|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok |
Má ngoài 80, những năm gần đây, giờ cơm trưa nào cũng vừa ăn vừa kể lại chuyện xưa. Có khi một chuyện má kể suốt cả tháng. Tôi chỉ biết ngoan ngoãn ngồi nghe, lần nào cũng rất kiên nhẫn ồ à, tỏ vẻ ngạc nhiên như mới nghe lần đầu. À, hóa ra ngoài việc hào hứng nghe cho má vui, tôi cũng lẩm cẩm giống má, thích nghe những câu chuyện ấy vì cảm thấy ấm áp quá. Ở đó có những tấm lòng nhân hậu nên mỗi lần nghe tôi đều thấy vui về gia đình mình. Như chuyện về ông nội...
Đó là những năm chiến tranh, ba bị mất tích, một mình má nuôi ông nội và 3 đứa con. Ông nội khi ấy đã già nên lúc nào cũng áy náy vì cảm giác trở thành gánh nặng cho con dâu bởi thấy má còn vất vả nuôi con nhỏ.
Má kể, nội lúc nào cũng ý tứ, ăn uống nhỏ nhẻ, quần áo sạch sẽ, gọn gàng, không muốn con cháu mất thời gian và tốn kém vì mình. Má hay nạo cá thu làm chả, bó thành từng bó trong lá chuối để dành ăn dần, rồi cá cua trong mỗi bữa ăn cũng không thiếu. Lần nào ông nội nhìn má thu xếp những bữa ăn chu đáo, mắt cũng rơm rớm, mà rằng: “Sao con cho tía ăn kỹ dữ vậy, để dành tiền nuôi mấy đứa nhỏ chớ con?”.
Má tôi lúc nào cũng trả lời trong nụ cười thật thà: “Tía cứ ăn uống thoải mái đi. Con nhiều tiền lắm, tía đừng lo”. Là má nói vậy cho nội đỡ lo chứ kiểu kiếm tiền chợ mỗi ngày có đâu mà “nhiều tiền lắm”. Vậy nên làm sao má qua mắt được một người ý tứ như nội. Thành ra mỗi ngày nhìn mấy đứa cháu đang tuổi ăn tuổi lớn, nội đều cảm thấy xót xa, dù má nuôi “mấy đứa nhỏ” đâu có thiếu thốn.
Nội hay nói: “Không có tía thì mấy đứa nhỏ được đầy đủ hơn”. Vậy nhưng không có nội thì làm sao chị em tôi được hạnh phúc sống trong tình thương rộng lớn của nội. Khi ba mất tích không biết sống chết thế nào, má vẫn vẹn toàn với nội, lo từng bữa ăn bộ quần áo mà vui, không một lời than thở.
Năm 1972, nhà tôi bị cháy, cả nhà về ở nhờ tạm nhà ngoại trong lúc chờ xây nhà mới. Nội ngại không về nên má phải che tạm cái chòi ở khu đất trống cho nội ở. Trưa nào má cũng đi bộ 4 cây số về đưa cơm cho nội.
Cuộc đời nội buồn quá nên trong ký ức của những đứa cháu không có nụ cười của nội. Những năm chiến tranh đau thương, loạn lạc, từng người thân của nội ra người thiên cổ. Bà nội và 4 người con lần lượt qua đời, ba tôi mất tích nên ông nội không còn đủ sức để cười. Khi nhà vừa xây xong, mới dọn về ở vài hôm, một đêm, nội nghe tiếng kêu cửa hốt hoảng: “Ông Hai ơi, nhà anh Sáu bị pháo kích đánh vô”.
Nghe hàng xóm báo tin, nội tất tả xỏ guốc, chạy đến nhà bác tôi, vừa chạy vừa hớt hải gào: “Sáu ơi, đừng bỏ tía nghen con”. Nội tôi chạy trước, mấy má con tôi chạy theo sau. Cái dáng chạy xiêu vẹo của nội cùng với tiếng kêu “đừng bỏ tía nghen con” lúc nào cũng vang vọng trong gia đình tôi không bao giờ phai lạt.
Những năm đó, ba tôi mất tích nên nội chỉ còn bác Sáu tôi là người con ruột duy nhất. Mỗi người thân mất đi là rút của nội một phần năng lượng sống, cứ thế đến những năm ba tôi biền biệt, nội kiệt sức. Vì vậy, nếu bác tôi mất trong trận pháo kích ấy hẳn là loại tin đủ sức quật ngã nội tức thì. May thay!
Sau năm 1975, gia đình tôi đoàn tụ vẫn không cứu nổi nụ cười từ lâu đã vắng bóng trên khuôn mặt hiền hậu của nội - người luôn mang nỗi buồn cho đến khi rời xa thế gian.
Nội, ba má và bác tôi hiểu thế nào là mất mát nên chắt chiu từng niềm vui. Không, đúng hơn là họ dành cho nhau từng hơi ấm, hết mực nhường nhịn nhau. Má tôi tiếp tục chăm sóc từng bữa ăn mà nội hay nói với hàng xóm: “Con Bảy nuôi tui kỹ lắm”. Ba tôi thì nói suốt đời ba mang ơn sự hiếu thuận của má.
Sóng gió đã quật những người thân của tôi “lên bờ xuống ruộng” nhưng mặt trái của nó là đã cài đặt vào bộ gen của gia đình tôi sự ấm áp. Chúng tôi biết quý từng sự sống và biết an ủi những tổn thương cả tinh thần lẫn thể xác, hiểu thế nào là “người gian nan mơ ước bình thường”, “mùa bình thường” hay “mộng bình thường” như bao văn nghệ sĩ đã viết.
Gia đình tôi chăm sóc nhau cũng chỉ để đổi lấy cái bình thường, ví như ba tôi lúc sinh thời chỉ có “niềm đam mê lớn nhất” là mỗi đêm đi dạo một vòng quanh các phòng để xem các con ngủ có yên giấc.
Hơi ấm cũng có tính di truyền, đã lan tỏa qua mấy thế hệ trong gia đình tôi và chúng tôi cứ mang hơi ấm mà đối đãi nhau, kể cả với những người ngoài gia đình.
Theo phụ nữ TPHCM