Chưa hết đau buồn vì con gái bệnh, một buổi chị lại tất tả nhờ người trông con để chạy sang phòng cấp cứu. Mẹ chị bị tiểu đường nặng, giờ bị đột quỵ cần cấp cứu.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hai người thân yêu nhất của chị cùng nhập viện, chị gầy rạc người, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ và khóc nhiều. Mẹ chị rơi vào hôn mê, bác sĩ cũng không thể khẳng định được liệu bà có tỉnh lại hay không? Con gái cũng thường xuyên hỏi: "Mẹ ơi, con có được về nhà nữa không? Con có được đi học tiếp không?"... Những câu hỏi tưởng như rất bình thường của con lại khiến tim chị nhói đau.
Chị còn đau vì mẹ chị, con chị nhập viện nhưng nhà nội hầu như không quan tâm. Có hôm dường như "quên mất", mẹ chồng chị gọi điện liên tục hỏi: "Sao giờ này chưa về nấu cơm, chị định để cả nhà chết đói à?". Chị nghe điện, giữa chốn đông người mà nước mắt cứ thế lã chã rơi...
Sống chung với nhà chồng hơn 20 năm, chồng chị là người không có đầu óc, nhà có bao nhiêu tiền đem đi đầu tư, thua lỗ hết. Bao năm làm việc không đủ trả nợ cho chồng, chị thấy kiệt sức vì cuộc hôn nhân nhiều nỗi buồn, ít niềm vui này. Trong những ngày tháng tuyệt vọng đó, chị chỉ biết dựa vào con gái để gắng gượng. Nhiều người hỏi, sao chị không bỏ chồng đi cho nhẹ nợ nhưng chị không nỡ vì nhìn con gái quấn quýt, thân thiết với bố, chị sao có thể vì bản thân mình mà chia cắt tình cảm ấy. Sống thiếu con thì chị không thể chịu đựng được rồi, bao năm qua con là niềm vui duy nhất, là niềm hy vọng cuối cùng của chị trong cuộc sống này...
Đã vài lần, chị nghĩ đến chuyện giải thoát cho mình khỏi cuộc sống bất hạnh này nhưng nghĩ đến con không có mẹ ở bên chăm sóc, chị lại gắng gượng để vượt qua.
Các bác sĩ, người nhà bệnh nhân ở bệnh viện không ít lần đã chứng kiến chị gục ngay xuống hành lang bệnh viện khóc nức nở. Chị bảo không nhìn thấy tương lai phía trước khi mẹ bệnh, con bệnh, chị chẳng có ai ở bên chia sẻ nỗi buồn này. Chồng chị từ hồi con gái bệnh cũng chỉ đảo qua được một hai lần. Chị không hiểu nổi một người tưởng như yêu con lắm, sao có thể không quan tâm tới chuyện sống chết của con...
Mọi người thấy bữa nào chị cũng chỉ gọi một suất cơm hoặc một suất cháo, hoa quả cũng chờ con ăn xong, mẹ mới ăn. Chị nói, con chị mệt nên không ăn được nhiều, chị không muốn lãng phí. Kỳ thực chị không có nhiều tiền, để có tiền phẫu thuật cho con, chị đã phải vay mượn khắp nơi, vay rồi không biết sau này sẽ trả nợ bằng cách nào. Nhưng vì con, chị không thể ngồi im. Nhà chồng cũng bóng gió chuyện con gái chị có ghép gan cũng chưa chắc đã có cuộc sống bình thường trở lại, sao phải ném tiền qua cửa sổ? Nhưng chị đã nghĩ, sẽ không ai có quyền trách chị vì người mẹ nào trong hoàn cảnh của chị cũng sẽ chẳng còn tâm trí làm việc gì khác, ngoài việc phải cố hết sức để chữa trị cho con.
Nhiều người nhà bệnh nhân cùng phòng với con chị, bác thì buổi trưa, bác thì buổi tối rủ chị ngồi ăn cùng vì... nhiều đồ ăn quá (thực ra mọi người đều chủ định mua thêm hoặc mang nhiều hơn). Không ai bảo ai, thi thoảng mọi người lại rủ nhau quyên góp được một khoản tiền đưa cho chị. Lần nào cầm tiền của mọi người, chị cũng khóc. Họ chỉ là người dưng nước lã nhưng lại đối xử với mẹ con chị còn tình cảm hơn cả người nhà.
Ngày bác sĩ báo tin con chị đã có cơ hội được ghép tạng, mọi người không hiểu sao chị vẫn khóc nức nở, "tin vui với con gái của chị ấy mà". Chị thấy áy náy với những người đã không thể đợi và "nhường" cơ hội lại cho con chị...
Gần 12 tiếng chờ con phẫu thuật, chị chỉ nghĩ sự sống và cái chết quá mong manh nhưng nếu được, chị sẵn sàng đánh đổi tất cả để con được sống. Nếu con phẫu thuật thành công, chị sẽ nghĩ đến bản thân mình như đã hứa với con rằng: "Mẹ sẽ sống vì mẹ, không phải vì ai khác". "Ai nói gì mẹ cứ mặc kệ, miễn mẹ vui là được, mẹ phải sống như thế nhé!", lúc nghe con nói chị đã gật đầu để con yên tâm. Nhưng giờ chị nghĩ, chị chẳng có gì để cho con, vậy thì chị sẽ cho con được nhìn thấy nụ cười của mẹ mỗi ngày...
Bảo Châu