Gặp vợ trong mơ
Những ngày này ở nước Pháp, ông Jacques Pagnoux thường mơ thấy hình ảnh cô vợ Việt trong tà áo dài: “Cô ấy đứng trước cổng sân bay, dáng người nhỏ bé và thầm lặng chờ tôi bước ra”. Đó cũng là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam lần đầu ông gặp mặt.
“Anh ước gì chúng ta sẽ gặp nhau trong một ngày gần nhất, để anh được chở che người phụ nữ nhỏ bé có đôi mắt rất đẹp”, Jacques nói với vợ qua cuộc gọi video mà như tự nói với mình.
Jacques xa vợ từ tháng 2/2020. Bình thường, vợ chồng ông mỗi năm đều về Pháp thăm mẹ ông. Năm ngoái, vợ ông sức khỏe yếu nên một mình ông về chăm mẹ bị bệnh nặng. Lo xong hậu sự cho mẹ vì bà không qua nổi cơn bạo bệnh, ông không thể trở lại Việt Nam vì COVID-19 đã ngăn cách việc đi lại giữa các nước.
“Trải qua nỗi đau mất mẹ mà không có vợ bên cạnh chia sẻ, vỗ về, tôi rất buồn. Khi xong đám tang mẹ, tôi bán luôn căn nhà ở Pháp để có thể an tâm về Việt Nam. Từ tháng Chín năm ngoái, tôi làm xong thủ tục bán nhà, vậy mà đến nay, vẫn chưa thể trở về nhà của mình ở Việt Nam. Vợ thì chờ mong, tôi thì sốt ruột”, ông Jacques kể.
Jacques nhiều lần liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp để làm thủ tục quay trở về Việt Nam. Thế nhưng câu trả lời luôn là biên giới chưa mở cửa cho người nước ngoài. Sắp tới, có thể Phú Quốc sẽ đón khách du lịch nước ngoài, thế nhưng ông không muốn chỉ gặp vợ vài ngày ở Phú Quốc, ông muốn về nhà với vợ.
Ông Jacques gặp chị Dương Thị Thu Hạnh vào năm 2013. Hai vợ chồng sống tại Đà Lạt hơn bảy năm nay. Ông xây một ngôi nhà đẹp tại thành phố thơ mộng. Đồng lương hưu của ông cũng đủ trang trải cho hai vợ chồng. Khi xa vợ, ông nhớ quay quắt những lời cằn nhằn của vợ, nhất là khi cô ấy thấy chồng bày bừa đồ đạc lộn xộn trong nhà.
“Các chuyên gia nước ngoài đã được sang Việt Nam làm việc, người Việt kẹt lại ở nước ngoài có thể trở về nước. Nhưng với anh, đường về vẫn quá xa xôi, anh thấy mình như bị bỏ rơi”, Jacques thường nói điều đó với vợ. Chị Hạnh nghe vậy, chỉ biết nhẹ nhàng an ủi, động viên chồng.
Mấy tháng đầu xa chồng, chị Hạnh rất buồn, vì sức khỏe của chị không cho phép chị đi gặp mẹ chồng lần cuối. Vài tháng tiếp, chị bắt đầu lo lắng không biết bao giờ vợ chồng mới có thể gặp lại nhau. Chị đã quen nếp sống có chồng ở bên cạnh. Sáng chị đi chợ, chồng chở đi.
Cuối tuần, vợ chồng cùng đi viếng chùa, đi thăm bạn bè, bà con… Lủi thủi trong căn nhà trống, chị Hạnh cô đơn nhưng thấy mình vẫn may mắn hơn chồng vì chị còn có mẹ và anh chị em ở gần. Thương chồng một mình ở Pháp, sáng nào, chị cũng gọi điện để nghe ông kể chuyện, nghe ông nhắc những món ăn Việt mà chị thường nấu cho ông.
Cưới xong là xa nhau
Ông Yves Claquin, người Pháp, cũng đang xa vợ là chị Võ Thị Bảy, người Quảng Nam. Năm 2019, hai người đã tổ chức tiệc cưới, có hơn 300 quan khách, trong đó có nhiều bạn bè đến từ Pháp. Nhưng thật trớ trêu, khi hai người đi đăng ký kết hôn thì chị Bảy lại bị Đại sứ quán Pháp nghi ngờ kết hôn giả để được sang nước ngoài.
Ngay thời điểm đó, ông Yves phải rời Việt Nam vì hết hạn thị thực. Không bỏ cuộc, ông thuê luật sư để làm tiếp hồ sơ kết hôn cho mình.
Cuối cùng, cuộc tình của ông đã được phía Pháp chấp nhận, và ông phải sang Việt Nam để hai vợ chồng cùng đi đăng ký kết hôn.
Chưa kịp vui mừng thì dịch giã ập đến, những chuyến bay của Yves cứ hoãn mãi. “Quá nhiều thời gian và tiền bạc để làm hồ sơ kết hôn. Nhưng, điều này không quan trọng bằng việc vợ tôi bị oan.
