leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Hà than ba chồng hay nhõng nhẽo với con cái, mới vừa không khỏe trong người là gọi điện khắp nơi. Sống chung với ba chồng ưa nhõng nhẽo, rồi lại hay… sợ chết, Hà thấy mệt mỏi. Mà đám em chồng, vừa nhận tin ba than mệt là rần rần, tá hỏa, bằng mọi giá phải đưa ba về thành phố, khám vài ba bệnh viện mới chịu yên tâm. Lần nào cũng vậy, 1 người đi khám nhưng có đến 3, 4 người tháp tùng, hỏi han, động viên, chăm sóc đến tận răng.

Mỗi lần ba chồng vào khám bệnh, Hà lại thương ba ruột của mình. Trái với ba chồng, ba ruột Hà hay giấu bệnh, con cái thúc giục, dụ dỗ, giận hờn các kiểu, ba mới chịu đi khám. Nhưng vừa vào tới bệnh viện thì lại đòi về, với lý do không muốn làm phiền con cháu. Hà cho rằng, ba ruột cô như vậy mới là thương con, không muốn các con phải lo lắng, tốn kém; còn ba chồng thì tật hay mè nheo, luôn khiến con cái bất an.

Thân thiết với Hà, tôi biết gia cảnh cô và gia đình chồng hoàn toàn khác nhau. Gia đình bên chồng Hà kinh tế khấm khá, con cái thành đạt, nên ông bố có điều kiện... nhõng nhẽo. Còn các con ông thì chỉ chờ ba nhõng nhẽo để chiều chuộng. Ba mẹ Hà ở quê làm nông, khó khăn; anh chị em Hà vào thành phố, đứa làm công nhân, đứa buôn bán nhỏ.

Ba Hà có lẽ thấu hiểu sự vất vả của con cháu nên không muốn con thêm lo. Có đợt vào thành phố khám bệnh xong, ông bắt xe quay ngược trở ra, không ghé thăm nhà đứa con nào, với lý do “lạ nhà, khó ngủ”. Ba chồng Hà thì sau mỗi đợt khám bệnh, ông ghé thăm nhà từng đứa con, ở mỗi nhà vài ba hôm. Cách nghĩ của ba chồng Hà là “để xem cách ăn ở, sinh hoạt của con cháu có ổn không.

Mỗi lần đi lần khó, ai biết già rồi sống nay chết mai ra sao”. Ông còn muốn tạo điều kiện để con cái báo hiếu. Với ông, điều đó không có gì sai. Mai này ba mẹ chết đi, con cái cũng mãn nguyện.

2 hoàn cảnh, 2 cách hành xử của 2 người cha, nếu chịu hiểu theo hướng tích cực thì ai cũng có lý lẽ riêng và chẳng ai đáng trách. Phận làm con, ba mẹ dù có thế nào, giàu sang hay nghèo khó, con cái cũng phải thể hiện đạo hiếu. Nhiều khi người già còn có nhu cầu... hóa con nít để giận hờn, làm lẫy, nhõng nhẽo, yêu sách. Đừng trách móc người già, bởi họ đã tận tụy với con cháu đến sức cùng lực kiệt rồi.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ba ruột Hà tìm cách không cho con cháu báo hiếu, với lý do không muốn phiền con cũng chưa hẳn đã hay. Sự nuối tiếc khi chưa làm tròn trách nhiệm với ba mẹ có khi đeo đẳng trong tâm trí những đứa con đến suốt đời. Làm con cái, bằng cách nào đó nên để bậc sinh thành thấy họ đáng được nâng niu, chiều chuộng. Sau khi ba khám bệnh xong, anh chị em Hà có thể “địu” ba về nhà, chở ba đi ngắm phố phường, giống như cách anh chị em nhà chồng đối đãi với ba chồng Hà vậy.

Hà không mua sắm cho ba ruột những món đắt tiền, vì cô không có điều kiện, nhưng Hà có thể mua cho ba những món ăn ngon, sắm cho ba mớ vớ, dao cạo râu và những món lặt vặt ông thích. Nếu ba không thích phố phường, anh chị em Hà có thể về quê thăm ba thường xuyên hơn. Thể hiện đạo hiếu đâu nhất thiết bằng vật chất, chỉ cần ba mẹ nhận ra sự quan tâm tuy nhỏ nhặt nhưng thật lòng, cũng đủ giúp họ tăng tuổi thọ, con cái thì thấy lòng nhẹ nhõm và yêu hơn ba mẹ mình.

Cuối năm rồi, dù ba không đau ốm, nhưng anh chị em Hà đã quyết định sẽ tìm cách đưa ba đi khám sức khỏe tổng quát, rồi mời ba ở lại chơi, chở ba đi chỗ này chỗ kia cho biết, rồi ghé nhà mấy đứa con. Phận làm con, dù ba mẹ già có đổi tính đổi nết ra sao, hãy ráng thương và học cách thấu hiểu. Mỗi mùa xuân sang, ba mẹ già thêm 1 tuổi là sức khỏe suy giảm, sự tinh anh, lý trí cũng hao mòn theo. Tuổi già đối diện bệnh tật, rất cần sự nâng đỡ. Đó cũng là lúc con cháu kề sát bờ vai cho ba mẹ tựa vào.

Theo phụ nữ TPHCM