|
|
Không có cơm thì ăn mì, đơn giản vậy thôi nhưng buổi sáng của tôi xém bị phá hỏng (ảnh minh họa) |
Một sáng, tôi chuẩn bị bữa sáng xong xuôi cho cả nhà thì cái lẫy khoá nồi cơm bị kẹt, ấn xuôi ngược một hồi cũng không thể mở. Tôi bực dọc đập mạnh, lẫy khoá nồi cơm gãy hẳn. Tôi ngẩng lên, thấy chồng đứng đó chăm chú nhìn vợ làm. Anh nói duy nhất một câu: “Rồi, xong cái nồi”. Nhưng giọng điệu của anh vui vẻ kèm thêm nụ cười chứ không cáu kỉnh, cằn nhằn.
Tôi đứng chết trân, tâm trạng bức bối. Chồng tôi vốn chỉ thích ăn cơm buổi sáng, cơm trong nồi tôi đã nấu chín, đồ ăn đã sẵn. Mà giờ cái lẫy khoá nồi trở chứng kẹt lại. “Giờ lấy cơm đâu cho anh ăn?”. “Anh ăn mì cùng mấy mẹ con được mà”. Cách giải quyết của anh nhanh gọn, đơn giản: “Nồi để đó xử lí sau, mấy mẹ con ăn uống nhanh rồi còn đi học, đi làm”.
Tôi nghe lời anh, dằn sự bức bối không đáng xuống. Trước khi ra khỏi nhà, tôi quay lại hỏi chồng: “Sao nay anh không cáu em?”. “Sao cáu?”. “Chuyện cái nồi ngay trước bữa sáng đó”. “Trời ơi, hỏng thì sửa. Cái nồi nhà mình cũng dùng lâu rồi mà. Hơn nữa… cáu em thì anh được gì?”.
Cáu em thì anh được gì? Câu hỏi của chồng hay quá. Tôi lẩn thẩn nghĩ tới nó suốt buổi sáng hôm đó. Chồng tôi càng ngày càng điềm đạm. Anh biết kiềm chế cảm xúc hơn trước kia.
Tôi có một cô em đồng nghiệp, hồi mới về công ty đã từng khiến mấy bà chị chúng tôi rất tò mò. Chồng Lan chiều vợ hết mực. Sáng cùng đường đi làm, anh đưa vợ tới công ty. Xe dừng, luôn thấy người đàn ông ấy ra mở cửa xe cho vợ. Bữa trưa anh luôn nhắn nhủ, hỏi han nhắc vợ ăn uống đầy đủ, thi thoảng mua đồ này đồ kia cô ấy thích. Rảnh rỗi cả nhà Lan đi chơi, đi ăn cùng nhau vui vẻ. Tối về, Lan kể chồng cô sẵn lòng vào bếp nấu nướng để vợ có thời gian tập thể thao cho khoẻ… Chúng tôi từng đoán già đoán non, chắc hẳn anh từng làm gì đó có lỗi với vợ nên giờ muốn chuộc lỗi, hoặc là “gia thế Lan phải rất ra gì”, bởi chồng Lan là người có địa vị xã hội cao.
Câu chuyện “đồn đoán” râm ran khá lâu. Sau một thời gian làm việc, thấy Lan rất thân thiện, vui vẻ và nhiệt tình giúp đỡ người khác, một bà chị hỏi thẳng: “Em có bí quyết gì mà được chồng chiều vậy?”.
Cô ấy ngạc nhiên rồi bật cười: “Em còn chiều ổng hơn á. Nhưng có lẽ là do em… hay cười. Chứ hồi xưa em nhăn nhó, ổng không có chiều chuộng gì đâu”.
Mấy bà chị ngỡ ngàng. Rõ ràng về nhan sắc, Lan chỉ có duyên chứ không thuộc diện xinh đẹp. Dáng người nhỏ nhắn chứ cũng không phải chân dài, dáng chuẩn gì. Gia đình nhà Lan thì chỉ bình bình… Nhưng đúng, lợi thế của cô ấy là sự vui vẻ và nụ cười luôn thường trực trên môi. Từ khi vào công ty, khó tính như mấy bà chị già hay soi chúng tôi đều yêu quý cô ấy.
Một người toàn năng lượng tích cực như vậy, không yêu quý thì sao? Hoá ra chúng tôi luôn ôm những điều tự cho là mình khổ nên nghĩ về những người phụ nữ hạnh phúc bằng cặp mắt xét nét, nghi ngờ. Sao chúng tôi không nghĩ cô ấy xứng đáng như vậy?
Tôi bắt đầu học cười nhiều hơn sau câu chuyện của Lan. Biết hít thật sâu để trấn tĩnh lại mỗi khi thấy mình sắp nổi cơm tam bành với ai đó. Trồng một cái cây ngoài sân để mỗi lần về nhà, đứng trước nó rất lâu trút vào đó những điều chưa vui trong ngày. Bao giờ tôi xả hết ra được cùng cây, tôi mới bước vào nhà với nụ cười tươi nhất với mấy cha con.
|
Tôi học cười nhiều hơn từ chuyện của cô em đồng nghiệp... (ảnh minh họa) |
Tôi nhìn vào những điểm tốt của chồng, những thứ mà trước đây mình đã từng mê mà lấy. Kí ức tươi đẹp của thế giới mở ra, tôi không còn thấy nhiều cơn khó chịu với chồng.
Tôi không biết mình đã mất bao lâu. Chỉ biết mỗi ngày một chút, một chút một. Tôi trở thành một người đàn bà biết cười nhiều hơn với chồng con.
Và hôm nay, thái độ của chồng chính là món quà cho bao ngày tôi cố gắng thay đổi. Nếu là trước kia, anh sẽ la lên, sẽ nhăn nhó hay buông một câu khó chịu. Nhưng giờ thì “cáu em thì anh được gì?”. Phải rồi, cáu nhau chỉ làm cho tổ ấm thêm mệt mỏi ngột ngạt mà thôi.
Hoá ra cuộc sống thay đổi khi bạn thay đổi được chính mình. Tôi đã học được cô em đồng nghiệp một điều giản dị mà sâu sắc.
Theo phụ nữ TPHCM