Chái bếp của ngoại luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với tôi. Chái bếp cũ kỹ bằng tranh tre nhưng ấm áp vô cùng. Tôi yêu từng sợi khói mỏng manh như tơ len lỏi trên mái tranh rồi quyện vào làn sương mờ ảo. Tôi yêu mùi thơm lá khô ngoại nhen mỗi sớm, mùi ẩm ướt cay nồng của củi mục lúc đông sang. Tôi yêu ánh lửa hồng bập bùng và yêu cả tiếng xèo xèo phát ra từ cành củi ướt. Tôi yêu mùi thơm của bắp, của khoai ngoại nướng, mùi cơm sôi, mùi cá kho và cả mùi ẩm mốc nơi chái bếp ấy.

Đó là tất cả những gì tinh khiết nhất, đẹp đẽ nhất mà tôi cất giữ mỗi khi nhớ về ngoại. Tôi thích cảm giác ngày bé hay ngồi trong lòng ngoại, nghe ngoại kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Tôi không hiểu vì sao một người không biết chữ như ngoại lại thuộc làu Truyện Kiều, Lục Vân Tiên và bao ca dao, tục ngữ…

Tôi nhớ những ngày đông đã xa, gió lùa trên mái tranh, xuyên vào da rét căm căm; tiếng mưa rơi trên mái lá. Không biết ngày đó do dại khờ hay ngây thơ mà anh em chúng tôi mỗi lần thấy nước dột lại reo lên thích thú. Chúng tôi đâu biết mắt ngoại đỏ hoe, lo lắng. Ngoại vẫn thường nói cuộc đời ngoại ngoài nghèo khó, vất vả, chỉ có anh em chúng tôi là niềm vui, là hạnh phúc, là niềm an ủi lúc tuổi già. Những ngày mùa đông rất xa như thế, 3 anh em tôi sẽ ngồi quanh bếp lửa vừa sưởi ấm vừa nghe ngoại kể chuyện vừa chờ con rô, con tép ngoại nướng dậy lên mùi thơm.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa
 

Lúc nhỏ, cứ mỗi chiều đi học về, nơi đầu tiên tôi chạy vào là chái bếp của ngoại, bởi tôi biết ngoại sẽ ngồi đó nhóm bếp, miệng móm mém nhai trầu. Trên bếp, nồi cơm đang sôi và trong đống lửa hồng reo vui kia có vùi củ khoai lang nướng thơm lừng. Câu đầu tiên tôi nói khi còn chưa giáp mặt ngoại: “Ngoại ơi con đói bụng quá” và ngoại sẽ mắng yêu tôi: “Cha cô, chỉ giỏi ăn chực”.

Và tất nhiên củ khoai lang nướng thơm lừng kia hoặc quả u mơ, trái chuối, thanh kẹo giấu trong sạp gạo sẽ là của tôi. Sau này, khi lớn lên, ra thành phố học; có những chiều nhớ nhà, tôi nhớ quay quắt mùi khói bếp của ngoại, nhớ dáng ngoại lui cui ngoài vườn quét lá khô, nhớ mùi trầu, mùi mồ hôi muối mặn nồng trên vai áo ngoại. Mỗi khi về đến đầu làng, thấy ngọn khói trắng la đà bay lên từ chái bếp của ngoại là lòng tôi lại thấy bình yên.

Nhiều năm sau ngày ngoại mất, mỗi khi trở về, tôi lại bần thần ngồi bên chái bếp xưa, nghe trong nỗi nhớ vọng về tiếng cơm sôi, tiếng củi cháy, tiếng ngoại mắng yêu “Cha cô, chỉ giỏi ăn chực”. Ngoại giờ đã hóa thành ngọn khói trắng mang theo muộn phiền phiêu diêu tận cuối trời xa.

Và tôi, dù bây giờ được đi nhiều nơi, ăn nhiều món ngon nhưng mãi mãi không có món nào ngon như các món ngoại đã từng nấu cho tôi ăn, mãi mãi không nơi nào ấm áp bằng chái bếp cũ kỹ, đơn sơ của ngoại.

Theo phụ nữ TPHCM