Hơn trăm năm nay, hầm than là nghề truyền thống của nhiều gia đình ở huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Thời hoàng kim, 2 huyện có hàng ngàn lò than cháy suốt ngày đêm cung ứng cho thị trường.

Dù công việc nặng nề, chỉ hợp với đàn ông sức dài vai rộng, nhưng để con có tiền ăn học, nhiều phụ nữ đất mũi chấp nhận “làm thân” với khói bụi, nhọc nhằn.

“Vàng đen” nuôi cả gia đình

Nghề hầm than đước xuất hiện ở vùng Cà Mau từ khoảng năm 1900. Trải qua nhiều thăng trầm, dù thịnh hay suy thì công việc của người hầm than vẫn thế, vẫn nhiều nỗi cơ cực, lấm lem.

Bà Liễu Thị Phượng (69 tuổi, xã Tam Giang, huyện Năm Căn) “ngán” nhất lúc chui vào lò lấy “than chín” ra. Trong hầm lò ít không khí lưu thông nên ngột ngạt, bà phải hít thở khói bụi mịt mù.

Bà Lê Thị Tuyết kiếm được 200.000 đồng/ngày từ công việc vác củi cho hầm than
Bà Lê Thị Tuyết kiếm được 200.000 đồng/ngày từ công việc vác củi cho hầm than

 

Bà Phượng nói: “Người không quen vô là ho sặc sụa liền. Tụi tui cũng mặc đồ bảo hộ dày cộm, đeo khẩu trang kín mít, nhưng không ăn thua. Bụi than cứ xông vào mắt mũi, khó chịu lắm”. Than thở câu trước, câu sau bà Phượng đã tươi cười khoe: “Nghề này chịu cực thì cũng kiếm được”. Mỗi lò than sau gần 2 tháng lãi khoảng 10 triệu đồng. Nhà bà có 4 lò, tính ra số tiền kiếm được so với mức sống ở quê dư sức nuôi 4 đứa con khôn lớn, nên người.

Hầm than là nghề truyền thống cha truyền con nối, gắn bó với nhiều đời cư dân vùng rừng ngập mặn Cà Mau. Ban đầu những lò than được xây dựng có quy mô nhỏ - chỉ vài mét vuông. Mỗi lò chất được vài mét khối củi theo chiều đứng. Sau đó, những lò than nhỏ không đảm bảo công suất nên người dân tìm đến vùng Hậu Giang để học nghề hoặc thuê thợ về xây dựng những lò than quy mô lớn. Hiện những lò than ở Cà Mau có thể cho ra hàng chục khối than thành phẩm trong một lần đốt. Với bà con xứ này, than củi cũng được ví như “vàng đen” vì giúp nuôi sống nhiều gia đình.

Chủ lò sống được nhờ nghề làm than thì công nhân hầm than cũng có cái ăn cái mặc. Mỗi ngày, từ 7 giờ đến 17 giờ là chị Đặng Kim Thủy (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) lại đến Hợp tác xã Than đước Tân Phát làm những công việc như cắt cây, chất củi vào lò, đốt lò và ra than. Công việc nặng nhọc, tiếp xúc với nhiều khói bụi than nhưng chị Thủy được chủ lò bao cơm nước, mỗi ngày chị bỏ túi trọn 200.000 đồng tiền công.

“Làm cực, nhưng được cái gần chồng, gần con. Ngoài giờ làm thì mình có thể chạy về nhà để cơm nước, chăm sóc con cái. Nghề này tuy cực nhưng thu nhập ổn định, chồng tôi cũng làm chung nên vợ chồng có nhau, gia đình êm ấm” - chị Thủy khoe.

Chị Triệu Diệu Linh (42 tuổi) đã có hơn 22 năm làm lò than. Sau khi lập gia đình và sinh bé gái đầu lòng được hơn 2 tháng, chị Linh bắt đầu đi làm than. Nhà đông anh chị em nên vợ chồng chị Linh có rất ít đất sản xuất. Quyết tâm nuôi con ăn học, ban ngày chị Linh và chồng làm lò than, ban đêm dạy con học. Hiện con gái lớn của chị Linh đang theo học đại học y dược.

Chị vui mừng chia sẻ: “Đời mình ít học nên cố gắng cho con. May mắn các con tôi đều ham học nên vợ chồng ráng làm có tiền để lo cho chúng. Vợ chồng làm chung cũng hỗ trợ nhau được nhiều. Chồng tôi làm những việc nặng nhọc như cưa cây, lấy củi trong lò ra. Tôi làm những khâu nhẹ hơn như canh đốt củi lò, cho than thành phẩm vào bọc”.

