữ TPHCM