Hồi nhỏ, tôi rất ít khi khóc lóc, vì nghĩ rằng mình là em bé ngoan. Tôi thấy tự hào về điều đó và rất “coi thường” những đứa trẻ hay khóc.

Vài năm trước, tôi lấy chồng lúc đã ngoài 40 tuổi. Khác với hồi nhỏ, sau khi cưới, tôi lại có thể khóc một cách tự nhiên. Những khi thấy tủi thân là tôi khóc. Tôi thoải mái khóc trước chồng mà không phải nhắc nhở mình kìm nén.

Những khi tôi khóc, chồng luôn dịu dàng ôm tôi, vỗ về rồi xin lỗi mà nhiều khi anh chẳng biết mình có lỗi gì. Tôi thì cứ khóc tấm tức, chảy cả nước mũi. Khóc mãi rồi cũng phải thôi. Khóc mãi cũng thấy nhọc. Khóc nên tôi cũng chẳng buồn đi nấu ăn. Chồng tôi lại đi mua đồ ăn về rồi dỗ dành: “Vợ ăn đi kẻo đói”.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
 
Ảnh mang tính minh họa - Freepik
 

Sau một thời gian, tôi không còn khóc trước chồng nữa; bởi tôi nhận ra rằng không phải việc chồng tôi làm gì, mà là do những suy nghĩ của tôi, những suy đoán của tôi về hành động của chồng khiến tôi thấy tủi thân, nghi ngờ hoặc lo sợ. Giờ đây, mỗi khi cảm thấy có gì đó khúc mắc, tôi chọn nói ra với chồng chứ không chìm đắm trong những suy nghĩ và suy đoán nữa.

Chắc hồi đó nhiều khi chồng tôi cũng không hiểu được vì sao vợ mình lại khóc. Sau này, anh bảo: “Hồi ấy nhìn vợ khóc thấy thương mà chẳng biết làm sao”. Rồi anh cười hiền lành, nói một cách cường điệu: “Thấy vợ khóc, anh lo đến thắt cả ruột”.

Khi đọc một số sách tâm lý, tôi hiểu ra, khi còn bé, có thể tôi đã không khóc lóc để “ghi điểm” với ba mẹ. Tôi đã gồng mình lên để không khóc. Nhưng việc kiềm chế khóc lóc như vậy lại trái với lẽ tự nhiên. Các nhà tâm lý giải thích: khóc khi cảm thấy đau đớn mới hàn gắn được nỗi đau.

Tôi tự hỏi, việc tôi có thể khóc thoải mái trước mặt chồng phải chăng là do tôi cảm thấy an toàn khi khóc trước anh? Phải chăng do tôi không có nhu cầu phải “ghi điểm” với anh như tôi đã từng có nhu cầu “ghi điểm” trước ba mẹ?

Khi còn bé, tôi đã không khóc vì sợ không được yêu thương. Giờ đã hơn 40 tuổi, tôi đã khóc vì không còn lo sợ như vậy nữa. Tôi đã khóc thoải mái vì có lẽ trong tiềm thức tôi biết rằng dù có khóc thì tôi vẫn được yêu thương (hoặc là nếu không được yêu thương nữa thì cũng không sao cả).

Việc có thể khóc thoải mái trước chồng như vậy khiến tôi thấy rất dễ chịu. Chồng ơi, cảm ơn anh đã “chịu đựng” những lần em khóc nhé!

Theo phụ nữ TPHCM