Ngân đi họp lớp. Chồng Ngân chở vợ tới bằng xe máy, tình cờ gặp vài bạn gái khác tự lái ô tô tới. Có người hồn nhiên hỏi Ngân: Bạn mình giờ này còn chưa biết đi ô tô hả?

Ngân bật cười, tự dưng nhớ mình thi thoảng có coi mấy cái clip giải trí, thấy cảnh họp lớp tương tự. Nữ tổng tài bị bạn bè rẻ rúng khinh khi, cho rằng không cùng đẳng cấp, chỉ vì đi taxi hoặc xe máy, xe đạp tới.

leftcenterrightdel
 Chồng hay vợ lái xe cũng được, không ảnh hưởng gì tới sự bình đẳng hay độc lập của phái nữ

May quá, bạn bè Ngân thì chưa tới mức đó, và Ngân cũng không thành đạt tới độ phải “giả nghèo giả khổ” cho bạn cũ đỡ thấy cách biệt. Chỉ là, trong câu chuyện phiếm của cánh phụ nữ đã hơn 10 năm mới tụ tập lại, bỗng thấy dáng dấp của nhà cửa, xe cộ các kiểu. Không hẳn để khoe giàu, khoe địa vị, mà rất đậm tính đàn bà và nặng về “bình đẳng giới”. Như thể, đó là cách để chị em chứng tỏ sự độc lập, mạnh mẽ, đặc biệt là tự chủ về kinh tế của bản thân.

Hôm trước, Ngân từng thấy Châu, cô bạn thời đại học đăng ảnh đang ngồi sau vô-lăng của một chiếc xe bốn chỗ, kèm theo chia sẻ rằng: Bạn sẽ không bao giờ có thể đứng ngang bằng với phái mạnh, nếu mãi ngồi ở ghế phụ hoặc băng sau, hoặc thảm hơn hơn nữa, là ngồi trên xe hai bánh tuềnh toàng.

Rất nhiều “chị đẹp” vào bình luận, bày tỏ sự ngưỡng mộ, đồng tình. Có vẻ như tập đoàn phụ nữ không đi xe hơi đã nghĩ: "Tôi “chưa”, chứ đâu phải “không”! Rồi sẽ đến ngày, nhanh thôi, tôi cũng chinh phục được kỳ thi bằng lái, tậu một chiếc ô tô, làm chủ cung đường của mình, không cần lệ thuộc vào ai".

Có một câu chuyện vui rằng, khi được hỏi “động lực nào khiến chị đi học lái xe trong khi nhà đã có người biết lái”, thế là chị nọ trả lời: "À, sau mỗi lần cãi nhau với chồng, tui sắp thắng thì chợt nhớ ra, chiều nay cần ổng chở đi công việc. Thế là đành phải xuống nước, dù bản thân không biết bơi. Nên nếu tui mà có bằng, tự lái được, tui cãi tới sáng mai á!".

Một lý do dễ thương đó chứ! Đấy cũng là cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu của Ngân khi nghĩ về ô tô, rằng chỉ đơn thuần là một loại phương tiện di chuyển. Biết lái cũng tốt, không cũng chẳng sao, cứ việc “xuống nước” với chồng là được. Sao phải nặng nề nâng quan điểm rằng, phụ nữ độc lập thì nhất định phải có này có kia và có một chiếc xe hơi!

Bởi nếu trong nhà đã có một người đàn ông lái xe tốt thì việc gì vợ phải tự chạy cho mệt óc, áp lực? Sống đâu nhất thiết phải theo "trend", hoặc phải cố tỏ ra mình cứng cỏi như vậy. Độc lập hay khôg tự bản thân mỗi người biết, mình không phụ thuộc cảm xúc, kinh tế… thì chính là độc lập. Còn cái xe thì chẳng phải là yếu tố mang tính quyết định.

Mình không lái xe đời không nể? Kha khá chị em phải gồng mình vất vả học rồi thi bằng lái, đậu rồi thì bỏ ví cho sang, chưa hề có dịp nào sử dụng. Hoặc lâu lâu ngồi vào ghế lái chụp hình đăng mạng, để thiên hạ biết rằng mình và xe đều không xa lạ gì với nhau… Diễn cũng sâu và tốn công lắm chứ!

Rất nhiều tâm sự đã được chia sẻ về đàn bà và ô tô, đa phần đều kể lại hành trình đấu tranh khó nhọc với chồng, người yêu, để có thể được cho đi học lái, rồi tiến tới sở hữu xe riêng, tự vạch ra hành trình của mình. Vậy mới chuẩn ngầu, căng đét của mẫu phụ nữ hiện đại. Những câu chuyện ấy nhận được vô số sự đồng cảm, cổ vũ, thậm chí là cùng nhau kể lể rồi phẫn nộ về cái sự hãm tài, gia trưởng, độc đoán, yếm thế của người đàn ông bên cạnh đang cố tìm cách để ngăn cản. Chị phải mạnh mẽ lên, phải tự mình lái xe đi tới đi lui, đi dự tiệc, đi sự kiện, đi siêu thị, đi đón con, đi cà phê. Ủa mà đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt! Có mỏi mệt không? Tiếc thay, câu trả lời là “có”!

Bởi vì thật sự rất nhiều chị em không cần dùng tới bằng lái, chưa có điều kiện cần và đủ để lái xe. Hoặc tư chất không phù hợp với việc ôm vô lăng. Cố khoác lên người “tấm áo” xe hơi kềnh càng khó dịch chuyển ấy, nào phải dễ dàng gì. Đàn ông họ không khó để nhận ra, người phụ nữ đang thể hiện, đang tỏ ra nguy hiểm. Mà nguy hiểm thật, nếu thiếu chút cẩn thận và kỹ năng, sẽ thành thảm họa. Còn cánh đàn bà, có dễ bị lòe nhau bởi cái phụ kiện bề ngoài phù phiếm đó chăng?

Như chồng Ngân, anh vẫn khuyến khích vợ lái xe nhuần nhuyễn, và sẵn sàng ngồi cho vợ chở đi dông dài. 2 người đều thấy việc ai cầm lái không nói lên hạnh phúc hay sự mạnh, yếu gì cả. Càng không xem đó là cách để chứng tỏ mình với ai khác. Chỉ miễn sao vợ chồng thấy vui vẻ, tiện lợi, là được.

Theo phụ nữ TPHCM