Dù công việc bận rộn, chị Nguyễn Ngọc Hà (37 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) vẫn thường dắt con đi khám phá khắp nơi. Con được nghỉ học ít ngày thì đi chơi gần, nghỉ nhiều ngày thì đi chơi xa. Theo chị, các con sẽ lớn lên rất nhanh, những giây phút yêu thương, những ký ức đẹp sẽ theo con mãi mãi. Chị muốn làm đầy những trải nghiệm đó cho 2 cậu con trai Măng (10 tuổi) và Mía (7 tuổi).

Mẹ là “la bàn”, con là “thủ lĩnh”

Khi sinh Mía, chị Hà cũng nghỉ công việc văn phòng để có nhiều thời gian hơn bên các con và theo đuổi sự nghiệp tự do. Các con còn nhỏ, chị chủ động tìm hiểu và áp dụng cho con những nếp sinh hoạt khoa học liên quan đến luyện ăn, luyện ngủ. Các con lớn hơn, chị chú trọng nhiều hơn đến việc trải nghiệm, tự lập.

leftcenterrightdel
 Mẹ là tài xế cho 2 khách du lịch không biết mỏi mệt

Ấp ủ một chuyến đi xuyên Việt cùng các con từ rất lâu, nhưng đến cuối tháng 7/2023, chị Hà mới có thể thực hiện. Chị xác định mình sẽ như chiếc “la bàn”, tìm hiểu và lên lịch trình chuyến đi, những nơi sẽ lưu trú, đi chơi; nhưng các con sẽ là “thủ lĩnh” trong chuyện quyết định khám phá bằng cách nào - như để con sắp xếp đồ đạc, chọn món, tính toán tiền chi tiêu cho bản thân…

Chị chia sẻ: “Tôi chỉ giống như một người lớn, biết lái xe và đồng hành cùng các con thôi; còn những chuyện khác, tôi coi lựa chọn của con quan trọng ngang với mẹ. Chúng tôi sẽ cùng thảo luận để đi đến các quyết định cuối cùng”.

Trước khi đi, chị Hà đã tìm kiếm sẵn các nơi lưu trú, ăn uống, nhưng gần đến nơi mới đặt phòng để tránh thay đổi. Với kinh nghiệm lái xe hơi từ cách đây 14 năm, chị Hà khá tự tin vào khả năng chinh phục các cung đường trên dải đất hình chữ S. Dù phụ nữ lái xe sẽ có những vấn đề khó khăn hơn nam giới, như trong việc xử lý sự cố, nhưng theo chị Hà thì “chuyện gì cũng sẽ có cách giải quyết”.

Nhờ một kế hoạch kỹ lưỡng và tâm thế ưu tiên trải nghiệm, 3 mẹ con chị Hà đã hoàn thành hành trình 3.700km trong 21 ngày. Cung đường mẹ con chị đã đi qua: Hà Nội - Phong Nha - Hội An - Măng Đen - Kon Tum - Đắk Lắk - Tuy Hòa - Quy Nhơn - Đà Nẵng - Huế - Đồng Hới - Hà Nội.

“Chúng tôi dừng chân trải nghiệm nhiều tại các tỉnh Tây Nguyên như ở Măng Đen 3 đêm, ở Đắk Lắk 4 đêm, những nơi còn lại ở 1 đêm. Ngày đầu và ngày cuối, tôi chạy 500km/ngày, còn những ngày khác chạy ít hơn. Kết thúc hành trình, tôi tự tin rằng mẹ con tôi là một đội ăn ý, có thể kết hợp trong rất nhiều “dự án” sau” - chị Hà vui vẻ kể thêm.

Trước chuyến đi xuyên Việt, 3 mẹ con chị Hà cũng đã từng đến rất nhiều nơi khác, đủ 3 miền Bắc - Trung - Nam. Như chuyến đi cắm trại xuyên đêm ở Ba Vì, tắm khoáng nước suối Kim Bôi, đi 10 tỉnh miền Tây vào năm 2018 (chuyến đi cùng ba, khi đó vợ chồng chị Hà chưa ly hôn)…

Trở về Hà Nội sau cung đường dài, mẹ con chị Hà lại đi lên Tây Bắc - qua Lạng Sơn, Yên Bái, Mù Căng Chải… Mỗi cuối tuần, chị đều ưu tiên cho các con đi gần hoặc xa tùy vào thống nhất của cả nhà. Măng, Mía luôn rất hào hứng trước những chuyến đi. Các cháu luôn chủ động tìm hiểu thông tin, sắp xếp đồ đạc, đọc sách để tìm hiểu về địa điểm và trò chuyện cùng mẹ.

Đi đến đâu, chị Hà cũng ưu tiên cho các con trải nghiệm những điều thú vị. Ví dụ khi đến Tây Nguyên, chị cho các con đi thăm nhà yến, xem chế biến yến sào, thăm vườn và hái ca cao, rồi thăm trại thỏ, trại chó cảnh, thăm công ty xuất nhập khẩu sầu riêng, xưởng trà mãng cầu… Lên vùng Tây Bắc, các bạn nhỏ được hái na, nhặt hạt dẻ.

