Đó là một đêm cận tết. Tôi về nhà trên chuyến tàu cuối. Cô sinh viên năm nhất mang trong mình nỗi háo hức của bao sự khởi đầu mà một trong số đó chính là cái ôm đầu tiên giữa 2 dì cháu. Thằng bé vừa tròn 3 tháng, mở miệng ngáp dài giữa vòng tay. Chị bảo thằng bé sợ người lạ, vậy mà chịu cho dì bế ngay tức khắc. Từ cái ôm, dì cháu tôi đã mở ra hành trình cùng nhau trưởng thành dài cả 1 thập niên.

Làm “mẹ” thay chị

Chị đi làm xa, gửi con lại nhà ngoại. Vậy là những tháng hè hay nghỉ lễ của tôi đều dành trọn cho thằng bé. Từ một đứa con út chưa từng ẵm bế trẻ con, tôi học cách ru cháu ngủ, cho cháu ăn và vô số việc tã sữa. Những lóng ngóng ban đầu khi thay tã cho cháu dần thay bằng cái tựa đầu lên vai đầy ỷ lại của thằng bé.

Bước đi loạng choạng đầu đời của bé luôn có đôi tay đỡ sau của tôi. Chúng tôi cứ thế chập chững cùng lớn lên trong những va đập, lỡ sai thì sửa lại cho đúng. Nhìn đôi mắt ầng ậc nước của con mỗi lần tiễn tôi lên xe đi học, tôi biết chúng tôi đã nối chung sợi dây gắn kết gọi là tình thân. Bao mệt mỏi vì thức chăm trẻ nhỏ, trong khoảnh khắc chia xa, trở nên thật đáng giá.

Dì cháu tôi gắn bó, yêu thương nhau trong suốt nhiều năm - Ảnh do nhân vật cung cấp
Dì cháu tôi gắn bó, yêu thương nhau trong suốt nhiều năm - Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Thằng bé tới tuổi đi học. Mẹ cháu vẫn oằn lưng mưu sinh nơi xa. Sự đồng hành cùng con của chị ấy như bị xẻ làm hai nửa. Dù có dì kề cận, nhưng trong những cuộc gọi đường dài, tôi vẫn kịp bắt gặp sự nhớ mẹ vô hạn trong mắt đứa bé. Máu chảy ruột mềm, mọi đứa trẻ đều khát khao được có mẹ cạnh bên.

Cháu hiểu chuyện và trưởng thành đến xót xa. Chẳng bao giờ cháu đòi ba mẹ hay mè nheo bắt mua một món đồ đã bị dì từ chối trước đó. Cháu sợ tới phát khóc mỗi lần biết dì bệnh, hệt như lúc tôi chảy nước mắt vì thấy cháu bị nứt xương phải bó bột, những hôm thức chăm cháu vì mọc răng lên cơn sốt hay lúc cháu bị cảm cứ ho suốt cả đêm.

Thằng bé ngoan, nhưng cũng có những lần nghịch ngợm đúng lứa tuổi. Tôi còn trẻ, lắm lúc chẳng tránh khỏi việc nóng tính rồi rầy la. Thế rồi, chỉ cần nhìn cái miệng bĩu ra không dám khóc, thấy cái kéo tay xin lỗi đầy thấp thỏm của thằng nhỏ là tôi lại chẳng đành lòng. Chúng tôi ôm nhau thủ thỉ những câu cảm ơn và xin lỗi. Rồi gập ghềnh trưởng thành và hoàn thiện mình trở nên tốt hơn.

Hy sinh hạnh phúc riêng

Chọn ở bên cháu trong phần lớn thời gian, sự ưu tiên của tôi đã lệch hẳn trong cán cân hạnh phúc. Cháu lớn dần, tôi cũng gần 30 tuổi, chẳng có mảnh tình vắt vai hay có ai ngỏ ý tìm hiểu. Họ thấy tôi nặng gánh gia đình, rồi sợ vai mình chẳng đủ vững để cùng tôi san sẻ. Nói không tủi thân là nói dối, nhưng cuộc đời luôn là những lựa chọn. Nhìn nụ cười của cháu, tôi lại thấy tim mình mềm mại đôi phần.

Nhớ có hôm thằng bé bị sốt. Thuốc cảm khiến cháu ngủ mê mang. Vậy mà nghe tiếng dì kéo cửa chuẩn bị đi làm, cháu liền lọ mọ ra cổng để tiễn. Cháu ngồi trên ghế đá trước sân, mũi sụt sịt đổ nước, tay không quên vẫy chào: “Long nhớ Út lắm. Út sớm về với Long nhen” mà mắt đỏ hoe. Dì cháu bịn rịn suýt trễ giờ.

Cháu lên lớp Năm, trong 1 mùa hè bỗng cao kều. Đứa trẻ ngày nào còn ẵm trên tay, nay đã trở thành cậu nhóc kháu khỉnh. Thằng bé thường phụ tôi làm việc nhà, rồi vỗ ngực bảo từ giờ sẽ bảo vệ dì Út. Nó nói với tư cách là người đàn ông duy nhất trong nhà, sẽ chẳng để bà, mẹ hay dì bị bắt nạt.

Nói xong nó cười toe, lộ mấy cái răng vừa thay còn mọc lởm chởm. Tôi bật cười vì sự lém lỉnh của cháu, nhưng trong mắt lại đầy xúc động. Tình thương trao đi và nhận lại của chúng tôi đều là vô giá.

Thời gian này, chị tôi đã sắp xếp được công việc sau ngần ấy năm chạy đi, chạy về. Chị ở nhà nhiều hơn, việc đưa đón cháu đi học cũng chuyển cho chị. Khỏi phải nói thằng bé vui cỡ nào. Nó ríu rít cả ngày và cũng hiểu chuyện hơn mỗi ngày. Đứa trẻ có mẹ yêu thương là đứa trẻ có tuổi thơ hạnh phúc.

Nhìn 2 mẹ con tíu tít cười đùa, tôi nghĩ đã đến lúc mình có thể đi tìm một nửa ấm áp. Tôi cũng sẽ có những đứa trẻ đáng yêu. Qua những kinh nghiệm cùng lớn lên với cháu, tôi mong mình sẽ là một người mẹ đủ thấu hiểu và hiện đại để làm bạn cùng con.

Theo phụ nữ TPHCM