Lúc má tôi đột ngột qua đời, hàng xóm có người ác miệng nói: “Cây cột cái gãy rồi, cha thì đau ốm liên miên, 6 chị em nó có ngày ra đường ăn xin”. Vì câu nói đó chị Hai nén đau buồn, gượng dậy làm lụng để cả nhà không đói khổ.

Năm đó chị Hai mới 15 tuổi nhưng đảm đang như một bà mẹ nhỏ. Việc cày cấy, đào mương, mò cua bắt ốc, cả việc lợp mái nhà chị cũng không từ nan. Đi làm đồng, chị xách cơm theo để không mất thời gian về nhà. Tối muộn, chị còn soi đèn bắt sâu, giặm lúa. Tiền thuốc cho ba, tiền gạo, tiền sách vở áo quần của 5 đứa em là gánh nặng quá lớn nên chị không dám ngơi tay phút giây nào.

leftcenterrightdel
 Chị Hai tôi (bìa trái) chụp ảnh cùng chị dâu thứ Tư trong lần sang Pháp du lịch (ảnh tác giả cung cấp)

Ba lần lượt gả chị thứ Ba, rồi tới chị thứ Năm đi lấy chồng, chị Hai vẫn ở vậy để gánh gồng cả nhà. Chị 35 tuổi - ở quê, tuổi đó là ế nhệ rồi - ba hối thúc quá chị mới chịu lấy chồng. Không có cô dâu nào trong ngày cưới phải tự lo trang hoàng nhà cửa, mượn bàn ghế chén bát, tự đi chợ nấu nướng để đãi khách. Nhà trai tới rước dâu, chị chỉ kịp rửa mặt rồi thay chiếc áo dài. Chỉ vậy là lên ghe về nhà chồng.

Chị sinh liền 2 đứa con. Nhà chồng chị nghèo nên chị càng nặng gánh. Mấy lần chị về nhà, mở vun nồi chỉ thấy cháo lỏng bỏng. Chị khóc với ba: “Phải chi con không đi lấy chồng”.

Năm 1994, vợ chồng chị xuất cảnh sang Mỹ theo diện HO. Ba đã mất mấy năm trước nên chỉ có mấy chị em tiễn chị ra sân bay. Tôi không nói ra thôi nhưng lòng thấp thỏm lo. Chị mới học hết lớp 5, tiếng Anh một chữ bẻ đôi không biết, nghề nghiệp cũng không. Nơi xứ lạ quê người, chị hoà nhập kiểu gì? Lựa chọn ra đi, với chị không khác nào đánh cược với số phận. Cũng vì lo cho chị mà cái ôm ngày tiễn biệt qoặn thắt nhiều nỗi niềm…

Nơi xứ người chị làm quen với những mùa đông tuyết trắng, làm quen với việc đi lại bằng xe bus, làm quen với việc muốn gì cũng phải vận dụng mồm miệng chân tay thay lời…

Chị làm công việc đóng gói cho công ty sản xuất mỹ phẩm. Để hoà nhập, chị học tiếng Anh bằng cách lắng nghe, hỏi đi hỏi lại từ đó, câu đó nói làm sao. Chị viết mấy câu đàm thoại ra giấy, dán xung quanh bếp, giường nằm, cả chỗ chị ngồi làm việc. Đi phụ bếp ở tiệm ăn, chị tranh thủ giao tiếp với người bản xứ để học nghe và nói. Dần dần, chị đã nghe và nói được tiếng Anh bồi khá tốt.

Nói được rồi thì chị tập đọc, tập viết để thi lấy quốc tịch Mỹ. Rồi chị thi lấy bằng làm nail, bằng lái xe… Chị kể bữa thi lấy bằng lái xe, chị rất hồi hộp. Tới cuối đường, nhìn chỗ đỗ xe rất hẹp, chị run trong bụng. May là chị đỗ xe trót lọt. Người sát hạch hỏi chị có biết toà nhà bên kia không. Chị biết đó là Sở Cảnh sát, liền nói: “Đó là Sở Cảnh sát, để bắt tội phạm, bắt mấy người lái xe không đúng luật. Tôi sẽ tuân thủ luật giao thông để không bị bắt vào đó”. Người sát hạch thấy chị nói chuyện có duyên, liền chấm cho chị đậu.

Nhờ cố gắng và hoà nhập tốt mà vợ chồng chị mua được nhà, xe, mua cả tiệm nail cho con trai chị làm chủ. Hàng tháng chị dành ra ít tiền, tích góp dần để gửi về Việt Nam cho các em. Đứa cất nhà, đứa mua xe, nuôi con học đại học… đều nhận được những đồng tiền mồ hôi nước mắt của vợ chồng chị.

3 năm trước, chị sang Đức nhân dịp anh Tư của tôi gả con gái. Vợ chồng anh Tư đưa chị sang Pháp, Hà Lan để du lịch. Gặp người nước ngoài, chị giao tiếp bằng tiếng Anh thông thạo. Trước giờ chị không kể về mình, giấu hết những bất trắc khó khăn. Giờ thấy chị tự tin và bản lĩnh, anh Tư rất ngạc nhiên và khâm phục. Anh Tư nói với vợ: “Anh tốt nghiệp đại học mà không bằng chị Hai mới học hết lớp 5”.

Trong nhà chị Hai học hành ít nhất, nhưng chị đã vượt qua giới hạn bản thân, cố gắng học hỏi không ngừng để không tụt hậu, để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Tôi vẫn thường dạy các con: “Không có gì là không thể, cũng không có giới hạn nào không thể vượt qua, chỉ cần cố gắng và cố gắng không ngừng. Dì Hai của các con là một ví dụ”.

Anh Tư có lần nói: “Anh em mình nợ chị Hai lời cảm ơn và xin lỗi. Cảm ơn vì chị đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để nuôi dạy các em. Xin lỗi vì đã để chị cực khổ quá nhiều”. Với chị em tôi, chị Hai là người phụ nữ tài giỏi, kiên cường. Chị luôn nhận lấy thiệt thòi về mình, luôn cố gắng không ngừng để hoàn thiện bản thân. Cả nhà yêu thương và nể phục chị.

Theo phụ nữ TPHCM