Một cuộc hôn nhân thành sự khi 2 người quyết định trong tự do để về sống với nhau. Khởi nguồn là vậy, nhưng đặt trong mỗi bối cảnh văn hóa sẽ có những điều đáng lưu tâm. Tất cả nghi thức hay lề luật trong từng bối cảnh văn hóa cũng đều hướng tới một sự công nhận vợ chồng muốn kết hôn, nhưng cũng từ đó làm nảy sinh các vấn đề. 

leftcenterrightdel
 

Văn hóa và lối nghĩ của chúng ta tránh làm mích lòng người khác nên ngoài chuyện đăng ký kết hôn với cơ quan quản lý nhà nước, thực hành nghi thức theo tôn giáo và chuyện ra mắt chính thức với cha mẹ cùng họ hàng trước bàn thờ gia tiên, chúng ta còn bận lòng chuyện phải làm một đám cưới cho ra trò với cộng đồng rộng lớn bên ngoài. Những chuyện gọi là "bên ngoài” đó đã khiến nhiều đôi và gia đình phải khốn đốn. 

Ngày tôi làm đám cưới năm 2017, chúng tôi cũng như gia đình đôi bên không đặt nặng chuyện người ngoài lắm, dù thú thật là không dễ. Có một người quen thời đại học của tôi nói "đám cưới mà không mời tôi nha” là một ví dụ. Khi phác thảo danh sách những người sẽ mời, tôi thấy lên đến tầm 60 bàn và đã can đảm rút xuống còn gần 30 bàn, chấp nhận những ý kiến nếu có sau này.

Tôi cũng không thể tính được trước đó đã từng đi đám cưới ai để mời lại; thêm nữa, người mình mời cũng khó lòng đến tận nơi để "đúng lễ nghi” nên đã đăng lên mạng xã hội rằng "thân mời anh chị em bạn hữu thân thiết, ai thu xếp được thì cứ nhắn một tin hoặc gọi một cú báo số người là có thể đến dự để chung vui”. Nhìn chung, người đến dự đám cưới tôi đều biết rõ họ là ai và thân thiết với tôi trong thời điểm đó như thế nào. 

Cũng nói qua một chút về "nghi thức”. Với tôi, chuyện cắt bánh rót rượu chỉ là làm cho có màu sắc trong không khí đó thôi chứ không phải nghi thức. Đám cưới chính được tổ chức ở quê vợ có phát biểu của cha mẹ. Tiệc ở Sài Gòn thì tự do vui vẻ cùng những người thân thiết. Tôi nhớ, người phát biểu không phải là cha mẹ chúng tôi mà là một đàn anh trong ngành mà chúng tôi trân trọng. 

Từ xưa, tôi nghĩ những câu chuyện như thách cưới hay bên này phải trả tiền, tặng vật phẩm cho bên kia đều có giá trị giải quyết 2 chuyện: Một là nhu cầu tài chính và hai là chuyện sĩ diện hay bộ mặt của gia đình, có khi của chính 2 người quyết định cưới nhau. Sự thật của chuyện được - mất từ đám cưới thường chỉ có vợ chồng và 2 gia đình biết. Chuyện tiền bạc có thể không có nhiều khó khăn bằng chuyện sĩ diện. Có những gia đình phản bác hay bôi nhọ nhau ngay trong đám cưới, trước bàn dân thiên hạ để thị uy, giữ danh giá hoặc cứu danh giá của mình. 

Điều này rất quan trọng trong văn hóa Á Đông. Chữ sĩ (danh dự, bộ mặt) mới quan trọng chứ không phải chữ tài (tiền bạc vật chất). Sống trong cộng đồng văn hóa như vậy, sự cân nhắc hay chịu tác động từ những đánh giá hay bình luận của người khác là không tránh khỏi.