Ghiền mùi khói than

Nghề cực, nhưng làm mãi nên người hầm than quen và thương nghề lúc nào không hay. Bà Huỳnh Thị Ngọ chia sẻ: “Quen mùi khói than nên bị ghiền, đi xa nhớ không chịu nổi. Có lần tôi bệnh nằm viện gần 1 tháng, xa lò, xa chị em, nhớ lắm nên vừa bớt bệnh là tôi trốn viện về làm tiếp”. Hiện tại mỗi tháng bà Ngọ có thu nhập khoảng 9 triệu đồng. Với khoản tiền này, bà dư sức nuôi 2 cháu ngoại.

Đáng quý ở chỗ, những gia đình theo nghề hầm than đều chí thú làm ăn, thuận vợ thuận chồng, nuôi dạy con ngoan, học giỏi. Vậy nên người dân nơi đây gọi nghề hầm than là nghề “đen mặt mà sáng lòng”.

Chị Huỳnh Thị Ngọ hạnh phúc với công việc tại lò than vì được ở gần chồng con và tiện chăm sóc gia đình
Chị Huỳnh Thị Ngọ hạnh phúc với công việc tại lò than vì được ở gần chồng con và tiện chăm sóc gia đình

 

Chìa đôi tay chi chít vết chai sần sau hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông Huỳnh Thanh Vũ (42 tuổi) cho biết công đoạn nặng nhọc và tốn công nhất của nghề là cưa cây, chất củi và phải canh lửa hàng tháng trời.

“Suốt khoảng 1 tháng đầu, cứ khoảng 2 giờ là tôi đi 1 vòng các lò để đưa củi vào. Củi để đốt lò thường là cây mắm, vì loại này giá rẻ, cháy mạnh và dai. Nếu gặp sự cố như tắt lò hoặc quá lửa, than sẽ bể thành mảnh nhỏ hoặc bị cháy thành tro thì coi như lỗ vốn. Nghề nào nghiệp đó, làm riết rồi quen, giờ không có mùi khói đốt than là tôi ngủ không được” - ông Vũ chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Bình - (57 tuổi, xã Tam Giang, huyện Năm Căn), chủ nhiệm Hợp tác xã Chế biến than 2/9 - cho biết ông kế nghiệp hầm than từ cha ông.
“Hồi còn nhỏ tôi đã thấy ông nội làm than. Cha tôi cũng làm nghề này, sau đó cha tôi truyền lại cho tôi, giờ 3 người con của tôi cũng theo nghề. Ở hợp tác xã này có 19 xã viên với hơn 40 người. Người đi trước chỉ người đi sau, cứ vậy cha truyền con nối làm nghề kiếm sống” - ông Bình tự hào khoe.

Cà Mau có hơn 50.000ha rừng ngập mặn ven biển, trong đó chủ yếu là cây đước, tập trung nhiều ở huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Củi đước được mua tại các lâm trường theo chu kỳ khai thác hoặc từ những hộ dân trồng rừng kết hợp với nuôi thủy sản theo hình thức giao khoán. Do có nguồn nguyên liệu dồi dào mà sản lượng và chất lượng than ổn định. Mỗi tháng có hàng trăm tấn than được hợp tác xã 2/9 bán ra thị trường.

Bà Nguyễn Hồng Mơ - Chủ tịch UBND xã Tam Giang - cho biết nghề hầm than đã giúp cho nhiều người dân, đặc biệt là những phụ nữ ít đất sản xuất, những hộ nghèo có thu nhập ổn định, tạo được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Cũng theo bà Mơ, những năm gần đây dù còn ít người theo nghề hơn so với trước, nhưng nhờ cơ quan chức năng kiểm soát nguồn nguyên liệu cũng như tìm đầu ra, nâng cao giá trị cho than đước, nên bà con ăn nên làm ra.

Rời xóm lò than, hình ảnh vấn vương chúng tôi là những chiếc ghe chở củi, bán than tấp nập dưới bến sông. Cầm trên tay xấp tiền công vừa nhận, các bà, các chị công nhân hầm than cười tươi, khuôn mặt vẫn lem luốc bụi than. Họ vui với tâm nguyện: Đời cha mẹ lấm lem cho đời con tinh tươm, tươi sáng…

Theo phụ nữ TPHCM