Đến những nơi có thác, có suối, chị lại cho các con leo thác, tắm suối. Hay các bạn nhỏ được đi lấy mật ong ở giữa đèo từ biển Lộ Diêu tới biển Hoài Hải. “Lúc đó 19 giờ và trời tối rồi, các bạn nhỏ vào thăm một trại ong hơn 400 tổ và được ăn sáp ong, thích lắm” - chị Hà chia sẻ. Ở từng nơi đặt chân, các bạn cũng thưởng thức những món ăn đặc sản, reo lên khi thấy một địa danh nào đó thật giống với trang sách mình đã đọc qua.

leftcenterrightdel
 

“Gốc của mình là bản thân và con cái”

Một tối, trước khi đi ngủ, chị Hà hỏi về 3 niềm vui mỗi ngày của con, Mía (7 tuổi) trả lời: “Con vui vì hôm nay mẹ đón con sớm”. Đó là khi chị Hà nhận ra mình đã thay đổi rất nhiều trong sự nghiệp làm mẹ. Trước đây, chị làm ngành truyền thông hay làm ngân hàng thì đều về nhà vào lúc 18 giờ, luôn đón con rất muộn. Nhưng đến bây giờ, khi chú trọng việc ở bên cạnh dạy dỗ, chăm sóc con cái, chị ngày càng thấy hạnh phúc hơn.

“Công việc của tôi tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư, hầu hết đều lớn tuổi - 60, 70 tuổi. Có người nói với tôi: “30 năm, tôi thuê giúp việc, con cái ở cùng giúp việc nhiều hơn cha mẹ, đến khi nhìn lại thì con đã lớn, cha mẹ đã già”. Cũng có một cô đưa ra lời khuyên mà tôi rất tâm đắc: “Phải biết được cái gốc của mình con ạ. Gốc của mình là bản thân và con cái. Đầu tư cho con cái chỉ có hòa chứ không bao giờ lỗ. Nhưng việc đầu tư không được phép kỳ vọng, vì kỳ vọng là áp lực. Con nghĩ đơn giản thế này này, khi con đã cho con cái những gì tốt nhất trong khả năng của mình, cũng như con xây cho các bạn một cái móng vững. Sau này, con của con lớn khôn, ra ngoài xã hội, chẳng may con có không thành công thì là do phận của nó. Bậc làm cha làm mẹ đã cố gắng hết sức thì không còn gì phải hổ thẹn với lòng mình” - chị Hà chia sẻ.

Ý thức về “cái gốc” của mình, chị Hà luôn ưu tiên dành nhiều thời gian cho con lúc con còn nhỏ. Với chị, đó là giai đoạn hình thành nhân cách của trẻ rõ nét nhất. Chị muốn cùng con đi trải nghiệm những cung đường, nhìn ngắm vẻ đẹp của đất nước để chúng biết đất nước rộng lớn, đẹp đẽ và đáng sống. Mỗi vùng miền sẽ có những đặc trưng khác nhau mà chỉ có thể bước ra ngoài trải nghiệm mới hiểu được.

2 cậu bé Măng và Mía cứ lớn dần lên qua những chuyến đi. Không chỉ rắn rỏi, khỏe mạnh hơn, các bạn còn tích lũy được rất nhiều kiến thức và kỹ năng sống. Những chuyến đi của mẹ con chị Hà vẫn chưa dừng lại. Bà mẹ 2 con đùa rằng “chừng nào còn sức thì còn đi”, vì càng đi càng thấy bản thân được tiếp thêm năng lượng để nuôi dạy các con lớn khôn.

leftcenterrightdel
 Chị Hà và 2 con trai háo hức với các chuyến đi lên rừng, xuống biển và thưởng thức những đặc sản địa phương

Chị Hà cũng là một phụ nữ có tư duy rất cởi mở. Chị không ngại thừa nhận mình đã ly hôn hay là một bà mẹ đơn thân đang nuôi con, bởi vợ chồng chị ly hôn trong văn minh. Chồng chị dù ở Sài Gòn vẫn đảm bảo các nghĩa vụ của người cha. Còn chị sẽ lo lắng việc nuôi dạy con cái. Chị bộc bạch: “Vợ chồng tôi mất kết nối nên ly hôn. Nhưng các con tôi vẫn luôn biết rõ ba mẹ không chung sống với nhau thôi chứ con vẫn còn cả ba, cả mẹ”.

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho những người mẹ một mình nuôi con đang e dè, mất tự tin, chị Hà chia sẻ: “Tôi chỉ muốn nói với những bà mẹ đơn thân rằng, hôn nhân thất bại không phải là cái kết. Đừng ngồi oán trách số phận và để mặc cho những đứa trẻ lớn lên trong thiếu thốn tình thương hay hận thù.

Ly hôn chỉ là điểm bắt đầu của một hành trình khác trong việc nuôi dạy con cái và sống cho chính mình. Hãy bước ra ngoài, bạn sẽ thấy cả một vùng trời rộng lớn đang chờ được trải nghiệm và khám phá”.

Mới đây nhất, chị Hà lại cùng các con có thêm một trải nghiệm: Leo núi Hàm Lợn (Sóc Sơn - nóc nhà của thủ đô). Mất 6 tiếng để leo hết cung đường 8,5km, 3 mẹ con về nhà lại nhắc nhau những bài học về thể lực, phân bổ đồ ăn, tinh thần đoàn kết và tiếp tục lên kế hoạch vươn tới những vùng trời tiếp theo…

Theo phụ nữ TPHCM