Vậy nên, để thoát khỏi các ảnh hưởng đó, có ít nhất 2 chuyện cần quan tâm. Chuyện thứ nhất là nhân vật chính (cô dâu, chú rể, gia đình 2 bên) phải đạt được sự độc lập và tự tin với quyết định của mình, cơ bản là đủ mạnh mẽ để sống với quyết định của mình mà không bị người khác tác động. Chuyện thứ hai là người xung quanh phải dẹp bỏ được thói quen can thiệp vào chuyện của người khác hay gia đình khác.

Hiện tại, tôi cũng thấy có khá nhiều người, nhất là giới trẻ, không còn quá câu nệ chuyện nhận thiệp trực tiếp hay nhận thiệp online; nhưng những người ở thế hệ cha mẹ, ông bà thì vẫn còn nghiêm trọng lắm. 

Những nghi thức cũng được nhắc đến, thậm chí chuyện phải đi đám bao nhiêu tiền cũng được tính toán như cái “nợ phải trả”. Ngày người khác cưới mình đi bao nhiêu thì ngày mình cưới cũng sẽ nhận được như vậy. Chính những điều câu nệ này làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng. Cái khó thay đổi là những nghi thức này đã được nâng lên thành lễ nghi “phải như vậy”.  

leftcenterrightdel
 Vợ chồng tác giả Ngô Minh Uy trong ngày cưới

Trong đám cưới thì phải có bia uống cho đến tận cùng. Một số nơi, một số người còn xem chuyện đi đám cưới là để uống cho đã nư hoặc uống cho lại với số tiền đã bỏ ra. Tôi không nghĩ ai có quyền cấm không cho uống rượu, uống bia trong tiệc cưới, nhưng lối sống văn minh là không được ép nhau uống. Một lần nữa, cái sĩ diện của nhiều người trong chúng ta làm nên rắc rối, nhất là trong những chuyện có thể gây ra nguy cơ như bia rượu, rồi đánh đấm hay kèn cựa nhau…

Ngoài bia rượu còn chuyện đàn hát. Tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng từng trải qua một cái đám cưới mà đàn hát như một chương trình tạp kỹ với đủ thể loại múa may quay cuồng. Đám cưới chúng tôi đã cố gắng giữ không gian nhẹ nhàng, êm ả hết mức có thể để mọi người nói chuyện được với nhau và từ đó mà tăng thêm tình nghĩa của những người quý mến nhau. 

Tôi và nhiều anh chị em khác cũng hay nói trong nhiều dịp về việc chuẩn bị cho đám cưới với những thứ thuộc về hình thức như chụp ảnh cưới, làm album, áo quần… thật nhiều, thật đắt; trong khi việc học biết về đời sống hôn nhân và cách xử lý mâu thuẫn, cách để đời sống hôn nhân và nuôi dạy con cái khỏe mạnh, hạnh phúc thì lại không được nhiều người quan tâm thích đáng.  

Chúng ta biết tỉ lệ ly hôn do mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân không xử lý được hay do sự kỳ vọng không đặt đúng thực tế và nhiều thứ khác đang ngày càng gia tăng. So với một số nước phát triển, tỉ lệ ly hôn của Việt Nam là thấp, song cái mà một người làm tham vấn tâm lý như tôi lưu tâm là chuyện sống hài hòa và hạnh phúc trong hôn nhân. Tôi biết tỉ lệ không hạnh phúc trong hôn nhân của các đôi tại Việt Nam có thể là đáng báo động. Rồi việc quản lý, kế hoạch nuôi dạy con cái trong các gia đình cũng không được thực hiện tốt, bởi tình trạng của đôi vợ chồng cũng nghiêm trọng không kém.  

Tinh thần tôn trọng người khác là điều tôi nghĩ cần được nhấn mạnh ở đây, để chúng ta bớt gây ra áp lực cho người trẻ hoặc gia đình của họ. Nếu một đôi biết quan tâm đến những điều đáng quan tâm trong hôn nhân và đời sống gia đình thì khả năng họ hạnh phúc sẽ cao, nếu không thì chúng ta sẽ rơi vào cảnh bế tắc và bất hạnh ngay trong một mối quan hệ mà người ta đến với nhau vì điều tốt đẹp. 

Theo phụ nữ TPHCM