Tết, chộn rộn được vài ngày rồi mỗi người mỗi ngả. Mới mùng Một, má vừa múc tô canh khổ qua chay cúng ông bà vừa nói: “Tụi bây về ào ào mấy ngày rồi đi hết. Vợ chồng thằng Nhân tối mùng Hai lên Đắk Lắk để tưới sầu riêng, thằng Phúc thì mùng Bốn vô Sài Gòn đi làm, vợ chồng con Út thì trưa mùng Bốn cũng lên Gia Lai để kịp bốc hàng khai trương”. Giọng má rầu rầu, nghe vừa thương vừa tội.
Trước tết, má gọi điện hết đứa này đến đứa kia để hỏi ngày về. Đứa này chưa xong chuyến hàng, đứa kia chờ ngày tốt chạy xuất hành đầu năm mới về má… Thành ra, về tết cũng lọt chọt người trước người sau. Rồi 3 ngày tết sum vầy, má chưa kịp ngơi tay ngơi chân nghỉ mệt lại lo gói ghém đồ đạc cho con quay lại cuộc sống thường nhật.
|
|
Má của tác giả luôn tự tay gói bánh tét đón con cháu về ăn tết |
Có năm, ăn tết xong, vừa đặt chân đến bến xe Miền Đông, gọi điện về cho má mới biết tối qua má mệt nên đang nằm truyền nước biển. Bữa đó, nhà chỉ còn lại má với ba, con cháu đều tứ tán lo học hành, buôn bán, làm ăn. Lúc con cháu đầy đủ ở nhà, má luôn tay lo bữa sáng, bữa trưa, bữa chiều, bữa tối; rồi mâm cúng tổ tiên ngày tết, cúng rước cúng đưa… Đến lúc má được tạm ngơi tay thì bầy con cháu đi hết, để lại “bãi chiến trường” hậu tết, mình má dọn dẹp.
Bởi vậy, năm ngoái, thấy công việc không quá gấp, tôi xin nghỉ thêm để nán lại vài ngày phụ má dọn dẹp, cất lại mớ chén dĩa chỉ được dùng vào ngày tết. Tôi quét lại sân trước, hè sau đâu đó lẫn lon bia, lon nước ngọt hay bịch bánh mứt tụi cháu ăn vứt vãi. Tôi đổ bớt những bình hoa cắm tết đã bắt đầu tàn, xếp mớ bàn ghế về chỗ cũ. Những chuyện đó, hầu như năm nào cũng chỉ có ba với má làm, vì con cháu chẳng còn đứa nào ở lại.
Hồi con bé thứ hai của tôi còn nhỏ, con hay bị sốt co giật nên thường xuyên nhập viện. Mỗi lần vậy, hầu như chỉ có má đến với mẹ con tôi ở bệnh viện. Má chăm con tôi đến lúc bé hết bệnh, xuất viện. Má luôn là người ở lại sau cùng để dọn “tàn tích” của những cuộc vui. Má âm thầm, lặng lẽ như thể trời sinh ra má để làm những việc như thế. Lúc cần, má luôn xuất hiện đầu tiên và ở lại sau cùng với chị em tôi. Má là vậy - không phải bà tiên nhưng luôn có mặt. Nhưng ngược lại, người ở lại sau cùng với má, thường chỉ có ba hoặc chỉ riêng mình má.
Năm nay, vì ba lỡ mua vé xe vào Sài Gòn mùng Bảy nên nhà hầu như đi hết. Anh trai thấy vậy mới bàn với chị dâu: “Hay mình đổi kế hoạch, mùng Chín mới đi, ở lại với mẹ thêm vài ngày”. Vậy là, tôi yên tâm phần nào để vào Sài Gòn trước, vì chắc còn có gia đình anh trai ở lại với má. Nói vậy chứ, chỉ ai ở lại mới hiểu cảm giác hụt hẫng, nỗi buồn của người ở lại nhà.
Mới hôm qua, hôm kia đây thôi, con cháu về đầy nhà, đứa ăn đứa ngủ, đứa đùa giỡn, đứa hát karaoke; trong nhà, ngoài sân đều có tiếng nói cười rôm rả, vậy mà nay mọi người đi hết, mới mùng Năm, mùng Sáu tết mà má đã đóng cửa, tắt đèn, trở về những chuỗi ngày sống bình thường.
Nằm võng, má gọi điện hỏi thăm đứa này vô tới nơi chưa, đứa kia đã mở hàng khai trương chưa hay còn nghỉ mệt… Rồi thì mình má thui thủi làm bạn với chiếc ti vi, khóc cười với mấy diễn viên trong vở cải lương hay bộ phim nhiều tập. Rồi thì má phải đợi thêm gần 360 ngày nữa mới lại được bận rộn với cháu con, mới lại được sống trong bầu không khí nhộn nhịp ồn ào 3 ngày tết.
Tôi thường về sớm với má và thường ở lại trễ hơn anh chị một chút, vì tôi hiểu cảm giác của má những ngày này. Năm nào cũng vậy, khi quay lại thành phố làm việc, tôi cũng hay nhớ cái giọng rầu rầu của má: “Tết, tụi bây về ào ào mấy bữa rồi đi”.
Theo phụ nữ TPHCM