Bước vào hôn nhân, chị luôn nghĩ vợ phải là người cầm tiền trong nhà. Anh đi làm được bao nhiêu tiền đều đưa hết cho chị. Công việc chị cũng chẳng kiếm được nhiều tiền, đều bỏ vào hết tiền sinh hoạt trong nhà. Nhưng sau 8 năm, vợ chồng không tiết kiệm được đồng nào, chị lại vay bạn bè mấy khoản, tháng nào cũng đau đầu chuyện tiền nong, chị mới chấp nhận rằng mình không biết cách quản lý tiền.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz Freepik

Chị chuyển giao “quyền” lo tài chính gia đình cho anh. Dường như lâu nay anh đều cảm thấy có vấn đề, nhưng vì sợ vợ nghĩ nên không dám nói, nay đã rất vui lòng đồng ý. Sau 2 năm, mọi thứ đều trơn tru. Mối quan hệ vợ chồng tốt hơn. Không những chi tiêu đủ, anh còn tích lũy mỗi tháng được vài triệu đồng để đầu tư chứng khoán. Vợ chồng không còn khó khăn, tiền tiêu dù chưa dư dả nhưng vẫn đủ.

Ấy thế mà, sau một cuộc gặp bạn bè, chị ở tuổi 36, bỗng thấy mình… muốn giàu nhanh. Mấy cô bạn thân kể chuyện tiêu xài, ai cũng có một số vốn để thích tiêu gì là tiêu. Chị nghĩ, làm gì có người đàn bà U40 nào đến nay vẫn không có một quỹ riêng như mình. Và chị quyết định hỏi cô bạn thân nhất - người mà chị vẫn luôn nể phục trong khả năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư.

Sau khi bạn chỉ, chị đọc và bắt đầu tìm hiểu, phân tích về đầu tư ngoại hối. Theo như lời bạn “đây là cách đầu tư sinh lợi nhanh nhất, tất nhiên cũng có rủi ro”. Cô bạn cho chị những lời khuyên và cả lời cổ vũ: “Trước nay bà không quan tâm đến tiền bạc mà nay góp được mỗi tháng 3 triệu đồng để đầu tư là cũng tốt rồi. Cố lên, vì tương lai có chuyến du lịch riêng cho 2 ta”.

Tìm hiểu cách để lập tài khoản, chị lại thấy khó khăn. Vậy là chị nhờ luôn cô bạn: “Nè, bà giữ tiền giùm tôi. Mỗi tháng, tôi sẽ gửi cho bà 3 triệu đồng. Bao giờ bà cảm thấy nên bán thì bảo tôi nhé”. Chị rất vui khi bạn đồng ý giúp. Tất nhiên, đó cũng là cô bạn thân suốt 20 năm nên chị rất yên tâm. Tối về, chị háo hức khoe với chồng về quyết định đầu tư. Chị thao thao bất tuyệt nói về tiềm năng, về kế hoạch tích lũy, dự định chu kỳ sẽ “đạt đỉnh” của mình…

Nhưng khác với kỳ vọng hưởng ứng, chồng chị đi từ ngạc nhiên rồi phản đối: “Anh không đồng ý. Em không có cơ sở nào khi đầu tư như thế. Ai sẽ là người đảm bảo rủi ro? Nếu em đã đầu tư với mong muốn kiếm lời nhanh là em đã sai. Lòng tham sẽ luôn dẫn chúng ta đến thất bại”. Chồng chị nói rất nhiều, phân tích đủ thứ, nhưng tất cả những gì chị tóm gọn lại được là sự phản đối.

“Anh quá ích kỷ!” - chị gào lên rồi bỏ đi. Khi chị vừa đến quán cà phê, đã thấy tin nhắn của anh: “Em nên bình tĩnh suy nghĩ cho kỹ”. Rồi anh liệt kê ra một loạt vấn đề từ thứ nhất, thứ hai, thứ ba… Chị đã tức giận, lại thêm ý định muốn “chứng minh chồng sai”. Chị nói với anh: “Được, nếu anh đã phản đối thì em sẽ rút tiền ra”. Chị “âm mưu” rằng mình sẽ giấu anh để đầu tư, còn chị sẽ không công khai khoản này.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Như lời bạn chị nói: “Cứ dùng kết quả để nói chuyện”. Chị lại mơ về ngày mình có trong tay một khoản tiền và khiến anh hối hận vì đã cản vợ. Tất nhiên, chị biết rủi ro cũng sẽ có, nhưng nếu chị không nói với chồng thì cũng chẳng có vấn đề gì nếu mất trắng cả. Rồi bỗng nhiên, chị lại nghĩ: “Nếu lâu nay chồng cũng giấu mình như cách mình đang muốn giấu chồng, mình sẽ phản ứng ra sao?”. Khi thấy hình ảnh bản thân đang sửng cồ lên để gây chiến, bắt chồng phải dừng lại, phải công khai, đay nghiến và kể tội, chị tự nhiên hiểu.

Thực ra chị có lòng ham muốn làm giàu, đã phản đối cách đầu tư của chồng vì “chắc, nhưng chậm quá”. Chị cũng tin tưởng vào cách chị đang dự định làm, biết rõ cô bạn thân luôn muốn điều tốt cho chị. Nhưng thực tế đã có bao nhiêu trường hợp gia đình tan vỡ chỉ vì vợ hoặc chồng giấu nhau quyết định đầu tư bên ngoài.

Số tiền chị đầu tư không lớn. Chồng chị cũng không ý kiến gì về khoản đó. Tất cả những gì anh nói là việc chị tìm hiểu đang sơ sài và chưa có kiến thức nhiều, chị cũng đi sai với những gì mà vợ chồng từng thống nhất. Anh trước giờ không ngăn chị độc lập tài chính, thậm chí còn khuyến khích chị nên tự mở tài khoản đầu tư và anh sẽ chỉ chị cách để làm, dần có kiến thức, có khả năng tự mình phát triển.

Nghĩ cho kỹ, điều chị muốn hoàn toàn không phải là giàu một mình mà là hạnh phúc cùng nhau. Ít tiền cũng được, nhưng vợ chồng vui vẻ, dễ nói chuyện là được. Chị cũng muốn trả lại anh sự chân thành, bởi đó là điều trước nay thường nhận được từ anh. Chị nói với cô bạn quyết định dừng lại: “Tôi sẽ chỉ đầu tư khi có sự đồng ý của chồng”. Bạn cũng cười, bảo: “Bà nghĩ thế cũng đúng. Vợ chồng tôi cũng có nhiều mâu thuẫn trong chuyện đầu tư lắm nên tôi thấy cởi mở với nhau từ đầu là ít rủi ro nhất”.

Về nhà, chị nói ra tất cả những suy nghĩ của mình với chồng. Chị biết mình đã đúng khi anh nói: “Cảm ơn em vì đã tin tưởng anh”. Cái cảm giác tựa đầu vào chồng và cả hai hoàn toàn thoải mái với nhau như lúc này mới là điều chị luôn mong muốn.

Theo phụ nữ TPHCM