Hôm đó, ba mẹ, các anh chị em, họ hàng và bạn bè đều đến dự, nói những lời tốt đẹp chúc mừng. Bạn bè tôi còn đùa: “Cô gái tự nhủ cả đời sống độc thân vui vẻ cuối cùng cũng kết hôn”.

leftcenterrightdel
 Vợ chồng tác giả hạnh phúc trong ngày cưới - Ảnh do nhân vật cung cấp

Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa hiểu ý nghĩa thực sự của hôn nhân là gì. Phải chăng là 2 người xa lạ gặp nhau, yêu đương tìm hiểu nhau, rồi dọn về sống chung một nhà? Hay là 2 người cảm mến nhau, đồng cam cộng khổ, đi qua bao gian truân của cuộc sống, cho đến cuối cùng vẫn còn bên nhau, thương nhau như thuở ban đầu?

Lúc ấy, tôi chưa biết rõ về ý nghĩa của hôn nhân, nhưng tôi biết ba mẹ tôi đã thương nhau thế nào. Dẫu cho bao bộn bề cuộc sống, dẫu trải qua những gian nan và dị nghị, 2 người vẫn thương nhau. Mặc dù đôi lúc niềm thương của ba không thể hiện ra ngoài, nhưng mẹ vẫn thường bảo với chúng tôi là ba thương mẹ con mình lắm. Những lúc mẹ bệnh, không ra khỏi nhà được, ba sẽ giặt giũ cho mẹ, thay tã cho em út, nấu cơm cho cả nhà ăn. Mẹ cũng thường cằn nhằn ba lúc ba đi câu cá về trễ hoặc đi xuyên đêm. Mẹ thường nhăn mặt khi ba đi kéo lưới thả cả mùa nước lũ. Nhưng mẹ cũng sẽ ân cần nấu cho ba chén cháo khi ba đi uống rượu về khuya hoặc đôi lúc ba mệt mỏi, mẹ vẫn luôn chăm sóc.

Trong mắt một đứa trẻ như tôi thuở ấy, yêu và thương nếu không nói ra bằng lời thì chẳng thể nào gọi là yêu thương được. Thế nhưng đối với ba mẹ, hình như không cần quá nhiều từ ngữ để biểu đạt lòng mình. Yêu thương càng cần hành động cụ thể hơn lời nói.

Bà ngoại dì của tôi và chồng của bà, năm nay đã ngoài 80 tuổi. Mỗi lần qua nhà ông bà chơi, tôi chẳng khi nào nghe ông bà nói thương nhau cả. Chỉ là trong bữa cơm, ông nhẹ gắp cho bà một chút cá, một chút rau, đôi lúc sẽ nhìn chén của bà, nhẹ giọng bảo đưa ông bới thêm cơm.

leftcenterrightdel
 Vợ chồng tác giả luôn trân trọng những phút giây bên nhau trong cuộc sống - Ảnh do nhân vật cung cấp

Những lúc như thế, bà thường nói bà no rồi. Có thể là no thật hoặc bà nhường cơm cho các con, các cháu. Đến nay, sau rất nhiều năm, tôi trở lại nhà của ông bà. 2 người vẫn thế, vẫn không nói thương nhau bao giờ. Nhưng ông sẽ giành làm những việc nặng nhọc với bà - đào mảnh đất trước nhà, gom cỏ khô rồi vun lên thành luống cho bà trồng rau.

Ông nhổ cỏ trong vườn, đôi tay gầy guộc, một tay nhẹ đỡ gốc rau, tay kia thì nhổ cỏ quanh gốc, để lại thành một đống thật to quanh luống. Bà sẽ cầm một cái rổ, đi qua nhặt đám cỏ kia bỏ vào rổ rồi mang đổ xuống kênh. Ông luôn làm những việc nặng nhọc như thế trước, khiến tay chân chai sần, chỉ để bà làm nốt những phần việc nhẹ hơn còn lại.

Có lẽ bởi ông thương bà thế nên bà tuy đã ngoài 80 tuổi nhưng tay chân vẫn mềm mại. Bà khỏe mạnh, minh mẫn, dẻo dai, có lẽ cũng nhờ tình yêu của người bạn đời luôn bền bỉ vẹn nguyên sau bao năm tháng.

Tình yêu không lời của ba mẹ, của vợ chồng bà dì đã cho tôi thêm niềm tin để nuôi dưỡng cuộc hôn nhân của mình. Chúng tôi sẽ nói lời yêu thương nhau, sẽ vừa là bạn đồng hành, cũng là người bạn đời nương tựa. Tôi chẳng mong cuộc đời mình bình yên sóng lặng, chỉ mong những lúc bão giông vẫn có thể cùng nhau gánh vác.

Trải qua bao mưa nắng của cuộc đời, trải qua bao gian truân khổ ải, chúng tôi vẫn có thể ung dung nắm tay nhau đến khi bóng hình người thương khuất dần sau núi.

Theo phụ nữ TPHCM