Ông bà nội tôi đến với nhau do mai mối. Bà tôi kể, hồi đó bà rời xứ theo gia đình chạy giặc rồi lần hồi lưu lạc đến quê của ông. Thấy người con gái giỏi giang, siêng năng, ông cố tôi ngầm để ý, tính chuyện thành gia lập thất cho bà và con trai ông.

Ông bà nội về sống với nhau cũng nồng hương lửa đượm. Các bác các cô tôi lần lượt chào đời. Những năm đó, giặc giã triền miên nên cuộc sống cũng trăm chiều vất vả. Sau này, bà tôi kể, có khi bà vừa địu con vừa đi cấy lúa mùa. Ngay thời điểm ấy, ông nội tôi mắc bệnh cườm nước, dẫn đến mù hẳn.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Lúc đó ông nội mới ngoài 40 tuổi. Do chiến tranh, cuộc điều trị không đến nơi đến chốn. Đang tuổi sung mãn nhất của người đàn ông, lại là lao động chính, việc vĩnh viễn mất đi ánh sáng khiến ông sốc tinh thần rất nặng. Từ hiền lành, dễ tính, ông trở nên cau có, khó chịu. Hồi tôi còn nhỏ, vẫn nhớ những lần ông nội giậm chân hằn học khi vấp phải bậc cửa hay bực bội mỗi lúc có việc gì bất như ý. Vậy mà ông bà tôi đã ở bên nhau suốt 60 năm, đã cùng nhau trải qua những ngày giặc giã, đói kém.

Từ ngày ông nội mù lòa, bà càng tận tình chăm sóc ông. Bà chu đáo và tôn trọng để ông không thấy mặc cảm tàn tật. Con cái đứa ra chiến trường, đứa theo chồng, đứa lại còn nhỏ - tuổi học tuổi chơi. Một mình bà nội quán xuyến trong ngoài, ruộng cạn đồng sâu, lo cho chồng từ miếng ăn giấc ngủ.

Sáng sáng, bà dậy thật sớm, giặt giũ áo quần cho ông; xong thì chuẩn bị đồ lót dạ cho ông - bữa là củ khoai khi là trái bắp luộc. Rồi bà ra đồng làm việc. Trưa về, bà dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước; đi làm, bà cứ nhấp nha nhấp nhổm sợ các con ở nhà còn nhỏ không hiểu chuyện sẽ chọc giận ông. Đến bữa ăn, bà luôn gắp hết miếng ngon phần ông, lừa từng cái xương cá.

Cũng có lúc ông bà lời qua tiếng lại, nhưng dù buồn khổ và tủi thân thế nào, mỗi chiều bà vẫn nấu nước ấm mang vào buồng tắm cho ông. Cẩn thận dìu ông qua đoạn đường dẫn ra bể nước, bà nhắc ông tránh từng viên đá dưới chân. Những ngày có động, bà gấp gáp cõng ông ra hầm trú ẩn.

Sống trọn cuộc đời đã quá hiểu nhau nên cái gì nhịn được bà đều nhịn. Mỗi lần ông bà cự cãi, biết tính ông nóng, bà thường im lặng chờ ông hạ hỏa rồi mọi chuyện cũng êm xuôi. Khi các bác, các cô, sau này là cha tôi kết hôn, điều đầu tiên bà dạy các con ứng xử trong quan hệ vợ chồng là một người nóng thì người kia phải nguội; cái gì vỡ thì vá lại, đừng vội đổi thay. Như có lần mượn chuyện cái cà ràng bị nứt trong lúc cha mẹ tôi giận nhau, bà lấy dây chì kiềng lò lại rồi bảo vẫn còn dùng được. Hiểu lời bà nhắc nhở, sau đó cha mẹ tôi cũng làm hòa. Nhìn vào cuộc đời gian truân của bà, dù thế nào vẫn son sắt, bền lòng vượt qua mọi khổ sở để bảo vệ gia đình trọn vẹn, cha mẹ tôi cũng lấy đó làm gương. Trong đời sống chung có xảy ra chuyện gì, mỗi người cũng chịu nhường một bước, lấy hòa làm thuận.

Ngày ông mất, bà ngồi trước linh cữu ông suốt đêm. Dù không kể lể khóc than nhưng ai cũng biết một nửa phần hồn của bà đã chết, nửa phần còn lại bà vẫn lưu luyến các con. Phần người vợ đã xong thì bà vẫn còn trách nhiệm của người làm mẹ, làm bà.

Ông đi rồi, căn nhà với bà trở nên vắng ngắt, buồn tẻ. Không còn tiếng bước chân lẹp bẹp, không còn tiếng lá sột soạt khi ông lần vách mỗi ngày đi lại đi qua. Không còn những buồn bực giận hờn mà bà biết ông chỉ đang giận mình vì trở thành gánh nặng cho vợ con.

Rồi rất tự nhiên, bà lặp lại những thói quen của ông ngày còn sống. Bà dậy sớm nấu nước, phơi mùng mền chiếu gối khi trời nắng hanh. Những khuya trò chuyện dưới bếp với cha tôi, bà nói tiếng một tiếng hai đã nhắc ông nội.

60 năm chưa biết nói với nhau những lời ngọt ngào, dễ nghe, nhưng từ cách sống của bà, từ những gì cả đời bà đã làm để vun vén cho gia đình, chúng tôi ngầm hiểu một điều quan trọng, rằng nhẫn nại cũng là yêu thương.

Theo phụ nữ TPHCM