Chị Hòa về sống với anh Tân trong tư cách “tập 2”, khi anh đã dang dở 1 đời vợ và có 2 đứa con riêng. Đứa con gái lớn đã lập gia đình, ra riêng; còn anh con trai sống với mẹ. Con gái ở xa, lâu lâu lễ tết mới về, còn con trai sống gần vẫn thường xuyên chạy về thăm ba.

Mỗi lần về, chỉ cha con tíu tít với nhau; còn với chị Hòa, nó chỉ… chào cho có lệ. Con gái lại càng buồn hơn. Lễ lạt không về được, nó nhắn tin, gọi điện hỏi thăm, chúc sức khỏe ba mà không có một lời dành cho mẹ kế. Mỗi cuộc gặp gỡ, điện đàm giữa cha con như thế, chị Hòa luôn cảm thấy mình như người thừa, buồn muốn khóc.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nhớ lúc rời nhà theo anh, mẹ chị có dặn: “Con thương nó, đã quyết mẹ cũng không cản. Có điều con phải nhớ: sống với chồng lớn tuổi (chị nhỏ hơn anh gần 20 tuổi), con riêng đã trưởng thành, sẽ có cái khó riêng. Vị trí của con trong gia đình trụ vững được hay không phụ thuộc vào mức độ ấm áp của quan hệ con chồng - mẹ kế”.

Lời mẹ dặn, giờ đây chị Hòa mới thấy thấm. Những đứa con riêng trưởng thành, có học hành, đủ khôn khéo để biết cách cư xử chừng mực, không hỗn láo. Vậy nhưng muốn gần chúng thật khó như… lên trời. Chúng luôn giữ một khoảng cách dè chừng kiểu “nước sông không phạm nước giếng”; cái khoảng cách hàm nghĩa “Bà chưa làm mẹ tui được đâu. Tui chào bà vì nể cha tui”. Cũng đúng thôi, chị hơn con gái anh chưa tới 10 tuổi, sao đòi làm “mẹ” nó được?!

Không làm mẹ được, sao mình không nghĩ cách làm bạn? Sau nhiều đêm thao thức muộn phiền, chị Hòa chợt nảy ra ý đó. Nghĩ là làm, chị vào Facebook, chủ động gửi lời mời kết bạn với cả 2 đứa con chồng. Cậu con trai đồng ý trước. Con gái thì còn chần chừ.

Kệ, ngày ngày, lúc rảnh, chị cứ nhẫn nại vào “nhà” từng đứa; like, comment tích cực những nội dung hay được chúng đăng lên. Chúng lơ không trả lời, chị vẫn không nản chí; lâu lâu nhắn tin hỏi thăm, nhất là với đứa con gái ở xa. Con trai thì hỏi thăm chuyện học hành, cho vài lời khuyên về chuyên môn (chị vốn là nhà giáo). Tương tác ban đầu có vẻ miễn cưỡng, nhưng chị cứ lấy chân tình ra đối đãi, mong lay chuyển được thành trì trong lòng các con.

Anh con trai dạo này có vẻ thân thiện hơn, về thăm ba đã chịu ngồi xuống nói chuyện với dì chừng 5, 10 phút. Thời lượng những cuộc trò chuyện giữa mẹ kế - con chồng cứ ngày càng dài ra, do anh con trai được “bắt trúng đài”, hứng thú kể về những chuyện anh không tìm được người chia sẻ.

Dần dà, mỗi lần về chơi, anh thích nói chuyện với dì hơn với ba, bởi “dì còn trẻ, gần gũi, dễ nói”. Biết vậy nên hễ thấy con trai về dù bận việc gì chị cũng gác lại, dành thời gian ngồi trò chuyện với con. Bữa trước có vấn đề quan trọng cần xin ý kiến, lần đầu tiên con trai về “mời ba với dì ngồi cho con thưa chuyện”. Chị nghe, mừng chảy nước mắt.

Với con gái thì có khó khăn hơn, vì ít cơ hội gặp trực tiếp. Vậy nhưng mưa dầm thấm lâu. Lần con không may bị tai nạn nằm viện, chị xin nghỉ dạy, lặn lội cùng anh vô tận bệnh viện thành phố thăm con, còn giúp con một phần viện phí, thuốc men.

Tấm chân tình của chị đã làm “tan băng” nơi đứa con gái cứng đầu. Nay, ngoài phần quan tâm thường lệ dành cho ba, con cũng đã chủ động liên lạc riêng thăm hỏi dì. Lễ, tết về quê, con đã nhớ phần quà cáp cho dì, còn rủ dì “hợp tác làm ăn với con”.

Thì ra cô nàng đang kinh doanh online, cần một trợ thủ năng động, tin cẩn để mở rộng thị trường ở quê. Nghe con nói, chị Hòa hiểu con đã thực sự xem chị như người nhà. Cuối cùng, chị Hòa đã thật sự gắn kết với con riêng của chồng, tự tin đảm nhận vị trí làm mẹ, làm vợ.

Theo phụ nữ TPHCM