Tôi ở với ba mẹ chồng đã nhiều năm. Cuộc sống chung nhìn chung là yên ổn, tuy cũng có lúc quan điểm 2 thế hệ khác nhau, nhưng tôi luôn nghĩ ba mẹ chồng cơ bản là người thương con thương cháu. Hơn nữa, tôi còn rất nể chồng, bởi anh đối xử với ba mẹ vợ hiếu thuận. Vậy nên tôi luôn khắc ghi trong lòng câu “lựa mà sống”...
Tôi chỉ ấm ức từ khi cậu Thanh - em trai chồng cưới vợ. Vợ chồng em ở thành phố, thỉnh thoảng mới về quê. Em dâu tôi nhanh nhẹn, mau mồm mau miệng nên được mẹ chồng tôi ưu ái ra mặt.
Mẹ chồng tôi hay khoe được em dâu mua cho khi thì cái khăn, khi thì cái áo. Có khi là một chiếc vòng cổ thật đẹp… Tôi hiểu đó cũng là tâm lý thông thường của người già, nhưng không khỏi chạnh lòng vì đâu phải tôi không mua biếu mẹ thứ gì. Một lần giận chồng tôi, mẹ nói vợ chồng tôi không bằng vợ chồng em trai. “Nó ở xa mà biết qua tâm lo lắng cho ba mẹ hơn”.
Khi đó chồng tôi cự lại: “Vậy mỗi khi trái gió trở trời ai đấm bóp, nấu cháo cho mẹ. Khi mẹ nằm viện, vợ con nghỉ việc để chăm mẹ sao mẹ không thấy? Cô ấy cũng mua sắm bao thứ cho gia đình, mẹ có tính không?”...
Tôi đứng ngoài nghe mà ứa nước mắt. Những lời của chồng khiến tôi phần nào thấy mình đỡ tủi thân, vì ít nhất mình được chồng hiểu và thương.
Tuy mẹ hay so sánh dâu trưởng dâu thứ, nhưng mối quan hệ của tôi với em dâu bình thường. Tôi nghĩ mình là chị, hơn nữa em ở xa nên những lần vợ chồng em về tôi luôn lấy chân tình mà đối đãi. Và mỗi lần em về hay tiện chuyến xe lên phố, tôi đều chuẩn bị chu đáo đồ gửi cho em chút “quà quê”. Tôi hiểu ở phố không thiếu thứ gì, nhưng nhận được chút chút ở quê gửi ra hẳn các em cũng thấy mình được ba mẹ anh chị quan tâm mà ấm lòng.
Lần này nhà tôi có đám giỗ, ba chồng tôi muốn tất cả anh em trong nhà tụ hội gặp gỡ sau những ngày vất vả, khó khăn. Ba nói: “Bà và vợ chồng bây chịu khó chút, chứ vợ chồng thằng út chắc chắn tới bữa nó vác thân về ăn thôi”. Mẹ nghe vậy liền cự ba, bởi mẹ luôn bênh vợ chồng con trai út, bà không dễ nghe ai chê
Chồng tôi không muốn ba mẹ bất hoà nên lên tiếng can. Tôi thì nghĩ ba chồng tôi nóng tính nhưng ông hiểu chuyện và công bằng. Để đám giỗ chu toàn, vợ chồng tôi đều xin nghỉ làm, tất bật chuẩn bị, dù công việc cuối năm của cả 2 rất bận.
Sát ngày giỗ, Thanh gọi điện cho mẹ, nói rằng đúng ngày đám giỗ mới về, vì công ty vợ Thanh không cho nghỉ sớm. Ba chồng tôi nghe cuộc điện thoại mở tiếng của Thanh và mẹ thì quay qua nói với vợ chồng tôi: “Đó, bây thấy ba nói đúng không?”.
Tôi cười trừ rồi đi lo việc của mình. Tôi đâu tính thiệt hơn. Nhà nào có công chuyện cũng cần dâu con xắn tay lo giỗ chạp, chứ không phải ngồi so đo nhau. Tôi hiểu trách nhiệm của mình lớn hơn vì đang ở với ông bà. Chỉ là, giá như mẹ đừng nói mấy lời dễ làm tôi tủi thân. Cũng may ở quê, các bà các thím, các em xúm tay vào giúp, vui vẻ tình nghĩa, tôi không phải làm gì một mình.
Tình cờ khi cỗ bàn đang lu bu, một em họ tôi chạy xe vào sân rổn rảng: “Trời, làm người thành phố sướng nha! Bác Năm vừa kể với con gặp vợ chồng anh Thanh ăn sáng rồi nhẩn nha cà phê đầu thị trấn đó. Bác hỏi sao không về sớm, ổng nói ổng trốn vì sớm hay muộn cũng có biết làm gì đâu”.
Mẹ chồng tôi hơi khựng lại. Mấy bà, mấy thím trong bếp nhìn tôi. Tôi cười: “Thì cũng xong thật rồi mà”. Không khí đỡ ngượng nghịu hơn, tôi nháy mắt cậu em họ: “Đừng nói gì nữa, mẹ chị buồn”...
Theo phụ nữ TPHCM