leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ly nước chanh lổm ngổm những viên đá tròn, kêu lanh canh, tan theo từng vòng muỗng khuấy thong thả trong cái nắng rát. Ông nhìn đồng hồ, hơn 10 giờ sáng, còn lâu mới đến giờ hẹn tái khám với bác sĩ.

Tuổi già không chỉ là những nếp nhăn xô lệch nhìn thấy được trên thịt da. Ở cái chặng thất thập, có mấy ai không gói ghém tầng tầng lớp lớp những ký ức, nhớ nhung, tiếc nuối và cả những hoảng sợ sâu kín trong lòng. Mọi vang động của cuộc đời xôn xao hay chìm nghỉm vào thinh lặng, qua tháng qua năm, có khác gì lớp thạch nhũ trong hang động, có hình có khối hẳn hoi. Hơn ai hết, ông là người thấy rõ, hiểu rõ mình nhất.

Bà với các con cứ càm ràm sao lịch hẹn bác sĩ đến tận 14 giờ mà chưa tới 10 giờ sáng ông đã nai nịt, nhấp nhổm rời khỏi nhà. Thi thoảng, ông muốn có một ít thời gian cho riêng mình. Kết nối với thế giới là việc người ta nên mãi làm trong đời. Càng đi dần về phía cuối hành trình sống, càng phải giữ như giữ sợi dây sinh mệnh khỏe mạnh vậy. Con người không thể mất kết nối với con người.

Ông vẫn còn nhớ như in thời COVID-19, những khuôn mặt người thảng thốt, hoài nghi sau lớp khẩu trang kín mít; những ô vuông trắng toát được vẽ xuống nền gạch lạnh lẽo nơi bệnh viện, trường học; những ngôi nhà bị băng bó, những thân cây cũng bị băng bó, những cuộc rời đi lặng lẽ…

Những cuộc rời đi lặng lẽ. Ông như thể nghe đâu đó có tiếng nhại lại thì thầm chỉ vừa đủ mình mình nghe thấy. Ai rồi cũng sẽ tiến hành một cuộc rời đi. Khách có sẵn sàng hay còn núm níu đều không ảnh hưởng đến hành trình đó. Đến lúc phải khởi hành thì không ai cưỡng lại được. Ông tin điều đó như tin vào vết mổ dài chằng chịt sau lưng mình, như tin vào những cơn choáng váng và mớ thuốc viên nào viên nấy to như con ong vò vẽ ông bỏ vào bụng đều đặn ngày 3 bữa.

Ông bấm số, gọi điện cho con. 2 đứa. Không có tiếng trả lời. Chúng không thường trả lời điện thoại của ông ngay. Khi trẻ, người ta có bao nhiêu việc, như có trăm cánh tay vô hình lúc nào cũng chực kéo họ đi. Đi làm, tụ tập bạn bè, nấu ăn, chơi với con, tập thể dục…

Cuộc đời của người ta khác nào cái bánh gato chẻ nhỏ ra vài chục miếng. Cha mẹ già cũng chỉ là một miếng mà thôi. Cái miếng khô cong, nằm khép nép một xó, có khi lâu rồi chưa từng được đụng chạm đến.

Ông bà tự bảo ban nhau rằng, nhân gian muôn đời nước mắt chảy xuôi. Có cha mẹ nào mong cầu ở con một điều gì, dẫu chỉ là dăm ba phút hỏi han chuyện trò qua điện thoại cho lòng ấm áp. Bất luận chúng ra sao hay đối xử với mình thế nào, những người mang nặng đẻ đau, nuôi lớn chúng cũng lấy tình yêu thương không bao giờ vơi cạn trong lòng mình mà khỏa lấp cho kỳ phẳng phiu, nhất là khi chúng là con gái. Con gái đi lấy chồng, rồi làm mẹ con nít, có ai nhẹ nhàng? Đâu cứ phải con đông, ít chữ, nghèo khó như thời xưa mới cực khổ. Học hành tử tế, giáo viên hay bác sĩ cũng vậy thôi.

Cởi đôi giày bỏ nơi bậu cửa nhà mình thì đàn bà cũng chỉ là đàn bà, ai chẳng khòm lưng trĩu nặng đôi quang gánh của phận đàn bà. Họ, với bản năng yêu thương chăm sóc, có mấy người thật sự đã sống cho mình?

Một cách tự nhiên, ông nghĩ đến bà. Từ hồi sanh con Hai cho đến bây giờ, khi tóc trên đầu số sợi đen có thể đếm được, có ngày nào bà thật sự nghỉ ngơi? Không biết lần thứ mấy trong đời, ông nói với chính mình trong thinh lặng, rằng nếu không có bà, làm sao có thể nuôi khôn lớn bầy con? Ông có thể mệt, có thể lười, có thể ham bù khú với bạn bè anh em ở đâu đó. Nhưng bà thì không. Bà không cho mình được mệt, không cho mình được lười, không cho mình được ngồi lâu với bạn bè hàng xóm, ngay cả về ngoại bà cũng ngay ngáy lo, mau về vì còn quần áo, cơm nước, coi sóc bầy con. Không biết 50 năm vợ chồng, có khi nào ông nói lời cảm ơn bà chưa?

Ông rút điện thoại, bấm số của bà. Đầu bên kia, tiếng chuông thong thả đổ. Nói lời cảm ơn qua điện thoại có lẽ dễ hơn. Ông nghĩ vậy!

Theo phụ nữ TPHCM