Cô ấy và tôi yêu nhau, có quyền sống với nhau. Vậy mà có những người lại nghĩ xấu cho cô ấy. Tôi vẫn chưa được gặp lại người vợ mới cưới của mình từ tháng 11/2019”. Nhớ lại hành trình làm thủ tục kết hôn, đấu tranh cho cuộc tình của mình, ông Yves vẫn chưa thôi bức xúc.
Chị Bảy tâm sự: “Tôi đã có tuổi nên chỉ mong được hạnh phúc bình thường giản dị. Sống cùng nhau, chúng tôi có người nương tựa, sẽ cùng nâng đỡ tinh thần của nhau. Thấy tôi hay buồn khóc lặng lẽ, mẹ tôi cũng chỉ biết khuyên hãy cố gắng kiên nhẫn chờ đợi. Gia đình hai bên thường có mặt trong buổi trò chuyện qua điện thoại của chúng tôi để thăm hỏi động viên. Anh Yves đã xin nghỉ hưu trước tuổi để được sống gần tôi. Vậy mà hai năm nay anh vẫn sống một mình”.
Con ba tuổi vẫn chưa xong thủ tục kết hôn
Tháng Ba năm ngoái, khi còn ở Việt Nam, ông Rudi Thio (quốc tịch Indonesia) rất hạnh phúc khi được dạy con tập đi. Nhưng đã nhiều tháng qua, hai bố con chỉ nhìn nhau qua màn hình vi tính.
Mỗi ngày trò chuyện với con từ xa, ông vui mừng thấy bé Ngọc Khánh biết thêm nhiều thứ. Bé đã nói được cả câu, biết hát những bài hát trẻ em. Nói chuyện với bố qua màn hình video, bé Khánh cứ leo trèo rồi nhảy nhót, ông chỉ muốn ôm con vào lòng và xoa đầu con. Sinh nhật của vợ, chồng, con gái… đều được tổ chức “online” qua màn hình vi tính. Ông ao ước được có mặt bên con vào ngày bé tròn ba tuổi.
“Tôi may mắn có người vợ đảm đang, vừa nuôi con tốt, vừa dạy con ngoan. Một mình chăm con vất vả vậy mà vợ tôi còn thêm lo lắng khi tôi bệnh, bỏ ăn, nằm một mình trong căn phòng nhỏ. Tôi chỉ mong sống bên vợ con, trông con để vợ được ngủ sớm sau một ngày “chiến đấu” với đứa trẻ rất năng động. Tôi làm việc trong ngành tổ chức sự kiện nên cả năm nay do dịch giã, không có việc làm, chẳng có thu nhập, nhưng tôi cũng xoay xở đủ đường để giúp vợ nuôi con, bù đắp cho cô ấy phần nào”.
Ông Rudi và chị Phạm Thị Ánh Phượng gặp nhau vào năm 2017. Họ phải yêu xa, sống xa nhau vì lúc đó ông đang làm việc tại Timor-Leste (Đông Timor).
Chị Phượng muốn vợ chồng gần nhau, ông Rudi đành phải ở TP.HCM mặc dù chưa có việc làm. Ông phải chạy vạy khắp nơi tìm việc để chuẩn bị tài chính nuôi con. Khi tìm được việc làm, ông lại gặp cảnh người chủ nợ lương. May sao, người chủ cũ có công việc tại Campuchia nên gọi ông sang. Để có thu nhập, ông đành tạm biệt vợ con, khăn gói đi làm xa. Tháng Ba năm ngoái, Rudi về Việt Nam thăm vợ con.
Lần đó, chị Phượng định sắp xếp theo chồng, nhưng chỉ một tuần sau, tất cả các biên giới đều đóng cửa vì làn sóng đầu tiên của đại dịch COVID-19.
Trước đây, yêu nhau được một năm, chị Phượng có thai, hai vợ chồng gấp rút làm thủ tục kết hôn. Chị Phượng chạy đi chạy lại giữa Bà Rịa - Vũng Tàu (nơi chị có hộ khẩu) và TP.HCM. Thủ tục kết hôn với người nước ngoài không đơn giản, cần nhiều giấy tờ chứng minh nên khi con gái ra đời mà bố mẹ vẫn chưa kết hôn.
Vợ chồng ông Rudi lên kế hoạch đoàn tụ: Khi Việt Nam mở cửa cho khách du lịch nước ngoài, chị Phượng sẽ đến một tỉnh được đón khách, ở đó, ông Rudi gặp vợ con cho đỡ nhớ. Tiếp theo là cả hai hoàn tất thủ tục kết hôn. Sau đó, Rudi sẽ đưa vợ con đến một quốc gia nơi anh có thể tìm việc làm, để vợ chồng không còn sống xa nhau.
“Mong Việt Nam mở cửa lại các điểm du lịch đón khách nước ngoài. Chúng tôi muốn đoàn tụ sớm để gia đình được ổn định, và quan trọng là cùng lo cho con gái được đi học”, ông Rudi sốt ruột nói.
Nhiều cặp vợ chồng Việt ngoại xa nhau đang mong chờ ngày gặp lại nhau. Hằng ngày, họ ngóng tin tức mở cửa biên giới. Người tích cực nhất cũng đoán rằng vợ chồng họ chỉ có thể chung sống vào mùa hè năm sau, nếu dịch COVID-19 không bùng lên nữa.
Theo phunuonline