Chưa từng phải lo việc nhà tỉ mỉ, sau khi mẹ tôi mất, mọi việc lớn nhỏ trong ngoài dồn hết lên vai ba. Các anh chị tôi lần lượt nghỉ học ở cuối cấp II để phụ ba chăm em và đi làm kiếm sống, riêng tôi được ba giao việc trông thằng Út.

Nhiệm vụ của chị em tôi là đi học và tự chơi với nhau. Nhờ vậy mà tôi và Út được học hành đến nơi đến chốn. Tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, ra trường đi dạy gần nhà 3 năm rồi lấy chồng dạy cùng trường.

Em Út vào Trường đại học Nông lâm. Hết 4 năm học em về quê xin vào huyện nhà làm để được gần ba.

leftcenterrightdel
 Một mình ba gồng gánh đàn con đông đúc (ảnh minh họa)

Hồi má tôi còn sống, bà rất tháo vát nên anh em chúng tôi chưa có bữa đói nào. Bà mất, một mình ba tôi gồng gánh đàn con và chăm sóc ông bà nội lớn tuổi. Buổi tối khi lên giường, ba không còn sức lực để hỏi han các con, chỉ ôm thằng Út đi ngủ.

Vì Út mất mẹ sớm nên mỗi lúc về nhà, ba tôi dành hết thời gian bên em như bù đắp mất mát cho em.

Nhà nghèo, con đông, lại sống chung với ông bà nội nên dù ba được nhiều người phụ nữ thương, vẫn không ai can đảm bước chân vào nhà tôi làm mẹ kế đàn con nheo nhóc. Tôi không biết có lúc nào ba nghĩ đến chuyện lấy vợ lần nữa không, chỉ biết là mỗi năm tới ngày giỗ má, ba thắp hương đếm tuổi của từng đứa con báo cho má. Tôi nghe ba hứa với má sẽ cố gắng lo cho đàn con cho đến ngày dựng vợ gả chồng.

Lần lượt từng đứa con được ba cưới gả. Yêu cầu dâu rể của ba rất đơn giản: chỉ cần hiền lành, có công ăn việc làm và biết yêu thương nhau. Tiêu chí cuối xem ra không dễ, bởi không phải cặp vợ chồng nào cũng đến với nhau từ tình yêu. Các anh tôi đa số do mai mối, hoặc bị ba… cưỡng chế lấy vợ, vậy mà cặp vợ chồng nào cũng hòa thuận, vui vẻ.

Mỗi khi mái ấm nhỏ của các anh chị lục đục, dâu hoặc rể lại về "méc" ba, chờ ba làm trọng tài phân xử. Ba luôn đứng về phía dâu rể trước, sau đó hỏi rõ ràng mọi chuyện và “chốt hạ” ở câu hỏi: “Nếu bỏ nhau, tụi con có lấy được người chồng/vợ nào khác tốt hơn người hiện tại không?”. Thế là anh chị len lén nhìn nhau rồi chào ba đi về nhà riêng.

Ba tôi ít học, lời lẽ cũng không nhiều, nhưng các chị dâu, anh rể rất quý trọng ông. Anh chị em chúng tôi đương nhiên vô cùng tôn kính ba. Khi ông bà nội còn, cuộc sống khó khăn, chạy ăn từng bữa cho đàn con, nhưng chưa bao giờ ba lơ là việc chăm sóc ông bà. Tất cả những gì ngon nhất và tốt nhất ba đều dành cho cha mẹ. Có lần thằng Út thèm ăn bánh quy của ông bà, và được ông bà nội cho hộp bánh để chia cho anh chị em. Ba tôi ôm Út vào lòng nói: “Ba xin lỗi vì để các con thiếu thốn. Nhưng thời gian của ông bà còn ngắn lắm, các con còn trẻ, rồi sẽ được ăn được mặc...” Lúc đó, tôi nghe mà không hiểu gì, sau này lớn lên mới thấm thía ý của ba.

Ông nội tôi mất, bà nội suy sụp, ba nghỉ làm ở nhà kề cận chăm sóc bà. Mỗi ngày đi học về tôi thấy ba ngồi bên cạnh xoa lưng, bóp chân cho bà.

Ba không cho đứa cháu nào lo cho bà, ngay cả việc tắm rửa của bà. Mỗi xế chiều, ba cõng bà đi tắm rồi xoa dầu, mang vớ, giữ ấm chân cho bà lúc trời mưa gió. Có lần, tôi nghe ba nói với chị Ba là ba mang ơn ông bà nội nhiều lắm, bởi nếu không có ông bà kề cận vực dậy tinh thần ba sau cái chết của má, có lẽ ba đã buông tay đi theo má...

Khi bà nội mất, em Út tôi cũng ra trường, ba chuyển qua ăn chay. Sợ ba mất sức, chúng tôi năn nỉ ba ăn mặn, nhưng ba giữ vững lập trường. Ông nói từ lâu đã muốn ăn chay trường, nhưng nhà đông đúc, phải làm cá món chay lẫn món mặn thì vất vả cho chị em tôi. Giờ con cái đã lớn khôn, ra riêng, nên ba muốn ăn chay. Ba chưa từng sống cho riêng mình ngày nào nên “yêu cầu nhỏ nhoi” này của ba được anh chị em tôi tôn trọng.

Ba tôi năm nay đã gần 90 tuổi nhưng sức khỏe vẫn tốt, tinh thần minh mẫn. Anh chị em chúng tôi ganh tỵ với Út, vì em được sống với ba từ nhỏ đến tận giờ. Ý định đón ba về nhà nuôi dưỡng những năm tháng cuối đời của chúng tôi lần lượt bị dập tắt khi chứng kiến sau mỗi giờ cơm chiều, cậu Út gác bỏ hết mọi sở thích cá nhân, lời rủ rê của bạn bè, để ngồi kế bên ba, nghe ba nói chuyện, cắt móng tay móng chân cho ba, săm xoi từng món đồ yêu thích cùng ba…

Cậu Út nói đơn giản: “Em muốn ở với ba nhiều hơn chút nữa”.

Theo phụ nữ TPHCM