Má tôi mồ côi từ sớm, mấy dì tôi và má dìu dắt nhau lớn lên như cỏ dại ngoài đồng. Má ít chữ nên đặt cả cuộc đời và ước mơ của mình vào những đứa con. Mặc cho nắng mưa, giông bão ập vào đời má, miễn sao bình yên còn ở lại bên lũ con thơ.
Từ ngày cưới ba và có chị em tôi, má làm đủ nghề để mưu sinh: bán cà phê, sửa giày dép, giúp việc, phụ bếp và neo đậu lại ở cái nghề bán sữa.
Tôi không rõ má học nghề từ ai, chỉ thấy từ hôm má xách xô sữa ra đầu hẻm, trên vỉa hè má kê vài cái ghế, đặt ở đó 2 bộ bàn, lâu dần má có khách quen. Ban đầu má bán sữa đậu nành, rồi sau có thêm sữa đậu xanh và đậu phộng. Chiều chiều, căn bếp nhà tôi thơm mùi sữa đặc quyện. Mùi sữa đậu ngầy ngậy, thơm lừng bám vào mọi ngóc ngách rồi theo gió lan tỏa khắp nhà.
|
|
|
Má của tác giả bao giờ chụp hình cũng phải có người thân. Trong hình là ba má (bên trái), vợ chồng tác giả ( bên phải) và đứa cháu |
|
Giữa những buổi chiều hè nắng chang chang, vừa về đến nhà sau giờ học, dựng chiếc xe đạp trước hiên đã ngửi thấy hương thơm của nồi sữa má nấu xộc vào mũi mà cơn thèm trào dâng. Hay những ngày đông lạnh buốt, quẩn quanh trong bếp, đợi chờ ly sữa nóng má cho mà thấy tuổi thơ tôi sao đủ đầy quá đỗi.
Có lẽ, dù hít hà cái mùi sữa đó qua bao nhiêu năm tháng chăng nữa, tôi cũng không ngán; bởi vì đó là mùi của tình thương, mùi của hy vọng, của thứ thức uống nuôi lớn giấc mơ và tương lai cho mấy đứa con của má.
Những ngày bán sữa là những ngày tôi thấy má hay cầm bịch tiền lẻ, ngồi một góc đâu đó trong nhà tính nhẩm. Lần một, trước khi đi chợ, má lên danh sách các thứ cần mua cho một ngày bán buôn và những gì cần cho bữa ăn đơn giản của gia đình, má lôi bịch tiền ra đếm.
Lần hai, sau khi giỏ sữa đã đâu vào đấy chuẩn bị mang ra đầu hẻm, má tính toán lại, sợ nhầm lẫn. Lần ba, má kiểm kê và gạch bao nhiêu đầu dòng trên tờ giấy đã nhàu, có sẵn trong bịch tiền sau khi về nhà với những xô sữa đã được bán hết.
Đó là cách má ngồi tính lời lỗ, tính những khoản người ta mua nợ, tính chi tiêu hằng ngày, má cần phải nắm rõ để còn xoay vòng vốn, để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt phí, tiền học và bao nhiêu thứ khác đang phải chờ chi ra từ bịch tiền lẻ bán sữa của má. Bịch tiền lẻ được má gói kỹ rồi lận sâu đâu đó bên dưới lớp quần áo trong chiếc tủ gỗ một cách cẩn thận. Nó là tài sản của má, là thứ nuôi sống cả gia đình tôi.
Miền Trung quê tôi có 2 mùa mưa nắng. Nắng cháy da, mưa dầm dề. Những ngày hanh khô oi bức, tôi thấy má cười nhiều hơn. Vì đó là mùa thuận lợi cho những ai chọn mưu sinh ở vỉa hè như má.
Tôi chẳng thích những ngày mưa. Mưa bao giờ cũng mang đến nỗi lo cho người bám trụ đời mình ở lề đường, hè phố. Mưa làm tôi lo - lo cho má, lo cho nồi sữa của má, lo chị em tôi không có đủ tiền để đóng phí học thêm. Những hôm mưa dai dẳng, má đem về còn gần nguyên 1 xô sữa, nhà không có tủ lạnh, má phải tìm cách làm nguội, cho vào túi rồi mang đi ướp trong thùng xốp giữ lạnh để cả nhà uống dần.
Mỗi đứa trẻ đều lớn lên cùng những giấc mơ. Lắm lúc giấc mơ ấy chưa kịp lớn đã bị giông tố cuộc đời bóp méo. Và nhiều khi đứng giữa chông chênh của dòng đời mưu sinh, con người ta thường nghĩ về mẹ, thường tìm về nhà; bởi chỉ nơi có người thương mình, nơi chở che cả quãng đời thơ ấu của mình mới đủ rộng lượng, bao dung dang tay đón chào mình trở về.
Mỗi lần về với má, được ôm má vào lòng, tôi như sống lại với những ngày ấu thơ. Dường như mùi sữa vẫn còn quyện đâu đó trong quần áo má, vương trên tóc má, bám vào thân thể má - thứ mùi cho tôi cuộc sống đủ đầy như hôm nay; thứ mùi nồng nàn, xưa cũ, chưa từng phôi phai.
Theo phụ nữ TPHCM