Hồi đó, 2 anh em tôi đang tuổi đi học, ba bị bệnh tim nên mẹ tôi phải lo hết những gánh nặng nhất.

Nhà tôi có mảnh vườn trồng chôm chôm và một trại heo nhỏ, ngày nào mẹ cũng tự lái xe máy cày vào vườn trại. Cả vùng, chắc chỉ có mỗi mẹ tôi làm được như thế. Vác vòi nước nặng hơn 20kg tưới từng bồn cây khắp vườn, chặt cành, phát cỏ, vác bao đất, bao phân bón, dọn dẹp chuồng trại, xay cám, trộn cám, đỡ heo đẻ… một tay mẹ làm hết. Đến nỗi bác hàng xóm vườn kế bên ngả mũ trước mẹ: “Phụ nữ gì mà làm việc còn hơn đàn ông".

leftcenterrightdel
 Suốt một đời làm lụng vất vả, mẹ chỉ mong bố con tôi an nhàn. Ảnh minh họa: Freepik

Ở nhà cũng vậy, mẹ không có chút đặc cách gì cho mình. Tiết kiệm, mẹ chẳng dùng xà bông, dầu gội dành riêng cho phụ nữ mà dùng chung loại cho nam. Tóc mẹ cắt tém để khỏi mất công chăm chút chải chuốt. Ai vào nhà cũng khó phân biệt đâu là quần áo, giày dép của mẹ vì toàn quần short áo thun tối màu và dép lê. Mẹ bảo mặc vậy cho nhanh, có vào vườn trại không phải thay ra thay vào mất thời gian.

Còn nhớ có lần cả nhà đang ăn cơm thì có con rắn từ ngoài bò vào nhà. Ba bố con tôi tá hỏa phóng lên ghế, lên giường. Mẹ thì bình tĩnh xuống nhà lấy cây gậy, tìm bắt rồi đập đầu con rắn. Hàng xóm chạy sang cứu trợ thì mẹ đã khua khua tay ý bảo đã giải quyết xong rồi trước sự trầm trồ của mọi người.

Ngày biết tin mẹ bị ung thư tuyến mật, 3 bố con tôi ngồi khóc, chỉ mẹ là tỉnh rụi. Bác sĩ bảo thời gian không còn nhiều nên thay vì ủ rũ, mẹ làm việc và toan tính nhiều hơn. Mẹ bàn với ba bán vườn chôm chôm và trại heo, mua căn nhà ở Sài Gòn cho hai anh em tôi đi học và cho thuê. Số tiền mẹ để dành nhiều năm trời đủ để cho ba sống thoải mái tới già mà không cần vất vả đi làm.

Thật đau lòng khi hình ảnh nữ tính nhất còn lại chính là di ảnh của mẹ. Mẹ mặc váy, mặt trang điểm, đội tóc giả dài chấm ngang vai thật đẹp. Chúng tôi ước gì được ngắm nhìn mẹ trong hình dáng như vậy hằng ngày.

Ba đi bước nữa. Dì là người khác hẳn mẹ. 2 anh em tôi lên Sài Gòn đi học và đi làm chỉ lâu lâu mới về thăm nhà. Mỗi lần về lại thấy dì đon đả chợ búa, cơm nước, bánh trái. Thật lạ lẫm khi thấy trong phòng có thêm chiếc bàn trang điểm với những lọ kem dưỡng da, nước hoa, son phấn. Tủ quần áo chia hẳn bên ba, bên dì với những chiếc áo dài nhiều màu sắc, những bộ váy, những chiếc giỏ xách, những đôi giày… những thứ trước đây chúng tôi chẳng hề thấy. Hàng xóm đàm tiếu “cô đen làm vất vả để cho cô trắng hưởng".

Ba chẳng làm gì có lỗi với mẹ. Dì cũng chẳng làm gì sai. Anh em tôi chỉ biết thương mẹ vì chẳng ngày nào mẹ xem mình là phụ nữ. Sau cùng, đàn ông chỉ muốn lấy vợ là… đàn bà mà thôi.

Theo phụ nữ TPHCM