Mẹ cũng từng có ước mơ. Những ước mơ của một thời thơ dại nhưng chưa bao giờ được ai đó quan tâm. Mẹ tưởng nó sẽ mãi bị chôn vùi dưới đáy sâu tâm hồn, thế mà hôm nay lại hồi sinh. Phải chăng con đã nghe thấu nỗi lòng của mẹ? Phải chăng con đang từng ngày thay mẹ viết tiếp những ước mơ?

Đêm đông, những cơn gió lạnh lẽo rít lên từng hồi, lòng mẹ se sắt. Nỗi buồn phủ kín không gian, len cả vào trong tâm hồn của người đàn bà đã ngoài 30 tuổi mà vẫn nuối tiếc một thời đã xa. Tiếng piano đâu đây vút lên những thanh âm rộn ràng, phá vỡ khoảng không tĩnh lặng, kéo mẹ về với xúc cảm yêu thương. Cảm ơn cuộc đời đã mang con đến bên mẹ. Cảm ơn con đã cảm nhận được những khao khát, đam mê và thay mẹ viết tiếp những ước mơ.

Đã nhiều lần con hỏi mẹ: “Tại sao mẹ thích hát mà lại không biết hát? Tại sao ngày bé mẹ không học đàn?”. Con có biết, những câu hỏi vô tư của con lại như vết cứa xát vào tim mẹ không? Nó như ngọn gió đông quái ác làm vết sẹo tưởng chừng đã lên da nay lại trào dâng một cảm giác khó chịu, đau đớn.

leftcenterrightdel
 Con gái tác giả luôn học đàn với niềm say mê

Ngày xưa mẹ cũng như con, cũng chỉ là đứa trẻ với những nghĩ suy non nớt, những ước mơ khờ dại. Mẹ thích hát. Mẹ hát ngay cả khi chẳng biết nhạc điệu. Mẹ tìm đến hát như để cất lên tất cả những buồn tủi chất chứa bên trong một kẻ cô đơn. Thế nhưng con biết không, ngay cả sở thích nhỏ nhoi đó cũng bị ngăn cản. Người ta bảo mẹ là “đứa trẻ hư hỏng”, “chơi bời lêu lổng”, thích thú mấy trò “xướng ca vô loài”.

Con yêu, mẹ chưa bao giờ dám nghĩ sẽ đặt ước mơ của mình lên đôi vai nhỏ của con. Mẹ sinh con dưới cái nắng chói chang mùa hạ, giữa sự ồn ào, náo nhiệt của một thành phố vừa được hồi sinh sau cơn ngủ đông dài đằng đẵng. Có lẽ bởi vậy nên con mang theo ánh mắt biết cười.

Những nụ cười tươi tắn, rạng rỡ của con như cơn mưa rào mùa hạ tưới mát tâm hồn mẹ. Lần đầu tiên khi nhận ra con hứng thú với hát hò, nhảy múa, mẹ ngỡ rằng đó chỉ là ham mê bình thường của mọi đứa trẻ. Mẹ chẳng dám tin sẽ có một ngày nhìn thấy mình trong dáng hình con.

Năm lên 6 tuổi, con muốn học đàn và say mê với âm nhạc. Mẹ cần mẫn theo từng bước chân con tới trường. Sau mỗi buổi học là một câu chuyện đáng yêu, là sự hồ hởi, thích thú của con. Con hào hứng dạy mẹ cách đặt tay lên đàn, con miệt mài học và truyền cảm hứng tới mọi người xung quanh.

Nhìn những ngón tay xinh xẻo lướt trên phím đàn, tim mẹ dâng lên bao nhiêu cảm xúc. Niềm hân hoan, hạnh phúc như tiếng nhạc nhảy nhót trong lòng mẹ. Có phải con đang đánh lên những khao khát bấy lâu vẫn ẩn sâu trong trái tim đáng thương của mẹ?

Công chúa bé bỏng của mẹ, nghe tiếng đàn là mẹ biết khi nào con vui, lúc nào con buồn. Mẹ cảm nhận được cả sự dỗi hờn, khó chịu mà đôi khi con đánh lên để trút đi nỗi lòng của mình. Những lúc ấy, trong mẹ dấy lên những cảm xúc hỗn độn. Mẹ vừa buồn theo giai điệu ngân nga, vừa thương con mà cũng có chút vui. Thật lạ quá phải không con? Dù biết con buồn, mẹ vẫn mừng trong lòng vì biết con đã tìm được nơi để trút bầu tâm sự, chẳng như mẹ ngày nào chỉ một mình gặm nhấm nỗi đơn côi.

Thời gian gần đây, con ngày một lớn. Tâm trạng của con bắt đầu được giãi bày nhiều hơn. Nhìn cách con mân mê chiếc đàn, thấy con ngẩn ngơ với mỗi khúc ca, mẹ hiểu con đã đem lòng yêu những giai điệu trầm bổng. Con chăm chỉ luyện tập. Mẹ chẳng quản nắng mưa. Mình đồng hành bên nhau trên mọi hành trình.

Ngoảnh đi ngoảnh lại, con đã biết thả hồn vào âm nhạc và cảm nhận được cả những khoảng lặng sâu lắng của thanh âm. Mẹ nhớ mãi khoảnh khắc mà đôi mắt con rực sáng, đôi môi chúm chím cười. Khuôn mặt con lộ rõ vẻ mãn nguyện khi đã luyện được những nốt nhạc khó, cũng như lúc con thể hiện được trọn vẹn một bài hát.

Giây phút đó mẹ vỡ òa trong hạnh phúc. Cuối cùng thì mẹ cũng đã giúp con chạm tay tới giấc mơ. Giấc mơ của con hay cũng là giấc mơ của mẹ đang được hồi sinh.

Hạnh phúc nhất trong cuộc đời này là tìm được niềm vui ngay cả khi tủi hờn. Điều đó thật tuyệt diệu, phải không con? Có thể giấc mơ của mẹ đã ngủ vùi trong quá khứ, nhưng giờ đã có con thay mẹ khiêu vũ đôi tay trên những phím đàn.

Ấy là phép màu đó con yêu. 

Theo phụ nữ TPHCM