Ruben Martinez bị cảnh sát bắt năm 2007 với cáo buộc thực hiện hàng loạt vụ cướp có vũ khí ở thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ. Ông bị tuyên án 47 năm tù giam vào năm 2008.
Người đàn ông 49 tuổi không liên quan tới các vụ phạm tội này, nhưng phải mất tới 12 năm sau, ông và vợ, bà Maria Martinez, mới có thể chứng minh được điều này. Hôm 12/11, Ruben được trả tự do và trở về bên người vợ của mình sau 4.500 ngày bị chia cách.
"Đây chính là một phép màu", Ruben cho biết. "Tôi đã khóc trong phòng giam. Cảm xúc lúc ấy giống như bạn đang ở trong một đường hầm tối tăm và Chúa đã mang ánh sáng tới cho bạn". Họ đang hưởng tuần trăng mật, 12 năm sau ngày cưới.
Ruben và Maria thậm chí tới giờ vẫn chưa tin họ đã trở về bên nhau khi nghĩ về chuyện đã qua. Họ kết hôn vào tháng 12/2006, 5 tháng trước khi Ruben bị bắt. Buổi sáng ngày 1/6/2007, Ruben làm xong việc và đang đi bộ tới một cửa hàng rượu gần nhà ở khu phố Boyle Heights thì cảnh sát ập tới bắt lên xe.
"Lúc đó tôi đã nghĩ có chuyện gì đó tồi tệ xảy ra với gia đình tôi", Ruben kể lại. "Tôi ngồi trong xe cảnh sát và nghĩ mãi xem đó là chuyện gì".
|
Ruben Martinez ôm người vợMariabên ngoài nhà riêng ở khu phố Boyle Heights, thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ, hôm 14/11. Ảnh:Guardian. |
Cảnh sát sau đó đưa Ruben tới phòng thẩm vấn, yêu cầu trả lời hàng loạt câu hỏi để tìm cách thiết lập mối liên quan giữa ông và một nhóm tội phạm trong khu phố nơi ông ở. Cuối cùng, cảnh sát thông báo ông bị cáo buộc tham gia các vụ cướp có vũ trang, dù ông một mực phủ nhận. Trong khi đó, Maria trở về nhà và thấy cảnh sát đang lục tung mọi thứ để thực hiện lệnh khám xét.
Ruben cho biết ông đã bị truy tố 9 tội danh khác nhau liên quan tới hàng loạt vụ cướp tại một gara ô tô ở Boyle Heights, nơi ông chưa bao giờ lui tới, do có ngoại hình gần giống như những gì nạn nhân mô tả về tên cướp đeo mặt nạ tham gia các vụ tấn công.
Các công tố viên cho rằng cách đơn giản nhất với Ruben là chấp nhận thỏa thuận nhận tội và chỉ phải nhận bản án hai năm tù. Luật sư của Ruben khi đó cũng đồng ý với phương án này, nhưng vợ chồng Ruben thì không.
"Làm theo lời họ thì khác gì tôi thừa nhận mình là kẻ có tội, trong khi tôi không làm. Tôi không thể nói dối như vậy, và tin rằng cây ngay không sợ chết đứng", Ruben chia sẻ.
Maria hiểu rằng việc từ chối thỏa thuận nhận tội đồng nghĩa chồng bà sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng bà ủng hộ lựa chọn của ông. Để cứu Ruben, Maria đã đi tới tất cả nơi ông từng làm việc trong khoảng thời gian xảy ra các vụ cướp, thu thập bảng chấm công và tổng hợp danh sách nhân chứng. Tuy nhiên, tất cả bằng chứng quan trọng đó đều không được các công tố viên chấp thuận và khẳng định đó chỉ là giả mạo.
Ngày 20/5/2008, Ruben bị tuyên án 47 năm 8 tháng tù giam tại nhà tù bang California sau hai phiên tòa xét xử, dù bằng chứng duy nhất bên công tố đưa ra, dấu bàn tay thu được tại hiện trường, không hoàn toàn trùng khớp với Ruben.
Maria gần như suy sụp khi những biến cố liên tiếp ập đến với gia đình bà. Ruben vào tù, cháu trai bị giết đúng vào ngày Ruben bị kết án, mẹ chồng bà cũng qua đời hai năm sau đó.
Maria không có tiền để thường xuyên đi thăm Ruben, khi nhà tù nơi giam ông cách Los Angeles hơn 320 km, nhưng bà chưa từng từ bỏ hy vọng cứu Ruben ra khỏi đó. Maria, với sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, đã liên tục đệ đơn kháng cáo lên tòa án kèm theo hồ sơ chi tiết chứng minh sự vô tội của Ruben, nhưng tất cả đều bị từ chối.
Tới năm 2015, hy vọng mở ra với Maria khi Jackie Lacey, công tố viên liên bang của Los Angeles, thành lập đơn vị chuyên xem xét lại các bản án, và lần đầu tiên sau gần 10 năm, các bằng chứng của Maria được xem xét.
Các công tố viên sau đó mở lại cuộc điều tra vụ án, phỏng vấn các nhân chứng và cuối cùng kết luận Ruben vô tội. Ruben là một trong ba người may mắn được minh oan trong tổng số hơn 1.900 đơn yêu cầu được gửi tới đơn vị này vào thời điểm đó.
|
Ruben đang chuẩn bị các túi sữa tại một ngân hàng thực phẩm ở thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ, hôm 14/11. Ảnh:Guardian. |
"Rất nhiều người đã tìm đến tôi để yêu cầu sự giúp đỡ cho một ai đó đang ngồi tù oan", Lacey chia sẻ. "Tôi đã nghe nhiều câu chuyện, nhưng trường hợp của Ruben rất đặc biệt, vì trong suốt thời gian dài đó, họ chưa một lần từ bỏ hy vọng và đánh mất niềm tin vào hệ thống pháp luật".
Ngoài việc được trả tự do, Ruben sẽ được bồi thường 140 USD cho mỗi ngày ngồi tù oan, với tổng số tiền bồi thường lên tới hơn 600.000 USD. Tuy nhiên, theo Lacey, số tiền này không thể bù đắp những nỗi đau khổ mà gia đình này đã phải chịu suốt 12 năm tù oan.
"Tôi thật không thể tưởng tượng nổi họ đã trải qua 12 năm đó như thế nào", Lacey nói.
Còn đối với vợ chồng Ruben, sự đoàn tụ của họ quan trọng hơn tất cả. Ruben đã quyết định trở thành tình nguyện viên cho ngân hàng thực phẩm ở Los Angeles, nơi Maria đang làm việc, và tận hưởng những tháng ngày hạnh phúc bên người vợ của mình.
Theo vnexpress