Ba má tôi thuộc thế hệ 6X. Thời ấy, phương tiện đi lại đa phần là đi bộ và xe đạp, người giàu lắm mới có chiếc xe Cub 81. Ba má tôi chẳng giàu sang, nhưng tình yêu của họ chân thành và sáng đẹp, khiến con cháu luôn ngưỡng mộ. Tới tận bây giờ, chiếc xe đòn dông cũ rích không còn dùng nữa vẫn được ba tôi trân trọng gác lên vách tường. Đó cũng là nhân chứng cho tình yêu của ba má trên khắp các cung đường tuổi trẻ.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Màu sơn chiếc xe đã ngả tối, 2 bánh xe cũng mòn cả, căm xe không trụ được nữa nên bung ra. Ấy vậy mà tuần nào về tôi cũng thấy ba chăm chút, lau chùi. Má ngồi ngắm ba, ánh mắt chất chứa hạnh phúc. Có lẽ chiếc xe hao mòn bao nhiêu là bấy nhiêu năm những vòng xe mải miết “quay đều, quay đều” chở một mối tình nghèo đơn sơ.

Mỗi dịp con cháu sum vầy, chúng tôi rất thích quây quần nghe ba má kể chuyện tình yêu của ông bà. Hồi đó, cứ mỗi tối là trai gái trong làng lại xách đèn dầu rủ nhau cuốc bộ đi xem ca nhạc, cải lương. Cũng chính cái đêm ấy, giữa biển người mênh mông, má đã gặp “chân ái” cuộc đời.

Ba tôi qua lời kể của má là người nhút nhát, ít nói, nhưng được cái thật thà, chung thủy. Nhìn cái cách ba nâng niu chiếc xe cũ không chịu bỏ là chúng tôi biết ba chung thủy với má thế nào rồi. Má tôi hay cười ngặt nghẽo khi nói về ba trong buổi xem cải lương hôm ấy. Ông mặc một chiếc áo sơ mi trắng rộng thùng thình với chiếc quần tây màu xanh jeans và đi “con xe” đòn dông màu đen - chính là chiếc xe ba vẫn luôn cất giữ làm kỷ niệm.

Má gặp ba lúc buổi diễn kết thúc, người ùa về đông nghịt. Bà lạc mất bạn hàng xóm đi chung, lại bị mấy thanh niên từ các thôn khác trêu ghẹo. Thế là má đánh liều leo lên yên xe trước con mắt ngơ ngác của ba rồi hối ông đạp xe rời đi. Nghe đến đoạn đó, chúng tôi lại cười phá lên, tưởng tượng cảnh ba đạp xe thục mạng mà chẳng hề quen biết người ngồi sau xe.

Những ngày sau đó, dù nắng hay mưa ba vẫn đạp xe đều đặn đến nhà má, dù cách nhau tận 15 cây số, để chở má đi dạo, đi ăn hàng rong. Vụ mùa nào ba cũng chăm chỉ đạp xe đến nhà ngoại phụ giúp cấy lúa, gặt lúa. Ròng rã gần 2 năm trời bị nhà gái thử thách “lên bờ xuống ruộng”, ba vẫn không bỏ cuộc với những vòng quay xe đạp lách cách đèo má.

Má làm vợ ba và vẫn không biết đi xe đạp. 2 nhà nội ngoại cách khá xa, mỗi lần về quê ăn cỗ, thăm họ hàng hay đi bất cứ đâu, ba sẽ là người chở. Vì thế, kể từ ngày ấy, mỗi cung đường má đi đều có ba đồng hành. Những khi đi cấy, đi gặt mướn cho người trong làng thì má đi bộ. Đến tối ba làm xong việc ở lò gạch lại ghé chở má về. Người ta vẫn hay quở trách má: “Xe đạp cũng không đi được, đón con mà cũng phiền đến chồng”. Nghe vậy ba chỉ cười hiền: “Có chồng chở đi là được rồi!”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Internet

Chị em tôi lớn lên, ba má cũng già yếu đi. Nhiều lần, chúng tôi thấy ba cố sửa chiếc xe đạp cũ nhưng không được vì nó quá rệu rã. Ông buồn buồn, chấp nhận sự thật là phải cho chiếc xe đạp “về hưu”. Mấy đứa con xúm lại thuyết phục ba đi xe máy, đặng có việc thì chở má cho tiện, đỡ mất công, mất sức đạp xe, vì 2 người cũng có tuổi rồi.

Ba tôi không đồng ý. Ông nói ba má già rồi, chỉ quẩn quanh nhà, chăm sóc vườn rau, nuôi vài con gà chứ không đi đâu xa, mua xe máy chi cho tốn kém.

Biết ý ba, tôi mua cho ông chiếc xe đạp mới. Vậy là rảnh rỗi, ba lại chở má đi dạo chợ hoặc chỗ này chỗ khác thăm họ hàng, bà con lối xóm. Đôi bạn già cứ thế không rời nhau trên mọi nẻo đường. Những vòng quay xe đạp lách cách như hát lên bài ca tình yêu của ba má tôi - bản tình ca tôi nghe mãi không bao giờ chán.

Theo phụ nữ TPHCM