Hồi xưa, trước khi tôi rời Nha Trang bước vào cuộc sống đơn thân năm 38 tuổi, má xót xa nhắc: “Sống một mình khổ lắm đó con”. Má cho tôi 200 USD và 2 cây vàng để mua lại chiếc Cub 82 cũ.
Tôi nghèo, trình độ thuộc loại lỡ thầy lỡ thợ, trên vai gánh 3 đứa con đang độ tuổi ăn học. Chừng ấy vốn liếng chắt mót của má là tất cả hành trang quý báu tôi trân trọng mang theo.
|
|
Tác giả (đứng thứ ba từ trái sang) sum vầy cùng má và đại gia đình |
Tôi xin được việc làm, cuộc sống bình bình dù thường xuyên phải giật gấu vá vai. Mấy mẹ con tôi sống từ nhà thuê này tới nhà thuê khác. Dù tôi ở đâu, mỗi lần có dịp vô TPHCM, má cũng tới thăm. Có lần má tự đi chợ kho nồi thịt heo cho mẹ con tôi, rồi nhắc hoài với vẻ xót xa cho đứa con nghèo khó: “Nồi thịt bây lớn mà mấy đứa nó ăn hết luôn trong 1 ngày, thiệt tội!”.
Công ty du lịch tôi đang làm bỗng giải thể. Đứa em giới thiệu cho tôi công việc tại Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) với mức lương khá cao. Trước khi nhận việc, tôi về thăm nhà, lúc rảnh rỗi thường mượn máy tính của má lục email và viết linh tinh. Một hôm, tò mò mở một hộp thư chưa đặt tên, tôi phát hiện rất nhiều tập tin má ghi lại vô số câu chuyện từ thuở tôi còn bé thơ. Tôi bồi hồi nhận ra biết bao nhớ thương má gửi gắm vào dòng viết miên man mà lộn xộn, tựa như chữ nghĩa không kịp ghi lại những hồi ức tuôn trào trong lòng má.
Tôi bỏ công việc ở Phan Rang và quyết định ở lại Nha Trang phụ giúp má hoàn thành hồi ký của đời má. Như cặp bài trùng, tôi theo má khắp mọi nơi. Đưa đi khám bệnh rồi tháp tùng má trong những buổi đi chơi. Thỉnh thoảng 2 má con sánh đôi tới mấy đêm ca nhạc. Ở nhà, tôi học đánh máy với má, học dưỡng sinh và cùng ôn lại thái cực quyền.
Tối tối, cơm nước xong, tôi mở karaoke, khui một lon bia chia đôi rồi cả hai cùng nhau “luyện giọng”. Tôi thu cho má rất nhiều bài. Giọng hát của má đằm thắm và đặc biệt với tiếng Huế ấm áp, chậm rãi. Tự sự chuyện đời trưa muộn hay đêm thâu, 2 má con cứ như đôi bạn tâm tình. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc mà má con tôi bên nhau.
Hồi COVID-19, qua mạng xã hội, tôi gặp lại người yêu cũ hiện sống ở nước ngoài. Tôi tâm sự với má về anh, má ca ngợi tình yêu cách biệt mấy chục năm bằng cảm nhận sâu đậm của trái tim nghệ sĩ. Khi nghe bài 40 năm rồi sao, má thúc giục tôi hát và thu lại gửi cho anh nghe…
Hết dịch, tôi xin visa qua gặp anh. Lúc này, bà chị từ Úc về ở với má nên tôi cũng yên lòng. Thoạt đầu tôi nghĩ qua thăm rồi về, nhưng rồi duyên nợ còn trói buộc nên tôi và anh bàn tính chung sống lâu dài. Dù bây giờ má về ở với cậu em và bà chị lớn, còn tôi bước vào đời sống mới với hạnh phúc hiếm hoi trong cuộc đời lận đận của mình, nhưng trong lòng tôi, có một khoảng trống lớn khi xa má không thể nào lấp đầy.
Một hôm, nghe hát bài Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến, có câu “Mẹ ơi, con đã già rồi. Con ngồi nhớ mẹ nhớ ngôi nhà xưa…”, tôi đã bước vội vào buồng tắm, nước mắt giàn giụa.
Sinh nhật tuổi 101 của má năm nay, tôi về vội, cùng má và cả đại gia đình thăm lại quê hương, cội nguồn. Mỗi lúc gặp riêng tôi, má nghẹn ngào: “Má nhớ con lắm”. Tôi bàng hoàng nhận ra má đã già thật rồi, chẳng còn nhanh nhẹn như ngày nào. Trái tim tôi thắt lại. Cuộc hội ngộ qua nhanh như giấc mơ và tôi lại phải rời đi. Tôi ở rất xa má và khoảng nhớ trong lòng tôi chẳng thể lấp đầy. Khoảng nhớ mênh mông ấy luôn đặt tôi giữa suy nghĩ: ở lại hay về. Tôi biết luôn có cái giá cho hạnh phúc, nhưng cái giá khi phải sống xa má ở ngày tháng cuối đời thật là quá lớn.
“Mẹ ơi, thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình. Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ”. Lời bài hát làm tôi muốn khóc. Ai cũng nói bây giờ tôi ổn định rồi, nhưng hơn ai hết, tôi cảm nhận sự vô định ngút ngàn mãi nằm sâu trong trái tim.
Theo phụ nữ TPHCM